Giáo sư Carl Thayer lý giải vì sao Hà Nội được lựa chọn đăng cai hội nghị Mỹ-Triều lần 2

Thế giớiThứ Ba, 12/02/2019 11:45:00 +07:00

Giáo sư Carl Thayer tới từ Học viện Quốc phòng Australia cho rằng vai trò chủ tịch ASEAN 2020 và kinh nghiệm tổ chức nhiều sự kiện quốc tế tầm cỡ là 2 trong nhiều lý do Hà Nội được chọn làm nơi đăng cai hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.

Sáng 9/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 27 và 28/2 tại Hà Nội. Thông tin này khiến nhiều người bất ngờ bởi không ít các chuyên gia từng tin rằng Đà Nẵng sẽ là địa điểm được lựa chọn làm nơi đăng cai hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. 

Giáo sư danh dự của Học viện Quốc phòng Australia Carl Thayer, người có nhiều năm nghiên cứu về Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng cho rằng quyết định lựa chọn Hà Nội không phải là điều quá khó hiểu. 

Vị thế của Việt Nam

Theo giáo sư Thayer, có nhiều lý do Washington và Bình Nhưỡng thống nhất để 2 nhà lãnh đạo của họ gặp mặt tại Hà Nội. 

gettyimages-132628336-1496241957957 (1) 3

  Giáo sư Carl Thayer - Học viện Quốc phòng Australia. 

Trước hết, cả 2 bên đều muốn chọn nơi tổ chức sự kiện đặc biệt quan trọng này tại thủ đô của của nước giữ chức Chủ tịch ASEAN. Đó là lý do Singapore được chọn mặt gửi vàng hồi tháng 6/2018. Thái Lan, hiện đảm nhận vị trí chủ tịch ASEAN 2019 cũng từng được cân nhắc như một trong những ứng viên tiềm năng hàng đầu.

Nhưng việc Bangkok đang chuẩn bị bước vào cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 cùng tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động chính trị giữa tháng 12/2018 cũng như sự kiện Thái tử Maha Vajiralongkorn kế vị ngai vàng của cha là vị quốc vương quá cố Bhumibol Adulyadej khiến các chuyên gia an ninh lo ngại về các nguy cơ bất ổn chính trị tại xứ sở chùa vàng. Thêm vào đó, vấn đề ô nhiễm không khí trầm trọng ở Thái Lan và các cuộc biểu tình trên đường phố cũng gây ra những mối quan ngại không nhỏ.  

Thái Lan vì vậy mà bị loại bỏ khỏi danh sách. Từ đó, Việt Nam với tư cách quốc gia tiếp quản chiếc ghế Chủ tịch ASEAN năm 2020 trở thành cái tên được chọn. 

Theo ông Thayer, trên thực tế Mỹ và Triều Tiên không quá quan trọng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần 2 ở Hà Nội hay Đà Nẵng mà chỉ cần nó diễn ra ở Việt Nam, quốc gia được các bên liên quan như Trung Quốc và Hàn Quốc nhìn nhận là một nước trung lập. 

Họ cũng tin tưởng rằng Việt Nam có khả năng đảm bảo an ninh, cung cấp địa điểm ăn ở, đi lại lý tưởng cho cả 2 phái đoàn, những điều từng được chứng minh trong sự kiện quốc tế mà Việt Nam đăng cai tổ chức trong quá khứ. 

Một điểm cộng nữa của Hà Nội là nơi đặt đại sứ quán Triều Tiên. Ông Kim được cho là muốn ở lại nơi đặt sứ quán của nước mình cũng như không muốn di chuyển tới thành phố thứ 2 để gặp Tổng thống Trump sau khi kết thúc chuyến thăm chính thức Hà Nội. Khoảng cách từ sân bay ở Bình Nhưỡng tới Hà Nội cũng nằm trong tầm bay chuyên cơ Ilyushin-62M của ông. Ngoài ra, Triều Tiên cũng tin tưởng rằng nhà lãnh đạo của họ được đảm bảo an ninh tối đa ở Hà Nội hay bất cứ địa điểm nào ở Việt Nam. 

Việt Nam từ lâu đã duy trì mối quan hệ bang giao, hữu hảo với Triều Tiên. Việt Nam từng ủng hộ Triều Tiên trở thành thành viên tại Diễn đàn Khu vực ASEAN. Triều Tiên nhiều năm qua đã liên tục gửi sinh viên và các phái đoàn tới Việt Nam để nghiên cứu mô hình đổi mới và mở cửa. 

7038199 4

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh ở Singapore tháng 6/2018.

Uy tín của Việt Nam được nâng tầm

Ông Thayer cho rằng cũng giống như Singapore, khi Hà Nội đón tiếp 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, thủ đô của Việt Nam sẽ trở thành tâm điểm của thế giới từ giờ cho tới sau khi hội nghị kết thúc. Việt Nam sẽ liên tục được nhắc đến là nơi diễn ra cuộc họp thảo luận về một trong những vấn đề an ninh quan trọng hàng đầu thế giới hiện nay là không phổ biến hạt nhân và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh đó, uy tín trên trường quốc tế của Việt Nam sau sự kiện được cả thế giới mong đợi này chắc chắn sẽ được nâng cao. Việt Nam cũng sẽ được nhìn nhận là có đóng góp không nhỏ trong các vấn đề khu vực và an ninh toàn cầu. Quan trọng hơn, Việt Nam chứng minh được rằng việc các nước thuộc Nhóm Châu Á-Thái Bình Dương nhất trí thông qua đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của nhóm vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ dành cho Nhóm nhiệm kỳ 2020-2021 là hoàn toàn đúng đắn. 

Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 sẽ tái khẳng định sự đúng đắn của mình trong chính sách ngoại giao đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế và cho thấy Việt Nam là một người bạn đáng tin cậy với tất cả. 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhiều nhà bình luận từng đề cập tới quá trình đổi mới ở Việt Nam, đồng thời khuyến khích Triều Tiên học tập theo mô hình kinh tế của Việt Nam. Điều này càng khiến các bên liên quan tin rằng Việt Nam đứng ở một vị thế trung lập trong cuộc đối thoại Mỹ-Triều. 

Nội dung bài viết được lược dịch từ bài viết Carlyle A. Thayer, “Hanoi Announced as Venue for Second Kim-Trump Summit" (Tạm dịch: Carlyle A. Thayer, Hà Nội được công bố là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Kim-Trump lần thứ hai) Thayer Consultancy Background Brief , 9.2.2019.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn