Giáo sư duy nhất của ngành múa kể chuyện đón Tết cùng Bác Hồ

Giáo dụcThứ Bảy, 21/02/2015 07:26:00 +07:00

GS Lê Ngọc Canh không thể quên những năm tháng đón Tết trên vùng chiến khu Việt Bắc cùng đồng bào dân tộc và Bác Hồ.

(VTC News)- GS Lê Ngọc Canh không thể quên những năm tháng đón Tết trên vùng chiến khu Việt Bắc cùng đồng bào dân tộc và Bác Hồ.

Năm 2014, ông Lê Ngọc Canh là người được phong hàm giáo sư khi đã 81 tuổi. Ông cũng là người lớn tuổi nhất được phong hàm giáo sư trong 38 năm nay. GS Lê Ngọc Canh hiện là giáo sư duy nhất của ngành múa. Cùng nghe ông chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ mỗi dịp Tết đến, xuân về.
GS Lê Ngọc Canh 
- Đối với ông, ngày Tết cổ truyền của dân tộc có ý nghĩa như thế nào?


Vào mỗi dịp Tết cổ truyền, trong lòng tôi thường rạo rực, hào hứng và thích thú. Không khí ngày Tết vẫn tạo cho tôi nguồn cảm hứng khiến tôi nhớ quê hương, nhớ lại những hình ảnh Tết xa xưa.

Bây giờ ngày Tết chính là ngày sum vầy con cháu. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của người Việt Nam. Tết còn là ước vọng, mong muốn một năm mới với nhiều điều tốt đẹp.

Đối với những người già như chúng tôi, Tết đến là mong muốn có nhiều sức khỏe. Có sức khỏe có tất cả, có sức khỏe thì sẽ thấy yêu đời, hào hứng, phấn khởi. Tôi vẫn cảm thấy say sưa với Tết. 

Tết là thời điểm hướng tới quê hương, tổ tiên. Quê tôi ở ngay Hà Đông nên mỗi dịp Tết đến Xuân về, gia đình tôi thường về Hà Đông để sum họp cùng gia đình ở đó. Quê tôi ở làng Đa Sỹ, nổi tiếng nghề dao kéo. Đa sỹ còn là nhiều tiến sĩ. Làng nhỏ ngày xưa chỉ có 1.000 nhân khẩu nhưng có tới 11 tiến sĩ, trạng nguyên. Trong đó, có một lưỡng quốc trạng nguyên. Vì vậy, người dân quê tôi cũng rất tự hào.

Tết đến quê hương vẫn trong lòng chúng tôi. Tết đến gợi trong tôi nỗi nhớ quê hương.

- Giáo sư chuẩn bị như thế nào cho những ngày Tết?

Năm nào, nhà tôi cũng sắm đào quất, hoa, bánh chưng, giò… đầy đủ. Tuy giờ đây không còn coi trọng việc ăn uống nhưng Tết đến, gia đình vẫn phải chuẩn bị đầy đủ để có không khí của ngày Tết. Tết đến là thời gian để cả gia đình thu dọn, lau chùi, trang hoàng nhà cửa sạch sẽ để đón năm mới với nhiều niềm vui.

Trước đây, gia đình tôi vẫn giữ phong tục gói bánh chưng nhưng gần đây không có điều kiện để tự gói. Hàng năm ở quê, họ hàng vẫn thường gửi ra một số tấm bánh chưng để biếu gia đình.

- Những phong tục ngày Tết còn có được duy trì trong gia đình của Giáo sư?

Tết nào tôi cũng mừng tuổi cho các con, các cháu. Mừng tuổi với ý nghĩa mang lại lộc của năm mới cho các cháu. Sau đó, các con, các cháu cũng mừng tuổi hai ông bà và chúc sức khỏe chúng tôi. Phong tục đó vẫn còn được duy trì đều đặn trong gia đình tôi. Điều đó khiến tôi cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.

Đó là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Tôn trọng người dưới, kính trọng người trên. 

Chiều 30 Tết cả gia đình tụ tập làm bữa cơm cuối năm. Sang mùng 1 gặp mặt rồi về quê cuối năm. Đêm cuối năm tôi vẫn mua lá mùi về đun nước tắm. Bày mâm ngũ quả theo tục lệ dân tộc.

- Tết có phải là thời gian thư thái đối với riêng Giáo sư?

Tết còn là dịp để thăm hỏi bà con, làng xóm, bạn bè một cách thoải mái vui vẻ và dự hội làng. Tôi ước ao rằm tháng Giêng về dự hội làng.

Về hội làng rất vui. Về làng mới gặp bạn đồng niên, bạn học giờ cũng đã già, tóc bạc trắng. Có bạn mấy chục năm mới gặp lại. Gặp nhau sung sướng lắm. Đó là dịp hàn huyên, uống với nhau chén rượu, miếng bánh.

Tình cảm xuân, tình cảm quê, tình cảm bạn bè ngày Tết vẫn có ý nghĩa. Ngày thường thì vẫn có thể thăm nhau nhưng đến ngày Tết lại là một thứ tình cảm mới mẻ, sung sướng, vui vẻ.

- Ngày Tết chắc hẳn sẽ gợi trong ông nhiều kỷ niệm khó quên?

Những ngày đón Tết ở Thủ đô, lần đầu tiên tôi không được ăn Tết cùng gia đình khi 13 tuổi. Đó là năm 1946, Tết trong kháng chiến, địch bao vây. Đây là Tết cảm động. Chỉ có một chiếc bánh chưng cho một đơn vị cho tiểu đội. Mỗi người chỉ được một chút. Rất cảm động khi các anh bộ đội lớn đều dành phần to cho thiếu sinh quân, thậm chí các anh không ăn. 

Tôi vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc đó. Tình cảm của những chiến sĩ lớn đã phần nào giúp chúng tôi bù đắp thiếu hụt tình cảm gia đình.

Đấy là Tết đầu tiên xa nhà. Chúng tôi dù đón Tết ở cạnh vườn đào Nhật Tân nhưng không có đào. Các chị y tá lấy que, chổi, cắt giấy làm giả cành đào.

Lần đầu ăn Tết xa nhà. Tôi nằm khóc một mình vì nhớ quê, nhớ bố mẹ. Dù quê Hà Đông chỉ cách chỗ tôi ở hơn 10 km.

Những đơn vị có công thì được thưởng thêm một bó rau muống do vùng tự do tiếp vào. Mỗi người gắp 1, 2 cọng rau là sung sướng lắm rồi. Tết đầu tiên xa nhà trong khói lửa, bom đạn.

Sau Tết năm đó, trung đội Thủ đô rút qua cầu Long Biên rút quân lên Việt Bắc.

- Đón Tết tại vùng chiến khu Việt Bắc có gì đặc biệt với riêng ông?

Thời kỳ 9 năm ở Việt Bắc là Tết với nước mắt vì nhớ quê, ngồi bên bếp lửa hát bài về Hà Nội, nhớ về Hà Nội. Không chỉ tôi mà các anh các chú bộ đội đều khóc vì nhớ Hà Nội với hẹn ước ngày về. Trong đó, toàn những chiến sĩ trẻ ở tuổi đôi mươi. Vì vậy, cảm giác nhớ quê lắm. Bên đống lửa vừa hát vừa khóc.

Tối về tôi lại nhớ bố mẹ, nhớ quê nên buồn lắm. 9 năm trời là 9 mùa xuân, 9 mùa nước mắt. Nhớ và thương gia đình.

Năm 1954 mới được về tiếp quản Thủ đô. 3 tháng sau mới về được nhà thăm mẹ. Mẹ tôi cứ tưởng tôi chết rồi vì không có thông tin. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Những hình ảnh đó cứ đọng mãi trong tâm trí mình.

Tết 9 năm ở Việt Bắc là Tết với đồng bào, ở với đồng bào. Bà con rất thương bộ đội và ăn Tết cùng gia đình nên ấm cúng, gần gũi nguôi nỗi nhớ nhà. Những năm đó tình quân dân gắn bó. Người dân thương thật lòng, quý thật lòng, không có sự cách trở. Họ nhường cho chỗ tốt, chỗ đẹp để ở.

Tết là ngày vui với đồng bào dân tộc. Tối về trào nước mắt nhớ quê. Dần dần lao vào công việc, tập luyện quên nỗi nhớ nhà. Ngày đó tôi là thiếu sinh quân được học âm nhạc, hát múa. Tất cả những gì bây giờ tôi có đều phải từ trường thiếu sinh quân.

9 năm mọi liên lạc với gia đình bị cắt hết, gia đình tưởng là chết rồi. Nhiều trường hợp bạn mình không về được, mất do sốt rét, bom đạn, bệnh tật.

Có trường hợp Tết trên đường hành quân, lúc đi chiến dịch hay di chuyển quân.

Trong những ngày kháng chiến gian khổ nhưng nếu không có văn nghệ, không có văn hóa thì không thể tồn tại  được. Ngày Tết, đồng bào dân tộc thiểu số rất thích hát múa. Họ có vốn hát múa phong phú nên này Tết là dịp biểu diễn vốn hát múa phong phú của họ.

Chúng tôi tham gia cùng, hát múa cùng rất vui. Dịp Tết là thời gian được thưởng thức những điệu hát, múa của người dân tộc.

Chính vì có ngày Tết mà ngày hội Xuân mới phát triển. Ngày Xuân là thời gian của những lễ hội, là dịp để người dân nhảy múa, hát hò, diễn ra các phong tục cổ truyền của người dân tộc.

Khi đấy, người lính cụ hồ và người đồng bào hòa vào làm một. Tình cảm người đồng bào dân tộc vô cùng mộc mạc, chất phác.

- Chắc hẳn Giáo sư có nhiều kỷ niệm khi được chúc Tết Bác Hồ?

Ngày đấy, nhiều dịp Tết, tôi được vào chúc Tết biểu diễn văn nghệ cho Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi được gặp Bác Hồ nhiều lần.

Những lần biểu diễn xong, Bác Hồ hoan hô, vỗ tay. Bác cũng gửi lời chúc mừng từng tiến sĩ. Bác cũng có bó hoa rừng tặng đoàn trưởng nhận. Được đón Tết ở vùng kháng chiến, tôi nhiều lần được gặp Bác Hồ, gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chúng tôi trong đội văn công nên thường xuyên được tham gia. Khi được gặp Bác Hồ, gặp Đại tướng thì chúng tôi rất vui. Bác Hồ - Vị lãnh tụ của dân tộc rất thân mật với mỗi chiến sĩ chúng tôi.

Ngày đấy bọn tôi còn ít tuổi còn vô tư, lãnh đạo bảo biểu diễn thì biểu diễn chứ không có quan niệm ghê gớm. Chúng tôi ăn cơm sớm, đi bộ đến chỗ biểu diễn, biểu diễn xong đốt đuốc đi về lán trại. Đó là những kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời. Đó là niềm vui khiến mình phấn khởi, hứng thú.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn