Giây phút giáo viên ‘điên đảo’ với học trò nhí

Giáo dụcThứ Hai, 04/02/2013 05:27:00 +07:00

Một em bé lớp lá phải chuyển trường sau lần bị cô đánh. Một cô giáo trẻ ray rứt mãi khi bắt học trò mình phải nuốt kẹo cao su ngay trong lớp.

Một em bé lớp lá phải chuyển trường sau lần bị cô đánh. Một cô giáo trẻ ray rứt mãi khi bắt học trò mình phải nuốt kẹo cao su ngay trong lớp.

Phía sau phút nóng giận ấy không chỉ là bài học cho các thầy cô, mà chính phụ huynh cũng nhận thấy có phần lỗi của mình...


Câu chuyện thứ nhất

Sáng 29/1, trong cơn tức giận cùng cực, ba mẹ bé H.N.M.K. (HS lớp lá) đã dẫn bé đến trường đòi gặp cho bằng được cô T. và cô H. để hỏi cho ra lẽ vì sao cô đánh con trai mình. Bé K. có hai vết bầm tím lớn trên lưng, một vết bầm hình tròn tím đen trên cánh tay, gần vai trái. Bé K. nói với ba mẹ những vết bầm đó do cô H. đánh bằng chổi vào chiều 28/1. Nguyên nhân, theo bé K., “các bạn rượt đuổi con, con chạy ra ngoài lớp nên cô phạt”.

Mẹ bé K. kể: “Khi tắm mới phát hiện nhiều vết bầm trên người con, không hiểu sao cô giáo có thể đánh con tôi liên tục như vậy”. Chỉ mới năm ngày trước, bé K. ra về với một vết sưng to trên mặt. Cô T. hết lời xin lỗi phụ huynh vì đã lỡ tay đánh bé K. do bé không chịu ngủ trưa, nghịch phá trong lớp. Cô T. đã đánh bé K. bằng một cây kiếm nhựa, mũi kiếm đâm vào phần dưới mắt gây sưng đỏ. Mẹ bé K. nghẹn ngào kể: “Nghe cô T. xin lỗi, nhìn con tôi đau xót muốn rớt nước mắt”.

Về nhà, ba bé K. tức giận chạy thẳng đến trường. Không gặp cô T., ông lớn tiếng và hăm dọa các cô khác. Khi đó cô T. đã về nhà. Biết chuyện, một lần nữa cô T. điện thoại về nhà xin lỗi gia đình. Bé K. nghỉ học một ngày để mẹ lăn trứng gà cho hết bầm. Bé K. đi học lại, cô T. không có mặt ở lớp. Biết ba bé K. trong khi nóng giận hôm trước có nặng lời với các cô, mẹ bé đã mở lời với cô H. và ban giám hiệu với ý muốn gác lại mọi chuyện để bé K. học hết năm lớp lá tại trường. Không ngờ đến lượt cô H. đánh bé K..

Ban giám hiệu nhà trường cho biết: khi đến trường, ba bé K. một mực yêu cầu hai cô T. và H. phải làm tường trình sự việc. Do biết ba bé K. nóng tính, lần trước đã dọa đánh cô nên lần này ban giám hiệu tiếp và thay các cô xin lỗi ba mẹ. Tất cả các cô đều nhận lỗi và xin lỗi phụ huynh.

Ban giám hiệu hứa sẽ yêu cầu các cô tường trình sự việc và xử lý theo đúng mức vi phạm. Ngoài lý do áp lực công việc vất vả, lớp đông... có lẽ các cô khó có thể diễn giải trôi chảy lý do vì sao lỡ tay đánh một đứa trẻ...
Bé K. với vết bầm trên cánh tay 

Câu chuyện thứ hai

Lời kể của cô giáo: “Bữa đó không phải tiết dạy của tôi, nhưng vì đó là lớp tôi chủ nhiệm nên giờ ra chơi tôi có lên lớp nhắc nhở học sinh đừng ăn quà vặt trong giờ học. Sở dĩ có chuyện này vì một số giáo viên bộ môn phản ảnh học sinh lớp tôi ăn quà vặt nhiều quá. Cuối tiết thứ 5, tôi lại lên lớp lần nữa để nói chuyện với các em. Thật sự là tôi rất giận khi thấy mẩu bánh tráng la liệt dưới sàn lớp, đang giảng giải về những tác hại của việc vừa ăn vừa học thì tôi phát hiện em T. và em H. đang chuyền kẹo cho nhau.

Bức xúc, tôi kêu hai em lên bục giảng bắt ăn hết kẹo rồi cả lớp mới được ra về. Em H. ăn hết ngay, còn em T. đứng một hồi rồi bật khóc. Một số học sinh hối: “Hai bạn ăn lẹ đi rồi còn cho cả lớp về”. Em T. hỏi tôi: “Cô bắt con nuốt như vậy có chết không?”. Tôi có nói là không sao. Lúc đó tôi cứ đinh ninh là kẹo dẻo chứ không biết kẹo cao su. Hôm sau, tôi có gọi điện cho phụ huynh của hai em, kể rõ sự tình và xin lỗi”.

Tâm sự của mẹ học sinh H.: “Bé H. từ nhỏ đã rất thích ăn bánh kẹo. Tôi biết mình cũng có lỗi khi mỗi ngày cho con 15.000 - 20.000 đồng để ăn sáng. Còn cháu có ăn sáng không và mua gì để ăn thì tôi không kiểm soát được. Thỉnh thoảng, khi kiểm tra tập của cháu, tôi có thấy kẹo nhưng chỉ nhắc nhở con không nên mua những loại kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ chứ không biết việc mang thức ăn vào lớp học là vi phạm nội quy nhà trường. Nói thật là bé nhà tôi cũng cá tính lắm, cháu có tính tự giác học tập nhưng đúng là rất nghịch. Bữa bị cô giáo phạt, tối đó cháu có kể cho tôi nghe.

Tôi rất lo lắng và yêu cầu cháu lên mạng Internet tìm hiểu xem nuốt kẹo đó có ảnh hưởng gì không. Thấy trên mạng nói không sao nhưng mấy bữa nay tôi vẫn im lặng theo dõi xem con mình có triệu chứng gì bất thường không. Cô giáo có chủ động gọi điện xin lỗi tôi, chúng tôi cũng biết cô thương học sinh, sâu sát học sinh lắm nhưng khi sự việc xảy ra tôi cũng giận cô, tự hỏi tại sao cô lại bắt học sinh làm như thế.

Tuy nhiên, sau này khi nghĩ lại, tôi thấy con mình cũng có lỗi, cô giáo thì còn quá trẻ, chưa có gia đình, chưa nuôi con nên chưa có kinh nghiệm. Tôi cũng nhận ra khuyết điểm của người làm mẹ: tôi sẽ phải đọc kỹ nội quy của trường để dạy con, sâu sát hơn vấn đề ăn uống của con vì con gái tôi lúc này đã mập hơn trước”.

Tâm sự của mẹ học sinh T.: “Mỗi ngày tôi cho con 20.000 đồng ăn sáng. Tôi biết như vậy là không tốt vì mình không thể biết được ở trường cháu có ăn hay không và ăn cái gì, có đủ chất dinh dưỡng không. Thế nhưng, tôi không còn cách nào khác vì 5h sáng tôi đã phải dọn hàng đi bán, không có thời gian lo đồ ăn sáng cho cháu.

Vả lại, 6h30 cháu đã ra khỏi nhà để đi học, bảo ăn sáng xong rồi đi học thì cháu nói sớm quá không ăn được, đến trường đợi đến giờ ra chơi cháu mới ăn. Tôi đã nói với cháu uống trà sữa nhiều không tốt nhưng mấy bữa nay ngày nào đi học về trên tay cháu cũng cầm ly trà sữa. Vụ việc vừa rồi, cô giáo sai và hứa sẽ rút kinh nghiệm nên tôi yên tâm. Nói đi cũng phải nói lại là con mình cũng sai. Có điều, tôi cũng chỉ biết khuyên cháu chứ không biết phải làm sao để giải quyết dứt điểm tình trạng này”.

Cần sự kiềm chế hơn

TS Nguyễn Thị Bích Hồng (trưởng bộ môn tâm lý học và giáo dục học ứng dụng ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng, góc độ sư phạm, khi gặp một đứa trẻ quá hiếu động, cô giáo phải đánh giá được hành vi của trẻ ở mức bình thường hay là trạng thái tăng động.

Nếu trẻ thuộc dạng tăng động, giảm chú ý, không tự kiểm soát được, cô phải báo gia đình đưa trẻ đi khám bệnh. Nếu như trẻ còn khả năng kiểm soát bản thân, có thể dùng tình cảm, những cách nói kiểu như “cô sẽ không cho con chơi chung các bạn nữa” hoặc có giải pháp giáo dục riêng cho trẻ.

Mỗi người đều có lý của mình, phụ huynh nóng giận vì quá xót con nhưng việc tranh cãi của người lớn không nên diễn ra trước mặt trẻ. Trường học là một môi trường đặc biệt, ở đó trẻ cần có những ấn tượng và mối quan hệ tốt đẹp.

Giáo viên mầm non cũng là những nhà giáo nhưng đôi khi các cô được xem như người giữ trẻ, không được đề cao như giáo viên phổ thông, có khi cha mẹ thiếu kiềm chế khi nói chuyện với cô trước mặt trẻ. Điều đó vô tình tạo cho trẻ ấn tượng ba mẹ luôn sẵn sàng bênh vực mình, gây khó khăn hơn cho việc giáo dục trẻ tuân theo kỷ luật chung ở trường học.

Theo H.Hương - Phúc Điền/Tuổi Trẻ



Bình luận
vtcnews.vn