Giới thiệu ứng viên nữ làm Chủ tịch Quốc hội: 'Vui mừng có yếu tố mới, nhưng đừng coi quá đặc biệt'

Thời sựThứ Tư, 30/03/2016 12:07:00 +07:00

Đại biểu Dương Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm về việc lần đầu tiên một ứng cử viên nữ được giới thiệu vào vị trí Chủ tịch Quốc hội.

(VTC News) – Đại biểu Dương Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm về việc lần đầu tiên một ứng cử viên nữ được giới thiệu vào vị trí Chủ tịch Quốc hội.

Bên hành lang Quốc hội sáng 30/3, đại biểu Dương Trung Quốc đã trao đổi với báo chí về công tác nhân sự các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước sẽ được tiến hành trong kỳ họp thứ 11.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Ảnh: Phạm Thịnh)
Đại biểu Dương Trung Quốc (Ảnh: Phạm Thịnh) 

- Sau khi miễn  nhiệm Chủ tịch Quốc hội, quy trình bầu chọn nhân sự cấp cao sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?

Trước hết phải nói sự khác thường trong lần bầu những chức danh nhà nước cao cấp trong nhiệm kỳ Quốc hội này. Thông thường các chức danh này được bầu cho một nhiệm kỳ mới và do một nhiệm kỳ Quốc hội mới.

Mặc dù chúng ta đã chứng kiến rất nhiều lần có sự thay đổi nhân sự, trước hết là do kết quả của những quyết định trong tổ chức Đảng.

Ví dụ như thời kỳ Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh sang làm Tổng Bí thư thì chuyển giao chức vụ Chủ tịch Quốc hội cho ông Nguyễn Văn An.

Trong những trường hợp ấy tương đối đơn giản hơn bởi vì các ông ấy vẫn ở cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị.

Nhưng lần này có lẽ là do kết quả của Đại hội Đảng lần thứ 12 đã tạo ra tình huống lần đầu tiên 3 chức danh quan trọng nhất (ta hay gọi là trong tứ trụ), sau Đại hội Đảng 12 không tham gia Ban chấp hành Trung ương và không tham gia Bộ Chính trị.

Để kéo dài tình trạng những chức danh cao cấp ấy không có cương vị trong đảng thì không phù hợp với thiết chế chính trị của ta.

Vì thế lần này chúng ta phải bầu một lúc 3 chức danh quan trọng. Đây là tình huống phù hợp với đòi hỏi để làm cho bộ máy sớm đi vào hoạt động một cách  có hiệu quả trong công tác đối nội và đối ngoại.

Hơn thế nữa, trong chừng mực nào đó, những người từ nhiệm trước nhiệm kỳ cũng là sự hy sinh. Vì thế thủ tục như đã thông báo có động tác từ nhiệm, rời chức vụ để có cơ sở bầu những người mới.

Việc bầu các chức danh chủ chốt như mọi quy trình khác, bảo đảm sự giám sát của Quốc hội trong việc đánh giá các nhân sự tương xứng với những chức năng được Hiến pháp quy định cũng như những chuẩn mực tiêu chuẩn.

Mặc dù ai cũng biết công tác nhân sự được quyết định ở bên tổ chức Đảng.

- Nhưng đây là lần đầu tiên, một ứng cử viên nữ được giới thiệu vào vị trí Chủ tịch Quốc hội?

Đây là dấu ấn đầu tiên nhưng còn là bước ngoặt hay không thì phải để thời gian trả lời. Có thể là tiền lệ tích cực. Tiền lệ này rất đáng mừng.

Nhưng tôi lưu ý rằng, nhìn ra thế giới thì đã có nữ giới làm Thủ tướng, Tổng thống, Bộ trưởng bộ Quốc phòng từ lâu rồi. Vui mừng có yếu tố mới, nhưng đừng coi là gì đó quá đặc biệt.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân 

- Tuy nhiên, qua phát biểu thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn nhắc đến món nợ của Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua?

Đương nhiên, nói món nợ của Quốc hội với nhân dân để thể hiện trách nhiệm, đòi hỏi không chỉ những người lãnh đạo Quốc hội mà mỗi đại biểu Quốc hội cũng phải phấn đấu hơn nữa.

Nhưng tôi cũng nhấn mạnh phải có cơ chế và môi trường để đại biểu Quốc hội hoạt động. Ví dụ một đại biểu Quốc hội không chuyên trách như tôi không nằm ở địa bàn mình được bầu ra, nhiều khi xấu hổ thật.

Mỗi năm, chúng tôi chỉ tiếp xúc cử tri theo lịch là 4 lần, “xuân thu nhị kỳ”, cố gắng lắm thì cũng chỉ 6 lần/năm. 14 năm tôi làm đại biểu Quốc hội, tôi cũng chưa tiếp xúc hết với những cử tri đã bầu ra mình. Đó là điều hạn chế.

- Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng sẽ tuyên thệ trước Quốc hội. Ông kỳ vọng gì về điều này?

Tôi là một trong những người đầu tiên nói về việc các lãnh đạo chủ chốt phải tuyên thệ trước Quốc hội.

Từ lịch sử xa xưa trong truyền thuyết các vua Hùng cũng đã có tuyên thệ. Gần hơn trước khi kết thúc Đại hội Tân Trào, Quốc hội đầu tiên, Chính phủ đầu tiên cũng có tuyên thệ.

Việc các lãnh đạo ở trên thế giới tuyên thệ đã quá phổ biến thì tạo sao mình lại không tuyên thệ.

Hơn nữa, Đảng viên tuyên thệ được thì sao các quan chức không tuyên thệ được. Vì vậy, lần này, việc Hiến pháp đưa vào việc tuyên thệ thì tôi cho là điều rất đáng mừng.

Chúng ta tin rằng, một lãnh đạo đã tuyên thệ thì chắc chắn sẽ có ý chí thực hiện lời thề của mình cao hơn khi không tuyên thệ.

- Nhưng ở nhiệm kỳ vừa qua, đã có những lúc những vị lãnh đạo đã không thực hiện được lời hứa trước nhân dân. Vậy liệu có cần cơ chế để đánh giá việc này?

Chúng ta đừng nghĩ tuyên thệ là một chỉ tiêu đánh giá. Tuyên thệ để thể hiện ý chí, tinh thần, đạo đức. Điều đó tôi nghĩ dân vẫn đủ sáng suốt để nhận ra.

- Nhân sự trong nhiệm kỳ mới liệu có chuẩn bị để tiếp thu bài học mà các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều trong các phát biểu trước Quốc hội không, thưa ông?

Tôi cho rằng có hai yếu tố là cơ chế và con người. Cơ chế nào cũng thông con người thực hiện. Đối với tồn tại cần khắc phục, nếu ta phân tích cho cùng tất cả tồn tại có nguyên nhân.

Một trong những nguyên nhân căn bản là tính trách nhiệm cá nhân chưa được thể hiện rõ kể cả trong cơ chế và con người.

Tôi mong nhiệm kỳ tới sẽ hoàn thiện hơn cơ chế về mặt pháp lý, trách nhiệm cá nhân. Mỗi vị cán bộ ở cương vị của mìn, đặc biệt cương vị cao cấp thể hiện trách nhiệm cá nhân.

Trách nhiệm ấy thể hiện việc các lãnh đạo thực hiện hết quyền năng của mình được Luật quy định.

Tôi ví dụ yêu cầu cách chức người không xứng đáng. Chính hiện nay tình trạng luật pháp không đi vào đời sống bởi vì cơ quan hành pháp, thực thi pháp luật không làm hết trách nhiệm của mình.

Bản thân các vị quan chức quan cấp, cũng phải nghĩ đến văn hoá từ chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ.

Ngay việc hiện nay một số vị từ nhiệm trước nhiệm kỳ, thể hiện văn hoá của mình, tự rời bỏ chức vụ vì trách nhiệm chung. Đó là thứ từ chức, được người dân chia sẻ, tôn vinh. Từ chức không thuần tuý  là hành vi tiêu cực.

Phát ngôn ấn tượng của đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa)
Nguồn: VTV



- Đại biểu Quốc hội cũng có thể giới thiệu hoặc tự ứng cử các chức danh chủ chốt. Ông có tự ứng cử không?

Tôi cho điều đó giống như bầu cử Quốc hội, luật quy định rõ ràng. Tôi không phải là đảng viên, chắc tôi không ứng cử.

- Liệu có nên công khai tỷ lệ phiếu bầu đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt không, thưa ông?

Tỷ lệ phiếu bầu nên công khai cho mọi người biết để nhắc nhở công việc tiếp theo của các vị trúng cử. Tôi tin là trúng cử hết thôi.

Nhưng mà những yếu tố ấy rất quan trọng, làm mọi người nhận thức  về mình đầy đủ hơn, biết mình biết người, thể hiện thái độ ý chí của Quốc hội, là tiền đề để các vị ấy hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

Ngày 31/3, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội mới. Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả, Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Dự kiến, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ ngay trong buổi sáng 31/3.

Trước đó, theo thông tin bên lề Đại hội Đảng 12, tại Hội nghị Trung ương 14, Trung ương Đảng đã thống nhất giới thiệu bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội ứng cử vào chức danh Chủ tịch Quốc hội.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn