Giáo sư cũng 'trầy vi tróc vẩy' tìm việc

Giáo dụcThứ Bảy, 09/08/2014 06:36:00 +07:00

Tại Đức, để có công việc ở một trường đại học hay viện nghiên cứu, các giáo sư phải thi tuyển “trầy vi tróc vẩy”.

Tại Đức, để có công việc ở một trường đại học hay viện nghiên cứu, các giáo sư phải thi tuyển “trầy vi tróc vẩy”.

Tôi xin chia sẻ quy trình tuyển chọn giáo sư cho Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trường đại học Tổng hợp Passau (thành phố Passau, Cộng hòa liên bang Đức) mà tôi có dịp theo dõi.
Minh họa: La Khuê 
Hai vòng cân não

Khi Viện nghiên cứu Đông Nam Á cần tuyển một giáo sư để mở rộng nghiên cứu, hợp tác với các nước Đông Nam Á, đồng thời giảng dạy tại viện, viện đã thông báo tuyển dụng rộng rãi trong cả nước. Trong thời gian gần hai tháng rưỡi, viện nhận được tất cả 27 hồ sơ dự tuyển.

Sau vòng xem xét hồ sơ, có bảy giáo sư được chọn vào vòng hai và được mời đến thuyết trình, trả lời phỏng vấn với hội đồng tuyển dụng.

Hội đồng tuyển dụng có 10 người, gồm nhiều thành phần: một giáo sư của viện, ba giáo sư khối xã hội của Trường đại học Tổng hợp Passau, một giáo sư từ trường đại học khác (giáo sư này phải từng hợp tác nghiên cứu với viện, sự hiện diện của vị này nhằm giám sát, đánh giá cách làm việc của viện có minh bạch không trong việc chọn ứng viên), một người từ phòng nhân sự của Trường đại học Tổng hợp Passau để giám sát quy trình tuyển chọn, một người giám sát yếu tố cân bằng giới trong tuyển dụng, một nghiên cứu sinh của viện và hai sinh viên năm 2 ngành nghiên cứu Đông Nam Á của Trường đại học Tổng hợp Passau.

Như vậy, hội đồng tuyển dụng này vừa có “người trong nhà” vừa có “khách”, vừa có người dạy (các giáo sư) vừa có người học (nghiên cứu sinh, sinh viên). Thành phần đặc biệt nhất trong hội đồng tuyển dụng này có lẽ là những nghiên cứu sinh, sinh viên - những người rất có thể sẽ học tập và nghiên cứu cùng giáo sư sẽ được tuyển dụng.

Những đánh giá của họ cũng sẽ thể hiện mong muốn, kỳ vọng tìm được người thầy phù hợp nhất. Khi người học càng được trao quyền để lựa chọn người dạy ngay từ ban đầu thì có lẽ những than phiền về chất lượng đào tạo liên quan đến người thầy sẽ có xu hướng giảm.

Chưa kể, viện còn thông báo rộng rãi mời những ai quan tâm đến việc tuyển dụng này đến tham gia theo dõi vòng phỏng vấn và phát biểu ý kiến. Tất nhiên, ý kiến của các “khán giả tự do” chỉ mang tính chất tham khảo nhưng chắc chắn vẫn sẽ phần nào tạo áp lực cho các ứng viên.

Trong vòng hai, mỗi ứng viên trình bày hai vấn đề: thứ nhất là đề tài khoa học họ đã hoặc đang nghiên cứu (20 phút), sau đó trả lời câu hỏi của hội đồng và khán giả; thứ hai là những ưu điểm của bản thân và những điều dự kiến đóng góp cho viện khi trúng tuyển (8 phút) và sau đó trả lời các câu hỏi.

Mỗi ứng viên có khoảng 60-70 phút để hoàn thành tất cả phần trên. Không khí buổi thi càng thêm “gay cấn” khi chính các ứng viên đặt câu hỏi cho nhau, thậm chí phản biện đề tài của nhau.

Minh bạch vì chất lượng giáo dục


Sau khi kết thúc phần thi cân não trên, hội đồng sẽ đánh giá tỉ mỉ từng ứng viên dựa trên bảng điểm của từng thành viên trong hội đồng. Ý kiến, đánh giá của mỗi cá nhân đều được tôn trọng như nhau, dù khác nhau về học vị hay vị trí công tác.

Mục tiêu hội đồng hướng đến là tìm ra một người có năng lực tốt nhất, có khả năng đóng góp nhiều nhất vào sự phát triển của viện, của trường cũng như của xã hội.
Với quy trình tuyển chọn minh bạch, khắt khe như trên thì việc dùng “ô dù”, cậy quan hệ hay “dùng tiền mua ghế” hầu như không có cơ hội thực hiện. Thêm nữa, người được tuyển dụng sẽ có xu hướng trân trọng thành quả đạt được sau quá trình nỗ lực học tập, nghiên cứu không ngừng.

Khi sự học đích thực được cộng đồng cổ vũ thì cá nhân càng có động lực và cảm hứng để tiến xa hơn trên con đường cống hiến cho cộng đồng bằng tri thức.

Người dạy đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một nền giáo dục chất lượng và uy tín. Vì vậy, khâu tuyển chọn người dạy phải được xem trọng và xây dựng thành quy trình chặt chẽ, minh bạch đúng nghĩa một cuộc “so bó đũa chọn cột cờ”.

Trong quy trình ấy, người học cần góp mặt với những ý kiến trung thực, không vị nể, phản ánh đúng khát vọng về người thầy họ thật sự mong muốn. Làm được điều này, người học sẽ phần nào thể hiện vai trò “đồng tác giả” trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng chương trình giáo dục mà người thụ hưởng chính là họ.

VÕ VĂN DŨNG
(Nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Passau, Cộng hòa liên bang Đức)

» 100.000 đồng/giờ giúp việc cận Tết
» Những yếu tố giúp bạn nhảy việc thành công
» Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng ngay từ lần gặp đầu

Theo TTO
Bình luận
vtcnews.vn