Giáo sư Đàm Thanh Sơn giành huy chương vật lý quốc tế Dirac

Giáo dụcThứ Năm, 09/08/2018 08:33:00 +07:00

Trung tâm Vật lý Lý thuyết quốc tế (ICTP) vinh danh giải thưởng và huy chương Dirac 2018 cho GS Đàm Thanh Sơn và 2 nhà vật lý khác vì những đóng góp độc lập của họ đối với quá trình tìm hiểu các cơ chế vật lý và giới thiệu các kỹ thuật liên ngành.

Các nhà vật lý bao gồm Đàm Thanh Sơn từ Đại học Chicago, Mỹ, Subir Sachdev từ Đại học Havard, Mỹ và Xiao-Gang Wen từ Học viện công nghệ Massachusetts, Mỹ là những người giành được giải thưởng và huy chương Dirac 2018.

Theo ICTP, tất cả 3 nhà khoa học đều nghiên cứu cách cơ học lượng tử ảnh hưởng đến các nhóm hạt lớn, gọi là hệ nhiều vật (many-body systems).

Các nhà nghiên cứu hiện tại mới chỉ hiểu quy luật ảnh hưởng của cơ học lượng tử đối với các nhóm hạt rất nhỏ, trong khi những vật thể hàng ngày được tạo nên từ một nhóm hạt lớn gần 1023 hạt. Hiểu được những mô hình phức tạp này là chìa khóa để hiểu đặc tính vĩ mô của các vật liệu.

damthanhson-1

 Ba nhà khoa học giành giải thưởng Dirac, 2018. (Ảnh: ICTP)

Những người chiến thắng Direc năm 2018 đã có những đóng góp tiên phong quan trọng để hiểu được các giai đoạn mới của vật chất, bên cạnh các giai đoạn quen thuộc là rắn, lỏng và khí, cũng như quá trình chuyển tiếp giữa các giai đoạn đó.

Nghiên cứu điều này giúp cho các nhà khoa học hiểu cách cách thuộc tính của vật chất thay đổi, giúp cho quá trình thiết kế tạo nên những loai vật liệu mới, có thể ứng dụng đa dạng từ máy tính lượng tử đến các thiết bị siêu dẫn. 

Ông Đàm Thanh Sơn sinh ra tại Hà Nội, là người đầu tiên hiểu rằng công cụ "Gauge/Gravity duality" có thể được sử dụng để trả lời những câu hỏi cơ bản trong vấn đề tương tác nhiều vật. 

Ba nhà vật lý đã sử dụng hệ thống kiến thức rộng về các lĩnh vực như khoa học vật liệu, hố đen và nguyên tử lạnh để tìm hiểu hệ nhiều vật, chứng minh giá trị của phương pháp tiếp cận đa ngành.

Ông Fernado Quevedo, giám đốc ICTP cho rằng 3 nhà khoa học được vinh danh là những hình mẫu nổi bật cho hàng nghìn nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, dù họ sống tại Mỹ. Trong khi ông Đàm Thanh Sơn đến từ Việt Nam, ông Subir Sachdev đến từ Ấn Độ còn ông Xiao-Gang Wen đến từ Trung Quốc.

Huy chương Dirac của ICTP lần đầu được trao năm 1985 với tên của P.A.M Dirac, một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất thế kỷ 20 và một người bạn của trung tâm. Giải thưởng được trao hàng năm vào ngày 8/8, sinh nhật của Dirac, cho các nhà khoa học có đóng góp nổi bật với vật lý lý thuyết. Buổi lễ trao giải trong đó các tác giả thuyết trình về sản phẩm của mình sẽ được tổ chức sau trong năm 2018.

GS Đàm Thanh Sơn (quê quán Bắc Ninh) sinh năm 1969 tại Hà Nội. Năm 1984, Đàm Thanh Sơn đoạt huy chương vàng tại kỳ thi Olympic toán quốc tế với số điểm tuyệt đối 42/42. Ông theo học ĐH Tổng hợp quốc gia Matxcơva và nhận bằng tiến sĩ vật lý tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Matxcơva, Liên bang Nga năm 1995. Trước khi trở thành GS của ĐH Chicago danh tiếng vào tháng 9/2012, GS Đàm Thanh Sơn trải qua nhiều năm nghiên cứu sau tiến sĩ và làm GS ở ĐH Washington, Viện Công nghệ Massachusetts, ĐH Columbia, Hoa Kỳ...

Video: GS Ngô Bảo Châu nói gì về toán học ứng dụng tại Việt Nam?

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn