Giáo sư Vĩnh Cát: 'Không nên lưu hành những ca khúc chống lại lợi ích dân tộc'

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 19/03/2017 09:05:00 +07:00

"Những bài hát miêu tả tâm trạng cá nhân của người lính Cộng hòa nhưng mang tính chất chống lại cuộc kháng chiến của đất nước, chống lại dân tộc nên xem xét thật kỹ, thật thấu đáo và thận trọng" - Giáo sư Vĩnh Cát, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ.

Mới đây, trước quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 của Cục Nghệ thuật biểu diễn, nhà báo Nguyễn Lưu đã có những quan điểm khá thẳng thắn.

Tiếp sau những ý kiến của nhà báo Nguyễn Lưu, Nhà soạn nhạc, Giáo sư Vĩnh Cát, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng có những chia sẻ với PV VTC News về vấn đề này.

Giáo sư Vĩnh Cát nói: 

"Theo tôi, hoạt động nào cũng cần phải có sự quản lý để phát triển, kể cả hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Từng thời điểm, cơ quan quản lý văn hóa phải có trách nhiệm đưa ra những sản phẩm được phép lưu hành, hoặc tạm thời chưa được phép.

Tôi ủng hộ quyết định của Cục Nghệ thuật biểu diễn về việc cần phải quản lý những sản phẩm âm nhạc, không chỉ trước năm 1975 mà cả những sau năm đó, hiện nay và cả trong tương lai.

4

Nhà soạn nhạc, Giáo sư, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - Vĩnh Cát.

Tôi không nắm rõ 5 ca khúc Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa ra quyết định tạm dừng lưu hành nên tôi không nói về từng bài cụ thể. Trách nhiệm của nhà quản lý phải xem xét, suy nghĩ, cân nhắc đầy đủ trước khi ra quyết định. Những người thực hiện phải chấp hành.

Thực hiện quyết định trong thực tế, nghiên cứu, xem xét quyết định đó khi áp dụng vào thực tế có những thiếu sót gì để điều chỉnh, đó là thái độ đúng đắn, chứ hiện nay tôi thấy, nhà quản lý vừa đưa ra chính sách, người thực hiện ngay lập tức phê phán. Đó là điều vội vàng và không nên."

- Nhưng đa số ý kiến nói nghệ thuật nghĩa là tự do trong sáng tạo...

Tự do nói chung và tự do làm nghệ thuật nói riêng là điều được khuyến khích nhưng vẫn phải có giới hạn nhất định. Con chim bay trên bầu trời, con cá bơi dưới nước nhưng bầu trời và mặt nước dù rất mênh mông, bát ngát nhưng không phải là vô tận.

5

"Con đường xưa em đi" - một trong những ca khúc vừa bị tạm dừng cấp phép.

- Hiện nay, có rất nhiều ca khúc đang lưu hành viết về tâm trạng, hành vi của người lính Cộng hòa, mà người nghe lại chủ yếu thuộc thế hệ sau 1975. Việc sử dụng những ca khúc này nên được cân nhắc như thế nào cho hợp lý, thưa ông?

Cơ quan quản lý cần phải đi sâu, đi sát vào từng bài. Có những bài miêu tả tâm trạng của người lính Cộng hòa nhưng mang tính chất con người, tích cực thì nên cân nhắc, nếu có thể dùng được thì cho phép phổ biến.

 
Những ca khúc mang tính chất chống lại dân tộc, chống lại đất nước thì dù là được viết trước đây, hiện nay hay sau này cũng không nên được lưu hành.

Nhà soạn nhạc, Giáo sư Vĩnh Cát

Còn có những bài cũng miêu tả tâm trạng cá nhân của người lính Cộng hòa nhưng mang tính chất chống lại cuộc kháng chiến của đất nước, chống lại dân tộc nên xem xét thật kỹ, thật thấu đáo và thận trọng.

Những người nghe nhạc ngày nay, chủ yếu sinh sau năm 1975, thậm chí sau đó hàng mấy chục năm. Họ không hiểu được thời cuộc khi đó, không hiểu được những gì mà đất nước đã trải qua để có được ngày hôm nay. Vì thế, nếu để họ tiếp nhận những thông tin gây hoang mang, điều đó sẽ rất nguy hiểm.

Việc quản lý của cơ quan nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là điều cần thiết. Những ca khúc mang tính chất chống lại dân tộc, chống lại đất nước thì dù là được viết trước đây, hiện nay hay sau này cũng không nên được lưu hành.

Tôi ủng hộ một nền âm nhạc có đầy đủ các thể loại, có những bản hùng ca và có cả những bản trữ tình, êm ái, nói về tình cảm sâu lắng trong lòng con người. Tuy nhiên, dù khai thác khía cạnh nào cũng phải mang tính chất tích cực, giúp con người lại gần nhau, yêu thương nhau và yêu thương đất nước, dân tộc.

- Không phải đến khi có quyết định từ Cục Nghệ thuật biểu diễn, mà từ trước tới nay, rất nhiều cuộc tranh luận nổ ra quanh những tác phẩm của các nhạc sĩ từng có thời gian đi ngược lại lợi ích của dân tộc, theo ông, chúng ta nên ứng xử như thế nào đối với những tác phẩm này?

Tôi chỉ lấy một ví dụ cụ thể để trả lời cho câu hỏi này. Nhạc sĩ Phạm Duy từng có thời gian đi ngược lại với ý chí chung của cả dân tộc. Ông cũng có những tác phẩm phản ánh rõ tư tưởng đó.

7

 Nhạc sĩ Phạm Duy.

Tuy nhiên, sau này khi nhạc sĩ Phạm Duy trở về, ông được cả cơ quan quản lý lẫn công chúng rất hoan nghênh, thậm chí là rất trọng vọng. Phần lớn những tác phẩm của ông vẫn được vang lên ở những buổi trình diễn sang trọng, xuất hiện trong những sản phẩm âm nhạc được lưu hành rộng rãi. Chỉ có một số ít ca khúc chưa được phép phổ biến.

Điều đó, chứng tỏ sự vị tha của người Việt. Chúng ta vẫn có câu “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”.

-  Xin cảm ơn ông!

Video: Giọng hát Việt cấm hát bolero, thí sinh vẫn hát "Thành phố buồn"

 

Châu Vũ
Bình luận
vtcnews.vn