Giáo viên Mỹ bị kiện vì tự ý lục lọi điện thoại của học sinh

Giáo dụcThứ Bảy, 03/11/2018 07:52:00 +07:00

Vì tự ý xem ảnh, đọc tin nhắn, thư điện tử và danh bạ trong điện thoại của học sinh, nhiều giáo viên, trường học ở Mỹ bị kiện.

Tháng 3/2013, Tòa phúc thẩm liên bang ở thành phố Cincinnati (bang Ohio, Mỹ) đưa ra phán quyết cho vụ kiện giữa học sinh G.C. và trường Trung học Owensboro, bang Kentucky.

Kết quả, tòa tuyên bố trường vi phạm quyền riêng tư khi tự ý đọc 4 tin nhắn của G.C. dù nam sinh này vi phạm quy định cấm sử dụng điện thoại trong lớp học.

Giáo viên thua kiện vì đọc tin nhắn của học sinh

Theo Education Week, năm 2005-2009, G.C. học tại Owensboro và từng phạm lỗi nhiều lần. Thậm chí, nam sinh này thú nhận sử dụng ma túy, có khuynh hướng trầm cảm và khó kiểm soát cơn giận.

Tháng 3/2009, G.C. vi phạm nội quy của trường. Trợ lý hiệu trưởng tự ý đọc tin nhắn trên điện thoại của học sinh để tìm hiểu xem nam sinh có ý định tự tử không.

Tháng 9 năm đó, G.C. nhắn tin trong giờ học và bị giáo viên tịch thu điện thoại. Sau đó, giáo viên mang điện thoại cho một trợ lý khác của hiệu trưởng. Bà này mở điện thoại đọc 4 tin nhắn khi chưa được nam sinh đồng ý.

1

Vụ kiện giữa G.C. và Trung học Owensboro là án kiện tiêu biểu liên quan quyền riêng tư ở Mỹ. (Ảnh: Dreamstime)

Nữ trợ lý hiệu trưởng thừa nhận nắm được các vấn đề mà học trò gặp phải và muốn xem xét điện thoại, tìm hiểu xem có thể làm gì để ngăn cậu gây nguy hiểm cho chính bản thân và những người xung quanh. Còn G.C. bị trường cho nghỉ học. Không đồng ý với quyết định này, gia đình cậu kiện lãnh đạo trường và nhiều lãnh đạo giáo dục bang Kentucky.

Theo gia đình G.C., trường vi phạm Tu chính án thứ 4 về quyền riêng tư và Tu chính án thứ 14 về quyền công dân.

Theo phán quyết ban đầu của tòa án khu vực, việc trường không cấp quyền học tập cho G.C. là hợp lý nên không truy cứu hành vi tự ý xem điện thoại của học sinh vì xuất phát từ mục đích tốt.

Tuy nhiên, ngày 28/3/2013, Tòa phúc thẩm kết luận việc trợ lý hiệu trưởng đọc tin nhắn của G.C. hồi tháng 3/2009 là không vi phạm pháp luật vì tại thời điểm đó cần làm vậy để đảm bảo cậu không có ý định tự tử. Riêng trường hợp trợ lý khác đọc 4 tin nhắn của G.C. vào tháng 9/2009 là vi phạm quyền riêng tư.

Ngoài vụ án G.C. kiện trường Owensboro, tòa án phúc thẩm liên bang cũng xử hai vụ tương tự. Một vụ, lãnh đạo trường ở Mississippi lục xem ảnh trong điện thoại học sinh. Vụ còn lại, quan chức giáo dục ở Pennsylvania tự ý đọc tin nhắn, thư điện tử và danh bạ của một học sinh, dùng điện thoại của em liên lạc với bạn và anh trai nam sinh này.

Học sinh khởi kiện vì bị đuổi học

Tháng 2/2010, Justin Bird, học sinh trường Trung học Oak Forest, bang Illinois, lập nhóm nói xấu giáo viên trên Facebook với 50 thành viên. Chỉ vài ngày sau khi lập nhóm, Justin bị đình chỉ học 5 ngày. Trường chỉ chấp nhận bỏ hình phạt nếu nam sinh hoàn thành khóa học kiểm soát cơn giận.

Trên thực tế, chuyện học sinh bị đình chỉ học vì chửi giáo viên trên mạng xã hội xảy ra khá phổ biến ở Mỹ. Trong nhiều trường hợp, học sinh có thể kiện lại quyết định của trường nếu những phát ngôn đó được thực hiện ngoài khuôn viên trường.

2

 Reid Sagehorn được bồi thường 425.000 USD sau khi bị đình chỉ học vì giễu cợt giáo viên trên mạng. (Ảnh: WCCO)

Tháng 1/2014, Reid Sagehorn, học sinh Trung học Rogers ở Minnesota, Mỹ, bình luận dưới bài đăng trên Twitter của bạn, giễu cợt thầy giáo. Sau đó, Reid bị trường đình chỉ 7 tuần. Không chấp nhận quyết định này, nam sinh khởi kiện trường vi phạm Tu chính thứ nhất về quyền tự do ngôn luận.

Tháng 8/2015, thẩm phán tòa án liên bang bác bỏ quyết định của trường với lý do hành vi bình luận giễu cợt giáo viên được Reid thực hiện ngoài trường học. Reid Sagehorn nhận khoản bồi thường 425.000 USD.

Nhiều vụ kiện khác liên quan việc bị đình chỉ học do xúc phạm giáo viên trên mạng xã hội cũng có kết thúc tương tự.

Năm 2006, Justin Layshock, học sinh Trung học Hickory, khu học chính Hermitage, bang Pennsylvania, “chế” tiểu sử hiệu trưởng với những lời giới thiệu tục tĩu rồi đăng lên trang MySpace.

Justin bị đình chỉ học 10 ngày, chuyển sang học chương trình giáo dục thay thế và không được phép dự lễ tốt nghiệp. Dù vẫn được đến trường và tốt nghiệp, Justin Layshock quyết định khởi kiện khu học chính Hermitage vi phạm quyền tự do ngôn luận.

Vụ kiện kéo dài trong 5 năm. Cuối cùng, nam sinh thắng kiện vì dù tiểu sử "chế" lưu truyền trong trường học, thành đề tài để nhiều học sinh bàn tán, nó được Justin viết bên ngoài trường.

Video: Toàn cảnh 7 học sinh xúc phạm giáo viên trên facebook bị đuổi học

Với phán quyết này, khu học chính phải bồi thường 15.000 USD và trả 506.500 USD phí thuê luật sư cho cậu.

Năm 2010, tòa án liên bang Florida xử Katherine Evans, học sinh lớp 12 Trung học Pembroke Pines, thắng trong vụ kiện trường vì đình chỉ học cô. Katherine bị đình chỉ sau khi lập nhóm Facebook chửi và kể xấu giáo viên.

Lý do tòa đưa ra là hành vi xúc phạm này chỉ diễn ra trong nội bộ nhóm, giáo viên bị xúc phạm không biết, thành viên nhóm không đưa ra bất cứ đe dọa nào hay có hành vi quấy rối lớp học.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn