Giáo viên vùng cao ngậm ngùi từng nhận mức thưởng Tết kỷ lục là một triệu đồng

Tin tức - Sự kiệnThứ Ba, 31/12/2019 00:08:00 +07:00
(VTC News) -

Người khoe được thưởng Tết chục triệu, trăm triệu… còn giáo viên vùng cao thường ngậm ngùi khi nhận mức kỷ lục là một triệu đồng khiến ai cũng xót xa.

Thưởng Tết 1 triệu là kỷ lục

Tết năm nay đến nhanh thế. Đi làm cả năm trời chưa kịp dành dụm hay sắm sửa gì thì lại Tết…”, cô giáo Lê Bích Thủy (Thanh Sơn, Phú Thọ) thở dài khi dịp Tết Nguyên đán Canh Tý đang cận kề.

Còn hơn hai chục ngày nữa là Tết, cô Thủy luôn đau đáu những nỗi lo trong lòng làm sao để có cái Tết đủ đầy, hạnh phúc. Muốn như vậy thì buộc phải thắt chặt chi tiêu lại. Chỉ mong sao dư ra ít tiền biếu bố mẹ hai bên.

“Năm nay chắc cũng như mọi năm, mỗi giáo viên được thưởng Tết một đến hai triệu đồng. Gọi là thưởng cho an ủi chứ thực ra đó hoàn toàn là tiền tiết kiệm chi hàng năm của Nhà trường. Dẫu sao, có còn hơn không, vẫn thấy vui mà bớt gánh nặng gia đình được một phần” - cô Thủy chia sẻ.

Đây cũng là ước mơ chính đáng của tất cả các thầy cô. Ai đi làm cả năm mà lại không mong được thưởng Tết. 

Giáo viên vùng cao ngậm ngùi từng nhận mức thưởng Tết kỷ lục là một triệu đồng - 1

Giáo viên vùng cao từng nhận thưởng tết kỷ lục là một triệu đồng. (Ảnh minh họa)

Cô giáo Nguyễn Thùy Châm (Yên Minh, Hà Giang) kể, năm ngoái được thưởng Tết một triệu đồng, đó là khoản cao nhất từ trước đến nay mà cô được nhận kể từ khi thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ về tự chủ tài chính.

Nói vậy cho hoa mỹ, thực chất là sau khi cân đối các khoản chi của nhà trường, nhà giáo được nhận thêm khoản “tiết kiệm chi tiêu”. Cô và đồng nghiệp gọi đó là “lương tháng 13” như nhiều ngành nghề khác, nhưng thật ra nó chỉ dừng lại ở con số vài trăm nghìn đồng, thậm chí có năm được chia 80 nghìn đồng. Vì thế, câu chuyện thưởng một triệu đồng thật mà như đùa với những giáo viên như cô Châm.

Tuy nhiên dù có thưởng ít hay nhiều thì những họ vẫn cứ vui vẻ đón cái Tết. Với họ, Tết đâu chỉ có tiền thưởng, họ còn có gia đình, con cái và học trò chúc mừng rộn tiếng cười.

“Vật giá tăng từng ngày, lo sao nổi cái Tết”

Tâm trạng chung với đa số đồng nghiệp, cô giáo Nguyễn Thị Hảo (Sơn La) chia sẻ, mấy ngày gần đây, nhất là trên báo đài mọi người trầm trồ bàn tán xôn xao về những con số thưởng Tết cả chục triệu, trăm triệu đồng ở các ngành nghề, khiến cô chạnh lòng, thầm ước và thương cảm cho những người làm nghề giáo.

Giữa cái thời buổi vật giá leo thang, hàng hóa 'đội giá' tăng chóng mặt từng ngày, mấy trăm nghìn đồng sắm sao cho vuông tròn ra hình thù cái Tết trở thành "bài toán" khó khăn với hầu hết người dạy học. Nào là quần áo cho con, mứt bánh đãi khách, mâm cơm cúng gia tiên, quà mừng tuổi bố mẹ già, con thơ… liệt kê sơ sơ thôi mà thấy “nhẵn túi tiền”, bớt xén khoản nào cũng không xong.

Buồn nhất là người giáo viên ấy tự dặn lòng, bao nhiêu thứ phải lo toan dịp Tết đến, ai cũng mong chờ khoản thưởng Tết nhỏ nhoi, nhưng bao năm than mãi vẫn không thoát cái cảnh thiếu trước hụt sau. Nhà giáo đã mơ, đã ước rất nhiều và dường như giấc mơ ấm no vẫn còn xa xăm lắm.

Cô Hảo mãi đau đáu, mỗi dịp tôn vinh nhà giáo, người người lại thương cảm mức lương khiêm tốn của người thầy. Mùa tuyển sinh sư phạm, nhà nhà lại bàn chuyện lương nhà giáo thấp, đãi ngộ ít ỏi.

Nhiều người, nhất là giới trẻ bây giờ nghe thấy giáo viên được thưởng Tết vài trăm nghìn lại “mắt tròn mắt dẹt” ngạc nhiên, thử hỏi làm sao mà níu chân người tài vào sư phạm, thu hút người giỏi cống hiến cho giáo dục?

“Đặt mình vào bối cảnh chung của giáo dục nước nhà để tự bằng lòng với mức thưởng Tết vài trăm nghìn, có còn hơn không. Giáo viên vùng cao chúng tôi cứ thế tự dặn lòng 'khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”', tất cả vì các em học sinh thân yêu”- cô Hảo nói.  

Không chỉ riêng cô Thủy, cô Châm hay cô Hảo, mà đó là thực trạng chung của người theo nghề dạy học. Đặc thù của nghề giáo là không làm ra sản phẩm nên không có chuyện thưởng Tết. Những năm gần đây, các trường học thực hiện theo Nghị định 43 của Chính phủ, sau khi cân đối thu, chi (nếu còn) thì hiệu trưởng sẽ trích lập quỹ thu nhập tăng thêm cho giáo viên.

Số tiền mà giáo viên được nhận không nhiều, có năm chỉ vài trăm ngàn, một triệu và nhiều nhất là vài triệu đồng. Thế nhưng nó là niềm vui lớn cho các giáo viên khi Tết đến, xuân về.

Nhà giáo vốn dĩ lương bổng không nhiều. Cuộc sống của giáo viên đa số còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ai cũng mong ngóng mình có tiền thưởng để đón một cái Tết được trọn vẹn, đủ đầy.

Nhà giáo bao đời sống thanh bạch, lấy tình yêu nghề, thương trò làm lẽ sống. Nhưng nhà giáo cũng phải tất bật đón Tết, cũng lo toan xoay xở lo cái Tết chu toàn cho gia đình, con cái. Vậy nên, xin đừng trách cứ gì chuyện nhà giáo than nghèo, kể khổ, bàn chuyện "có mùi tiền", một người nhắn nhủ.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn