Giao nhà công vụ: Nhiều khi chỉ... nói miệng là xong

Thời sựThứ Hai, 24/03/2014 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Luật sư Trần Quốc Thuận- nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói giao nhà công vụ cho cán bộ cấp cao nhiều khi chỉ nói miệng là xong.

(VTC News) - Luật sư Trần Quốc Thuận- nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói giao nhà công vụ cho cán bộ cấp cao nhiều khi chỉ nói miệng là xong.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên VTC News, ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói: “Trước đây, khi cấp nhà công vụ cho các cán bộ cấp cao, tôi được biết họ chỉ đưa một văn bản dạng như công văn, nhiều khi còn phân công miệng là xong.

Đến khi về hưu, nhiều cán bộ ở đó luôn, thậm chí còn đưa con cháu, họ hàng tới đó ở.

Ông Trần Quốc Thuận (Ảnh: Internet)

Tình trạng đó đã tồn tại từ lâu chứ không phải tới giờ mới xuất hiện. Mới đây Chính phủ mới có thêm Nghị định quy định cán bộ khi về hưu phải trả lại nhà công vụ. Như vậy, về luật chúng ta đã có đủ, nhưng thực tế lại khác.

Lẽ ra trước khi giao nhà công vụ, người ta nên ký với cán bộ một bản hợp đồng trong đó quy định rõ thời hạn ở, thời gian trả lại nhà… để nếu người ta làm trái các quy định của pháp luật hoặc không trả lại nhà thì ta còn có nhiều cách xử lý.

Chẳng hạn, nếu họ là cán bộ, đảng viên mà không trả lại nhà công vụ thì xử lý về mặt Đảng, về mặt cán bộ, công chức. Còn với các trường hợp khác thậm chí người ta có thể kiện ra tòa, dùng các biện pháp cưỡng chế.

Tôi cho rằng muốn chấm dứt tình trạng trên phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ một cách bài bản chứ không phải chỉ khi dư luận, báo chí đề cập tới những người có tật mới “giật mình” xin trả nhà công vụ.

Nhà công vụ là tài sản nhà nước cấp cho các cán bộ sử dụng. Không thể lợi dụng điều đó mà chiếm đoạt tài sản của nhà nước”.

- Quy định về thời gian, điều kiện sử dụng nhà công vụ xưa và nay có gì khác thưa ông?

Cổng vào khu nhà công vụ Hoàng Cầu. Tòa nhà A (bên phải), tòa nhà B (bên trái) khu nhà công vụ Hoàng Cầu.

Cổng vào khu nhà công vụ Hoàng Cầu. Tòa nhà A (bên phải), tòa nhà B (bên trái) khu nhà công vụ Hoàng Cầu.

Thông thường đối tượng được cấp nhà công vụ là những cán bộ cấp cao ở địa phương ra Hà Nội hoặc TP.HCM làm việc. Nhà công vụ đa số là các phòng đơn giản thuộc các khu chung cư, tập thể nho nhỏ rộng chừng vài chục m2, nhưng cũng có cả biệt thự, villa.

Khi cấp nhà công vụ, nhiều khi người ta phân chia bằng miệng hoặc đưa công văn, nhưng công văn đó cũng không ghi rõ các điều khoản ràng buộc cụ thể. Lẽ ra phải có một bản hợp đồng cụ thể và khi vi phạm hợp đồng tức là vi phạm pháp luật thì mới dễ xử lý.

- Nếu cán bộ về hưu vẫn chưa có nhà riêng để ở, họ có được tiếp tục sử dụng nhà công vụ không?

Không. Họ phải trả lại nhà công vụ và nếu chưa có nhà riêng thì họ sẽ được cấp nhà theo chế độ khác. Pháp luật đã quy định rõ cán bộ khi về hưu mà chưa có nhà ở thì sẽ được hưởng chế độ, chính sách khác.

Trên thực tế, tôi biết nhiều cán bộ đã có nhà riêng ở quê, nhưng do nhà của họ nhỏ nên họ cho người khác ở, thậm chí họ bán đi để trở thành người “vô sản”, có cớ bám lấy nhà nước. Họ đòi hỏi nhà nước phải có chế độ công vụ cho người ta. Sở dĩ họ làm được điều này là do chính sách của mình còn nhiều kẽ hở, bất cập.

Nên nhớ nhà công vụ phải được luân phiên cho những cán bộ ở địa phương khác tới Hà Nội công tác chứ không phải vì chưa có nhà riêng nên ở lì trong đó rồi định chiếm luôn. Làm thế họ chẳng khác nào Chí Phèo.

- Nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý nhà công vụ hiện nay còn rất bất cập, lỏng lẻo. Ông có thấy vậy không?

Để tôi phân tích thế này cho dễ hình dung. Mặc dù chế độ lương ở ta giờ còn thấp, nhưng trong đồng lương đó cũng đã bao gồm cả trợ cấp tiền nhà.

Do vậy, nếu cán bộ nào ở nhà công vụ thì lẽ ra phải trả lại khoản tiền nhà trong lương đó cho nhà nước chứ? Khi đó, nhà nước mới thanh toán các chế độ như trả tiền điện, nước cho những chủ nhà công vụ hoặc có trách nhiệm sửa chữa khi nhà xuống cấp.

Hiện nay, do khoản tiền nhà trong lương không lớn nên họ cứ giữ nguyên mức lương cho cán bộ, công tư không phân minh dẫn tới bất cấp, lỏng lẻo trong quản lý.

Tôi xin nhấn mạnh là các văn bản quy phạm pháp luật ta đều đã có cả, nhưng không một ai thực hiện theo. Quản lý nhà nước một khi lỏng lẻo thì ai cũng biết hậu quả là gì rồi: Hàng tỷ USD đã bị thất thoát.

- Tức là theo ông việc quản lý nhà công vụ lỏng lẻo gây thất thoát nhiều tiền bạc của dân?

Đúng rồi. Do vậy, tôi đề nghị nhà nước sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý việc đó.

- Những người không thuộc diện được sử dụng nhà công vụ, nhưng ngang nhiên sở hữu, sử dụng nó sẽ bị xử lý ra sao thưa ông?

Các cơ quan chủ quản nhà công vụ đó phải có biện pháp xử lý. Nếu họ không xử lý triệt để, để thất thoát thì thủ trưởng của cơ quan đó sẽ bị xử lý.

Vấn đề quan trọng là ai cho người ta vào ở? Nhà công vụ đâu phải dễ mà tự dưng vào chiếm? Cũng phải yêu cầu người nào cho họ vào ở “đuổi” họ ra. Nếu không đuổi được thì cán bộ đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đó là tội chiếm tài sản của nhà nước một cách bất hợp pháp và sẽ bị khởi tố hình sự.

- Còn với trường hợp của ông Truyền, đã có biệt thự khủng ở Bến Tre vẫn còn nhà công vụ, theo như báo chí đưa tin, ông có bình luận gì?

Trước tiên phải xem nhà đó của ai cấp. Nếu là của thanh tra Chính phủ thì phải yêu cầu Tổng thanh tra Chính phủ phải có ý kiến, còn nếu nó thuộc sở hữu của Văn phòng Chính phủ thì Chủ nhiệm văn phòng này phải có ý kiến.

Từ chuyện này, tôi nghĩ phải có chế độ, chính sách mới để quản lý, kê khai, kiểm tra tài sản của nhà nước. Đó là tiền thuế của Nhân dân. Làm vậy có tội với nhân dân quá!

Nên nhớ những cán bộ đó chỉ được ở nhờ, ở đậu tài sản của dân. Thế mà vẫn có những người không làm gì có ích cho nước, cho dân vẫn chui vào nhà khách của văn phòng chính phủ ở năm này sang năm khác, “rút” hàng trăm triệu tiền từ ngân sách. Rõ ràng, họ đã lợi dụng chế độ công vụ để hưởng lợi cá nhân.

Tôi đề nghị Chính phủ không thể để chuyện này tiếp tục xảy ra, phải có những quy định mới chặt chẽ hơn nữa về vấn đề này!

- Xin cảm ơn ông!

» Lùm xùm chuyện bổ nhiệm cán bộ tại Thanh tra Chính phủ

Minh Quân (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn