Giáo viên lo nhàm chán công việc do lặp lại chính mình

Giáo dụcThứ Bảy, 23/02/2019 17:34:00 +07:00

Nhiều thầy cô cho rằng phải tự làm mới liên tục trong từng bài giảng để biến kiến thức trở nên mới mẻ, sinh động cho học trò.

Ngày 23/2, tại tọa đàm Dạy học 4.0 của trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP. HCM), thầy Hoàng Sỹ Đăng (giáo viên dạy kỹ năng) chia sẻ lo ngại việc lặp lại những bài học, kiến thức sẽ khiến giáo viên chán công việc.

Là người trẻ, thầy Đăng trước khi làm giáo viên từng thử sức ở môi trường tư nhân. "Các việc khác có tính chất cạnh tranh, cần tính chiến đấu cao trong khi nghề giáo khá êm ả. Sau nhiều năm dạy học, liệu chúng ta có bị lặp lại chính mình?", thầy Đăng đặt vấn đề.

Trăn trở của thầy giáo trẻ nhận được sự đồng cảm từ các đồng nghiệp có thâm niên. Với 20 năm trên bục giảng, thầy Nguyễn Tường Thịnh (giáo viên Toán) cho biết từng có cảm giác nhàm chán sau khoảng 10 năm đi dạy. Nhiều lúc ông tự hỏi "mình là thầy giáo hay là thợ dạy". Bằng việc nhận ra kiến thức mang đến tiết học chỉ là phần nhỏ, việc kích thích học sinh tư duy phản biện, có quan điểm sống riêng mới quan trọng, thầy đã lấy lại cảm hứng.

"Tôi đi học thêm những khóa học, kỹ năng, ra ngoài trao đổi với nhiều người làm ngành nghề khác. Học sinh có em muốn làm kinh tế, có em muốn làm bác sĩ, mình phải hiểu nhiều thì mới trao đổi được với các em", thầy nói.

Theo thầy Thịnh, nếu dạy học theo cách cũ là truyền tải cho hết chương trình thì việc lặp lại, nhàm chán là đương nhiên. Nhưng nếu giáo viên tổ chức lớp học, thu hút học sinh cùng tham gia sẽ nhận được nhiều tình huống khác nhau, tất cả đều là mới mẻ.

1

Thầy Hoàng Sĩ Đăng chia sẻ tại tọa đàm "Dạy học 4.0". (Ảnh: Mạnh Tùng)

"Tổ chức buổi học khác với dạy học, mỗi phản ứng của học sinh đều ra kết quả khác nhau. Những lúc tôi tổ chức, giao việc các em rất hứng thú. Từ những buổi học đó tôi còn phát hiện ra năng khiếu của học trò", thầy chia sẻ.

Đồng quan điểm, thầy Phan Tấn Mẫn (giáo viên Vật lý) nhìn nhận mỗi tiết giảng trên trường là những những bài học cũ nhưng đối tượng tiếp nhận là mới. Học trò THPT ở lứa tuổi 15-17 dường như không bị giới hạn trong tư tưởng, suy nghĩ. 

"Quan trọng là chúng ta có đánh thức được tiềm năng, 'người khổng lồ' ẩn trong từng em hay không", thầy nói và cho biết học sinh sẽ rất thích một giáo viên thẳng thắn, sẵn sàng học hỏi từ trò và không giấu những gì mình không biết.

Cùng chủ đề, thầy Lâm Vũ Công Chính (giáo viên Toán) cho rằng kiến thức trong sách vở, chương trình luôn cũ bởi đó là câu chuyện của ngày hôm qua. Nhiều người nghĩ rằng nghề đi dạy sướng bởi chỉ lặp lại những bài học có sẵn đã nằm lòng, song để có được một tiết dạy thăng hoa thì không đơn giản.

"Mỗi thầy cô đều mong mang đến những giờ học thú vị cho học trò nên phải có cách dạy khác biệt trong cùng một nội dung kiến thức. Mỗi ngày người thầy phải cập nhật những cái mới để đưa vào bài học", thầy Chính bày tỏ.

Trong khi đó, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du) thẳng thắn: "Một số giáo viên soạn một giáo án để đi dạy 5-10 năm là lạc hậu, không có tình thương với học trò".

Kiến thức in trong sách là cũ nên người thầy cần bắt được hơi thở của thời đại trong từng bài học. Thậm chí, ngay trong một ngày, ở từng tiết dạy khác nhau cũng cần có chất liệu của đời sống khác nhau.

"Sự sáng tạo trong tiết dạy để không bị nhàm chán giống như người đầu bếp nêm gia vị trong món ăn. Cùng một nguyên liệu nhưng cách nêm gia vị khác nhau sẽ tạo ra sự khác biệt và giá trị khác xa nhau", ông ví von.

2

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du trình bày chuyên đề "Dạy học 4.0". (Ảnh: Mạnh Tùng)

Trước gần 100 giáo viên, giáo sinh trong trường, thầy Phú đã trình bày chuyên đề Dạy học 4.0 với nhiều yêu cầu mới cho người thầy. Theo ông, dạy học trong cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại không phải là điều gì cao siêu, xa vời mà nằm trong tầm tay người đứng trên bục giảng. Thầy cô sẽ dùng những thành tựu của cuộc cách mạng này mà thế giới đang làm, cập nhật vào tiết học.

Với người thầy, dạy học 4.0 đòi hỏi giáo viên ở bốn yếu tố: đạo đức, trí tuệ, công nghệ và sáng tạo. Trong đó, đạo đức là phạm trù bắt buộc ở mọi ngành nghề, đặc biệt là nghề giáo; công nghệ là người thầy phải tự học, từ mày mò liên tục để không bị lạc hậu; sáng tạo là biết đưa điều gì bên ngoài vào bài học để nó khác lạ, hấp dẫn.

"Môn học nào cũng có thể sáng tạo được nếu chúng ta chịu cực. Nhiều người lại nói sao yêu cầu nhiều vậy khi tiền lương thấp. Chúng ta đừng suy nghĩ như vậy, nếu không sáng tạo, chúng ta sẽ bị đào thải".

Hiệu trưởng này chia sẻ một số kinh nghiệm sáng tạo mà giáo viên có thể áp dụng trong trường lớp.

Thứ nhất, thay đổi cách sắp xếp bàn học, bố trí theo từng cụm, nhóm. Mỗi sơ đồ khác nhau sẽ là sự thay đổi vị trí chỗ ngồi của học trò trong từng bài giảng. Thay đổi nhỏ này sẽ mang lại hiệu quả lớn.

Thứ hai, giáo viên cần có cái nhìn đa chiều để đánh giá học sinh. Sự chênh lệch tuổi tác giữa người thầy và trò tạo ra những khoảng cách nhất định trong suy nghĩ. Người thầy phải bao dung, lắng nghe nhiều hơn là phán xét, quy chụp trước những lỗi lầm của học trò.

Thứ ba, biết thúc đẩy động lực cho trò bằng những điểm khuyến khích. Một điểm cộng nếu học sinh tương tác tốt, một điểm 10 cho một câu trả lời xuất sắc sẽ là những động lực tích cực để học sinh say mê việc học.

Thứ tư, giáo viên dạy Văn nói riêng và các môn xã hội nói chung cần đổi mới quan điểm và cách nhìn môn học. Theo thầy Phú, nhiều giáo viên dạy Văn đang khắt khe với chính môn học của mình trong việc đánh giá, cho điểm học sinh.

"Có bao giờ thầy cô mạnh dạn cho điểm 10 một em làm bài Văn xuất sắc chưa? Chưa kể việc áp đặt nhìn nhận một vấn đề lên suy nghĩ học sinh, không cho các em có một quan điểm trái chiều. Lâu dần, học sinh ngán môn Văn vì thấy nó khó quá", thầy Phú bày tỏ.

Cuối cùng, môi trường học tập hiện đại cần mang tính hội nhập, cởi mở, chân tình. Nhà trường phải là ngôi nhà thứ hai của học trò khi trò kính trọng thầy, thầy thương yêu trò.

"Yêu thương học trò không phải bằng lời nói mà cần bằng hành động. Thầy cô cứ thay vì có suy nghĩ người nhỏ phải chào người lớn thì hãy thử cúi chào học sinh trước. Lâu dần trường học sẽ trở thành một khối đoàn kết, văn hóa", ông chia sẻ.

Với người học hiện đại, hiệu trưởng THPT Nguyễn Du cho rằng họ cần rèn luyện đủ bốn phẩm chất: tư duy sáng tạo và đổi mới; tư duy phản biện và giải quyết vấn đề; kỹ năng giao tiếp và kỹ năng hợp tác.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn