Giờ này anh ở đâu, hỡi người bạn cũ cùng trung đoàn?

Thời sựThứ Năm, 02/05/2013 07:06:00 +07:00

(VTC News) – Những người lính - anh hùng - trở về với đời thường vẫn thủy chung, sắt son trong tình cảm đau đáu về đồng đội.

(VTC News) – Những người lính - anh hùng - trở về với đời thường vẫn thủy chung, sắt son trong tình cảm đau đáu về đồng đội.

Tôi muốn lấy tên bài hát Liên Xô “Giờ này anh ở đâu, hỡi người bạn cũ cùng trung đoàn?” nổi tiếng của nhạc sỹ Vasily Soloviov Sedoi, lời thơ Alexei Fatyanov viết về những người lính Cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại thời hậu chiến để đặt tựa cho bài viết của mình.


 Nghe bài hát 'Giờ này anh ở đâu, hỡi người bạn cũ cùng trung đoàn?'

Năm nay, nghỉ lễ chiến thắng và Quốc tế lao động dài ngày, tôi có dịp đưa bố tôi, cựu chiến binh chống Mỹ, đến cuộc gặp gỡ của những người đồng ngũ Thái Bình.

Cuộc gặp gỡ của những người lính trận nhập ngũ chung một ngày trong cái nắng đầu hè oi ả, dưới mái ngói xiêu vẹo năm nào cũng diễn ra mà sao vẫn sôi nổi, xúc động đến lạ.

Những mái đầu bạc bên chén rượu đầy. Những bộ quân phục bạc phếch, những thân hình còm cõi, nhỏ thó...

“Mảnh đạn pháo bay rẹt qua đầu. Tao bỏ mũ xuống vuốt vào tóc. Không thấy máu trên tóc, tao  mừng đã thoát chết. Số tao đỏ hơn thằng Tính. Mảnh đạn bay qua đầu lấy đi một mảnh sọ mà nó không biết. Đến khi thấy miệng tanh mùi máu cũng là lúc nó gục xuống. Giờ còn sống cứ ngất lịm suốt. Khổ vợ con phục vụ suốt ngày đêm”.
Đồng đội ngày gặp lại 
Câu chuyện của họ cứ thế rôm rả. “Thằng Thu đâu nhỉ? Năm ngoái còn gặp nó mà?” Ai đó cất giọng hỏi. “Chết hồi trong Tết rồi. Vết thương cũ tái phát.” Không khí chợt chùng xuống.

“Còn thằng Nhượng, sao cũng không thấy?” “Ung thư rồi. Khổ thân nó. Vợ thì viêm khớp liệt giường 20 năm, được mụn con gái cũng nằm một chỗ chẳng biết gì từ lúc sinh đến giờ vì hậu quả chất độc da cam. Chồng ung thư mà ngày đêm phải phục vụ vợ con. Nó mà có mệnh hệ gì, ai chăm sóc vợ con cho nó? Từ ngày nó đổ bệnh, mấy thằng tao vẫn đến thăm nó luôn.” Một giọng cất lên đầy cảm thông.

Đời thường của những người cựu binh ở thôn quê là vậy. Với tôi, tất cả họ đều là những anh hùng trong chiến trận. Hòa bình, họ trút bỏ bộ quân phục và khẩu súng trở về làng quê yên bình, trở về với công việc nhà nông, tham gia công việc chính quyền cơ sở hoặc công việc xã hội.

Trong số họ, có nhiều người không may mắn, thậm chí có số phận nghiệt ngã như người cựu binh Nhượng trong câu chuyện của những người đồng ngũ ở trên.

Nhưng những người lính già ấy vẫn chan hòa tình đồng chí, đồng đội, động viên nhau vượt qua mọi khó khăn, thậm chí là tai họa khủng khiếp giáng xuống đầu họ.

Mỗi năm qua đi, mái đầu của họ càng bạc thêm. Ở những cuộc gặp đồng ngũ cũng thưa vắng dần bóng các cựu binh. Nhưng họ vẫn giữ liên lạc với nhau chặt chẽ, vẫn tìm nhau, dù xa xôi, cách trở…

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay lịch sử đã quy định những ngày chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta và thế giới phải gần sát nhau? Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, rồi đến ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 và cuối cùng trong chuỗi những ngày chiến thắng chấn động địa cầu ấy là ngày chiến thắng phát xít 9/5.
Cựu binh - thủy thủ Nga của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại rưng rưng ngày gặp lại 

Tôi cũng có cơ duyên nhỏ với những người lính. Ấy là những lần đến Berlin của tôi gần như đều trùng với ngày Chiến thắng phát xít 9/5.

Những lần đó, tôi đều đến thăm tượng đài chiến sỹ Hồng quân Liên Xô ở Treptower Park và đài tưởng niệm các chiến sỹ Xô Viết đã hy sinh khi tiến vào sào huyệt cuối cùng của Đức quốc xã ở khu rừng Tiergarten.

Mỗi lần đến đặt hoa tại đó, tôi đều bắt gặp những cựu binh Nga đã già yếu lắm, ngực lấp lánh huân huy chương, mắt rưng rưng ngước lên tượng đài người lính Hồng quân sừng sững, một tay cầm thanh kiếm, tay kia bế em bé đang sợ hãi nép vào lòng anh.

Tượng đài người lính Hồng quân ở Berlin 
Bức tượng được dựng lên với ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Người lính Hồng quân tiến vào sào huyệt của Đức quốc xã, cứu nhân loại vô tội khỏi thảm họa phát xít.


Những cựu binh Chiến tranh vệ quốc, người trẻ nhất cũng gần 90 tuổi, đã yếu lắm. Vậy mà họ vẫn đến với đồng đội mình ở thành phố của đất nước xa xôi từng là chiến trường đẫm máu họ đã giành giật cùng quân phát xít.

Cứ đến thời điểm này, kênh 1 đài truyền hình Nga ORT đều phát những bộ phim và các bài hát kinh điển về Chiến tranh Vệ quốc. Những bài hát nghe đi nghe lại sao vẫn thấy xúc động lạ thường: Đàn sếu, Trận đánh cuối cùng, Ngọn lửa nhỏ, Đêm tối…

Đêm qua cũng được xem lại bài hát "Giờ này anh ở đâu, hỡi người bạn cũ cùng trung đoàn?"

Ca từ của bài hát vang lên qua giọng ca của nghệ sỹ Khvorostovky sao mà da diết: Những đêm tháng Năm thật ngắn ngủi/Khắp mặt trận đã kết thúc, lặng yên/Giờ này anh về đâu, hỡi người chiến sĩ cùng trung đoàn/Những người bạn cùng chiến đấu bên tôi bao ngày qua?

…Chúng ta sẽ cùng nhau nhớ lại lúc sống chung/Đã vượt qua những dặm trường đầy gian khổ/Chúng ta đã vắt kiệt sức mình cho chiến thắng/Vì đồng đội ta lại còn sẻ chia/Nếu như anh còn chưa có gia đình/Bạn thân ơi, chớ có đau buồn nhé/Ở quê tôi chốn này rộn rã những bài ca/Cùng với bao cô gái rất đẹp xinh…

Dưới khán đài, lẫn trong khán giả trẻ tuổi là những cựu binh già, ngực lấp lánh huân chương, rưng rưng nước mắt trên những gương mặt nhăn nheo…

Chợt thầm nghĩ, giới trẻ ngày nay có bao người hiểu được tình cảm lặng lẽ, thủy chung tình đồng chí, đồng đội ấy. Giá như có cách nào để họ hiểu được hơn tình cảm đau đáu ấy? Cuộc sống ắt hẳn sẽ nhân ái hơn rất nhiều.

Hải Hà

Bình luận
vtcnews.vn