Giao thông dịp Tết: CSGT lo 'vỡ trận', khách sợ bị nhồi nhét

Thời sựThứ Sáu, 09/02/2018 08:23:00 +07:00

Xe khách thu thêm tiền ngoài giá vé, nhồi nhét khách, các lực lượng tại sân bay gây khó dễ Việt kiều là những lo ngại trước ngày cao điểm đi lại dịp Tết, trong khi đó, CSGT Hà Nội lo vỡ trận điều tiết giao thông, chống ùn tắc.

Cận Tết càng nhiều lo ngại

Mỹ Đình – bến xe lớn nhất Hà Nội ngày 8/2 đã bắt đầu tấp nập. Nhiều hành khách, phần lớn là sinh viên về quê ăn Tết sớm cộng với hành khách vận chuyển đào và các sản phẩm ở các vùng miền về Hà Nội bán khiến lượng khách tăng mạnh.

“Lượng khách đã tăng khoảng 30% so với ngày thường, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát” - ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho hay.

Tuy nhiên, tại cuộc kiểm tra của  Ủy ban ATGT quốc gia chiều 8/2, nhiều vấn đề cấp bách trong những ngày cao điểm sắp tới (dự kiến cao điểm nhất vào chiều thứ 6 (ngày 10/2) và thứ 7 (ngày 11/2).

Giám đốc Cty Quản lý Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn cho hay, các bến xe đã chuẩn bị đủ phương án tăng chuyến, lên các biện pháp chống tình trạng nhồi nhét, tăng giá vé trong những ngày cao điểm này.

10moi_BIST

Cảnh ùn tắc trên đường vào dịp cận Tết ở Hà Nội chiều ngày 7/2. (Ảnh: Như Ý)

Về biện pháp xử lý các xe thu tiền không đúng giá vé niêm yết, ông Trần Anh Toàn cho hay, nếu nhận được phản ánh của khách hàng và xác minh đúng sự việc, bến xe sẽ “đình tài” (dừng hoạt động của xe - PV). Theo các lãnh đạo bến xe tại Hà Nội, nhà xe rất lo sợ bị đình tài vì sau khi hoạt động trở lại, xe sẽ bị mất nhiều khách quen, dẫn đến thua lỗ.

Đề cập vấn đề an toàn giao thông, chống ùn tắc ngoài bến, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, lo ngại nhất là tình trạng ùn tắc trên tuyến vành đai 3 Hà Nội và đường Phạm Văn Đồng.

Hà Nội đã đề nghị Bộ GTVT chuyển các xe quá cảnh, không đến các bến xe tại Hà Nội không đi qua hai tuyến này để tránh ùn tắc và vợt khách tại cổng bến xe Mỹ Đình nhưng chậm được xử lý.

Phó Cục trưởng CSGT Đỗ Thanh Bình cho hay, trên đường vành đai 3 trên cao của Hà Nội và nhiều tuyến cao tốc, rất nhiều xe khách bật đèn báo hiệu tình huống khẩn cấp rồi chạy vào làn đường khẩn cấp gây ách tắc, nguy hiểm, không thể xử lý khi ùn tắc, cháy nổ, cản đường đi của xe cứu thương, CSGT.

Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Phan Thị Thu Hiền cho hay, việc các nhà xe bán vé xe qua mạng, điện thoại đã giúp giảm lượng hành khách đến bến. Tuy nhiên, bà tỏ ra lo ngại sẽ có các nhà xe bán quá giá niêm yết, nhà xe thu tiền ngoài giá vé, nhồi nhét khách trên hành trình.

Một khúc mắc được bà Hiền đưa ra: Lực lượng có thể dừng xe, xử lý nhanh nhất trường hợp trên là CSGT nhưng rất khó báo tin. Bà Hiền cho hay, nếu bị nhồi nhét, thu thêm tiền, hành khách không thể công khai gọi điện mà chỉ có thể lặng lẽ nhắn tin. Tuy nhiên, do số đường dây nóng của CSGT là số máy bàn nên không nhận tin nhắn.

“Khi đường dây nóng của chúng tôi nhận được tin nhắn, muốn chuyển cho CSGT cũng không được” – bà Hiền phân vân.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, trưởng đoàn kiểm tra đề nghị, Cục CSGT nên chỉ đạo nếu để xảy ra đón trả khách vị trí nào, đặc biệt là ở cao tốc, cần xử lý trách nhiệm cán bộ CSGT phụ trách địa bàn đó.

Ông Hùng cũng cho biết, sẽ có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Công an đề nghị sử dụng số đường dây nóng bằng số di động. Ông Hùng cũng đề nghị Tổng cục Đường bộ tham mưu để Bộ GTVT ra quyết định điều chuyển hướng tuyến xe quá cảnh qua Hà Nội (khoảng 400 xe) trước 30/4/2018.

Đề nghị công an cửa khẩu, hải quan cười tươi với Việt Kiều

Tại Cảng hàng không Nội Bài, đoàn kiểm tra ghi nhận công tác chuẩn bị phục vụ Tết tích cực của các lực lượng tại đây. Lãnh đạo Cảng Hàng không Nội Bài cho hay, dù lượng hành khách ngày cao điểm Tết năm nay dự kiến tăng hơn 36% so với Tết 2017 nhưng vẫn chưa vượt qua năng lực của sân bay. Thậm chí, khu vực bay còn có 20 chỗ đỗ máy bay dự phòng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cảng Hàng không Hà Nội cho biết, các lực lượng vẫn lên phương án tốt nhất trong dịp Tết như huy động 100% nhân lực vào ngày cao điểm, toàn bộ lực lượng chức năng họp giao ban 2 lần/ngày để rút kinh nghiệm.

Với các dịch vụ phi hàng không, Cảng Hàng không Nội Bài yêu cầu các cửa hàng không được tăng giá so với ngày thường. Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc Trần Hoài Phương cũng cho hay, đã yêu cầu các hãng taxi hoạt động tại sân bay phải cung cấp đủ xe vào thời điểm đêm khuya, gần sáng và không được tăng giá.

Với vai trò trưởng đoàn thanh tra, ông Khuất Việt Hùng đánh giá cao sự chuẩn bị, phối hợp giữa các lực lượng. Ông Hùng đề nghị, Nội Bài nói riêng và các cảng hàng không quốc tế khác là cửa ngõ quan trọng của du khách. Đặc biệt, trong dịp Tết này, bà con Việt Kiều về nước rất đông.

“Đề nghị lực lượng công an cửa khẩu, hải quan, an ninh sân bay hãy tặng cho Việt kiều nụ cười, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về quê, đưa quà Tết cho bà con, láng giềng” - ông Hùng nói.

Lo cửa ngõ Thủ đô “vỡ trận”

Bộ Công an vừa có công điện gửi giám đốc công an các tỉnh, thành phố Cục CSGT, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc bộ về việc đảm bảo trật tự, ATGT dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Lãnh đạo Bộ Công an nhận định, sau một tháng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công an các đơn vị, địa phương đã mở cao điểm đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, trong đó có công tác bảo đảm trật tự, ATGT trong dịp Tết Dương lịch 2018, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và các lễ hội đầu năm đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, tình hình ATGT còn nhiều diễn biến phức tạp, chưa đạt yêu cầu đề ra. Cụ thể, tháng 1/2018, tai nạn giao thông tăng ở cả 3 tiêu chí so với tháng 12/2017. Đáng chú ý, đã xảy ra 3 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại TP.HCM, Hà Giang, Thái Nguyên khiến 12 người chết. Ngoài ra, tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội, TP.HCM ngày càng trầm trọng, kéo dài.

Ngày 7/2, trả lời PV, lãnh đạo Đội CSGT số 14 cho biết, đầu năm, hàng trăm phương tiện kinh doanh vận tải hành khách được điều chuyển từ Bến xe Mỹ Đình về Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm khiến lưu lượng phương tiện tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội tăng cao so với cùng kỳ năm 2017.

Do đó, dự kiến sau khi được nghỉ Tết, lượng lớn người dân đổ xô ra 2 bến xe này về Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An… khiến giao thông ùn tắc, phương tiện di chuyển khó khăn khu vực cửa ngõ phía Nam.

“Đặc biệt tại nút giao Giải Phóng – QL1A - Pháp Vân có đường vành đai 3 trên cao, giờ cao điểm rất dễ xảy ra ùn tắc, giao thông tê liệt. Khi xảy ra sự cố, việc phân luồng chống ùn tắc tại khu vực này gặp nhiều khó khăn do đường trên cao một chiều, không có nút giao phân luồng” - vị cán bộ Đội CSGT số 14 nói.

Đại tá Trần Minh Thu, Đội trưởng Đội tuần tra cao tốc số 7 – Cục CSGT cho biết, đơn vị đã lên phương án phân luồng và huy động 100% quân số ứng trực đảm bảo giao thông trên cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình. Theo đó, đơn vị sẽ phối hợp với công an các tỉnh: Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hà Nội và trung tâm điều hành cao tốc để triển khai các phương án chống ùn tắc.

Video: Giải mã hiện tượng cầu Thanh Trì ùn tắc bất kể ngày đêm

Những ngày cao điểm nghỉ lễ, lượng phương tiện lưu thông rất lớn có thể dẫn đến những sự cố va chạm, tai nạn liên hoàn khiến tuyến Pháp Vân - Ninh Bình ùn tắc, phương tiện di chuyển khó khăn.

Do đó, đơn vị đã lên những phương án phân luồng tới từng tổ công tác, các điểm nóng. Khi xảy sự cố, tùy vào tình hình và địa điểm, cảnh sát sẽ phân luồng hướng dẫn phương tiện theo hướng kết nối 2 chiều với các tỉnh lộ, nút giao gần nhất.

Cụ thể: nút giao Thường Tín nối tỉnh lộ 427; nút giao Vạn Điểm nối cầu chui Vạn Điểm; nút giao Đại Xuyên nối quốc lộ 21A; nút giao Vực Vòng nối quốc lộ 38; nút giao Liêm Tuyền nối tỉnh lộ 494 và vành đai TP Phủ Lý; nút giao Cao Bồ nối quốc lộ 10.

Dịp Tết những năm trước, tuyến Pháp Vân - Ninh Bình xảy ra nhiều sự cố, va chạm khiến cửa ngõ phía Nam thủ đô và cao tốc nhiều thời điểm ùn tắc, tê liệt kéo dài hàng chục km trong nhiều giờ.

Hà Nội công bố 34 “điểm đen” ùn tắc  

Để giúp người dân nắm bắt và hạn chế đi vào các điểm xảy ra ùn tắc, Sở GTVT và Công an Hà Nội vừa khảo sát và thống nhất lên danh sách các điểm ùn tắc; đưa ra các giải pháp xử lý trước mắt và lâu dài. 

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, năm 2017 toàn thành phố có 41 điểm thường xuyên ùn tắc từ các năm trước để lại. Bằng nhiều giải pháp, tính đến cuối năm 2017 Sở GTVT đã giải quyết được 17 điểm.

Với dịp cận Tết Mậu Tuất, còn có một số lượng lớn phương tiện xe cá nhân, xe hoạt động dịch vụ đổ vào nội đô, càng làm giao thông tại các quận trung tâm diễn biến phức tạp, phát sinh thêm 13 điểm ùn tắc mới. 

Để giúp các đơn vị làm nhiệm vụ trên đường tập trung, ưu tiên cho các khu vực thường xuyên xảy ra ùn ứ, Sở GTVT và Công an thành phố đã khảo sát, sau đó thống nhất danh sách các điểm ùn tắc đang còn tồn tại. Hai cơ quan này cho biết, hiện toàn thành phố còn 37 điểm ùn tắc (giảm 4 điểm so với năm 2016). Trong số này có 13 điểm mới phát sinh trong năm 2017.

Cụ thể, quận Ba Đình có 3 điểm, gồm: La Thành - Giảng Võ, La Thành - Nguyễn Chí Thanh, Điện Biên Phủ - Trần Phú; quận Đống Đa có 4 điểm: Lê Văn Lương - Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh - Láng, đường Tôn Thất Tùng, Trường Chinh - Ngã Tư Sở; quận Hoàn Kiếm 1 điểm: Nam cầu Chương Dương; quận Hai Bà Trưng 4 điểm: Minh Khai - Time City, Đại Cồ Việt - Tạ Quang Bửu, Nguyễn Khoái - Minh Khai, Minh Khai - ngõ gốc Đề… 

Đề cập đến giải pháp giải quyết, đặc biệt là dịp Tết Mậu Tuất, đại diện liên ngành đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, tại 37 điểm - nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc và 63 điểm chợ hoa, vui chơi Tết, lực lượng liên ngành được yêu cầu kết hợp với trên 600 học viên cảnh sát có nhiệm vụ đảm bảo giao thông từ 6h30 đến 19h30 dịp Tết.    

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn