Giao lưu trực tuyến: 'Phụ nữ hiện đại cân bằng cuộc sống như thế nào?'

Thời sựThứ Hai, 05/10/2015 02:34:00 +07:00

(VTC News)- Báo điện tử VTC News giao lưu trực tuyến với Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh, giám đốc trang trại Đồng quê Ba Vì và Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết, đồng tác giả giống lúa CXT 30 về chủ đề đang rất được quan tâm hiện nay: Phụ nữ hiện đại, cân bằng cuộc sống như thế nào?

(VTC News)- Báo điện tử VTC News giao lưu trực tuyến với Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh, giám đốc trang trại Đồng quê Ba Vì và Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết, đồng tác giả giống lúa CXT 30 về chủ đề đang rất được quan tâm hiện nay: Phụ nữ hiện đại, cân bằng cuộc sống như thế nào?

Đã qua rồi cái thời người phụ nữ chỉ quanh quẩn với bếp núc, chợ búa, hàng trăm công việc lặt vặt không tên và có tên trong gia đình…những người phụ nữ trong xã hội hiện đại đã tự tin bước ra xã hội với vẻ kiêu hãnh, rực rỡ và thành công nhất, bên cạnh vẫn là một gia đình được chu toàn.

Vậy bí quyết nào làm nên điều đó, Báo Điện tử VTC News đã có cuộc giao lưu với Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh, giám đốc trang trại Đồng quê Ba Vì và Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết, đồng tác giả giống lúa CXT 30 để tìm ra câu trả lời cho cách cân bằng cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam thời hiện đại.
Các khách mời trong buổi giao lưu
Các khách mời trong buổi giao lưu 
- Phụ nữ Việt Nam bây giờ có vẻ tham vọng quá, vừa phải cố gắng xinh đẹp, lại phải thành công trong công việc?

Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh: Đặc tính tự nhiên của người phụ nữ là sự quyến rũ. Vì thế cái đẹp nên hiểu là sự quyến rũ hay còn gọi là sự duyên dáng trong tâm hồn và ngoại hình. Nếu như vậy, cái đẹp không còn là tham vọng nữa mà trở thành một nhu cầu rất tự nhiên trong suốt cả cuộc đời. Khi đó, công việc và ngoại hình sẽ trở thành hai yếu tố kết hợp hài hòa được với nhau.

Đó chính là động lực mang tới thành công cả trong công việc lẫn cuộc sống.

- Phụ nữ làm khoa học có vẻ gặp ít rủi ro hơn trong cuộc sống ở Việt Nam?


Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết: Quan niệm về người phụ nữ làm khoa học gặp ít rủi ro hơn trong cuộc sống ở Việt Nam là quan niệm của một số người muốn có công việc ổn định trong một đơn vị nghiên cứu, họ chỉ làm công và ăn lương nên tính rủi ro ít.

Riêng tôi, tôi cho rằng để làm khoa học là phải nghiên cứu được cái gì đó thực sự thiết thực cho cuộc sống, phục vụ được nhiều nhất cho cộng đồng, đòi hỏi phải biết chấp nhận gian khó, chấp nhận hy sinh, thậm chí là chấp nhận thất bại để vượt qua thử thách và chinh phục thành công. Đó không chỉ là rủi ro đơn thuần, mà là rủi ro vô cùng lớn.

Nhưng mình phải có niềm tin, sự khát khao, sự đam mê cháy bỏng thì mới quyết tâm để chiến thắng bản thân, chiến thắng mọi trở ngại để chinh phục thành công.

Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh giao lưu cùng độc giả  
- Theo chị, thứ đánh giá đúng nhất giá trị cuộc sống của người phụ nữ là gì: Con cái, chồng, sắc đẹp hay công việc?

Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh: Nếu xếp theo thứ tự ưu tiên, đối với người phụ nữ Việt Nam, con cái vẫn là ưu tiên hàng đầu. Nhưng để có được cuộc sống thật nhiều giá trị thì không nên và không thể tách rời khái niệm gia đình một cách đầy đủ. Khi đó, sắc đẹp hay công việc mới có chỗ đứng thực sự vững chắc trong suy nghĩ, nỗ lực tìm kiếm giá trị cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân mỗi người phụ nữ.

Tuy nhiên, tùy theo từng hoàn cảnh, giá trị cuộc sống sẽ được phản ánh qua nhiều lăng kính khác nhau.

- Sắc đẹp có vẻ là điều được xã hội quan tâm đặc biệt vào thời điểm này. Phụ nữ ngày nay không có sắc thì thật khó để thay đổi hoàn cảnh, cuộc sống?


Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh: Đối với tuổi trẻ, có thể nhan sắc là một trong những yếu tố quyết định cho một số thành công nhưng về lâu dài, người phụ nữ cần rất nhiều phẩm chất để đối mặt với thách thức của cuộc sống hiện đại.

Sắc đẹp là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là yếu tố mang tính quyết định hạnh phúc của người phụ nữ. Vì thế, nên định nghĩa sắc đẹp vượt ra ngoài định nghĩa đơn thuần về mặt nhan sắc.
 
- Gánh nặng của phụ nữ Việt Nam thì sao? Có phải là thói quen can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con cái ngay cả khi con cái họ đã trưởng thành khiến người phụ nữ Việt Nam luôn ở trong trạng thái quá tải?

Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh: Xã hội Việt Nam, cho đến lúc này, chưa thoát khỏi tư duy của một xã hội nông nghiệp với cách suy nghĩ “tam đại đồng đường” làm trọng. Cha mẹ lúc nào cũng phải bảo ban, lo lắng cho con cái, kể cả khi con cái đã trưởng thành. Còn một lý do khác nữa là do môi trường xã hội hiện nay chưa thật sự được hoàn chỉnh để giảm bớt nỗi lo của các bậc sinh thành. Ví dụ: an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, đặc biệt là sự du nhập về văn hóa mà chưa có chuẩn mực rõ ràng, nên đã tạo ra một số ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ.

Tuy vậy, cũng nên hướng tới một tư duy rất rõ ràng trong việc giáo dục con cái đó là sự tự lập bên cạnh tình yêu thương gia đình một cách có trách nhiệm. Có như thế, con cái mới có khả năng độc lập khi ra quyết định, tìm kiếm cuộc sống tương lai theo đúng khả năng của bản thân. Gánh nặng trách nhiệm trên vai bố mẹ, khi ấy, sẽ được giảm bớt đi rất nhiều.

- Chị thử so sánh áp lực làm giám đốc một doanh nghiệp với áp lực đạt đủ “công, dung, ngôn, hạnh” của một người mẹ, người vợ?

Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh: "Công, dung, ngôn, hạnh" của người mẹ, người vợ đặt trong hoàn cảnh xã hội hiện đại phải được hiểu là sự khéo léo để giữ bằng được một “bếp lửa ấm áp” với sự tham gia của tất cả các thành viên trong gia đình. Làm được điều này, niềm vui, niềm hạnh phúc sẽ xóa nhòa ranh giới giữa áp lực của công việc với áp lực phải trở thành một người mẹ, người vợ hoàn hảo.

Giá trị tinh thần lúc ấy, theo tôi, cao hơn các chuẩn chỉ về "công, dung, ngôn, hạnh" đơn thuần và phụ thuộc vào nghệ thuật ứng xử của từng người.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết giao lưu cùng độc giả
Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết giao lưu cùng độc giả 
- Trong một môi trường chưa thật sự hoàn hảo như làm khoa học ở Việt Nam, phụ nữ thấy được cơ hội hay thách thức để đứng ngang bằng với đồng nghiệp nam giới?

Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết: Tôi quan niệm rằng, cơ hội và thách thức luôn song hành, cũng như bên cạnh dấu cộng là dấu trừ, nhưng mình phải biết cân bằng.

Thực tế thì cũng có nhiều người phụ nữ rất thành đạt, hai người phụ nữ Việt Nam mà tôi thần tượng nhất, đó là cô Nguyễn Thị Bình – nguyên phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và chị Tôn Nữ Thị Ninh. Tôi luôn lấy hình ảnh của những  người phụ nữ này để không ngừng học hỏi và phấn đấu.

-  Chị có bao giờ cảm thấy chạnh lòng bởi làm khoa học thì rất khó để nuôi sống bản thân, gia đình?

Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết: Khoa học là phạm trù rất lớn, cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng khi mình đặt mục tiêu nghiên cứu phục vụ cho lĩnh vực nào là thiết thực nhất, là sở trường nhất của mình để phát huy tối đa khả năng của bản thân, thì mình tập trung cao độ cho mục tiêu mình lựa chọn.

Chẳng hạn như hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu đang ngày càng đe dọa đến đời sống con người, như hạn hán, lũ lụt, nước mặn xâm lấn, sâu bệnh, dịch hại, môi trường bị tàn phá nặng nề…tình hình sử dụng và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng gia tăng, thức ăn nhiễm hóa chất độc hại làm cho sức khỏe con người ngày càng giảm sút, bệnh tật gia tăng, bệnh viện ngày càng trở nên quá tải.

Do đó, mục tiêu tôi đặt ra là nghiên cứu được giống lúa kháng bệnh, xây dựng được quy trình sản xuất chuỗi giá trị hữu cơ bền vững. Vừa an toàn cho người sản xuất, vừa an toàn cho người sử dụng, vừa bảo vệ, cân bằng môi trường sinh thái. Đó là giống lúa CXT30, được gọi là gạo Hương tuyết.

Trong quá trình nghiên cứu thì gặp rất nhiều khó khăn, do phải vừa nghiên cứu, vừa khảo nghiệm, vừa thử nghiệm tính thích ứng trên các tiểu vùng sinh thái khác nhau. Đòi hỏi chi phí rất nhiều, mà các nguồn lực thì không có, cho nên rất ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của gia đình. Nhưng khi nghiên cứu thành công, thì cũng rất nhiều đơn vị muốn mua bản quyền với giá rất cao. Nói thế để thấy, nếu làm khoa học đúng hướng, thì hoàn toàn có thể làm giàu cho mình và cho xã hội.

Đơn cử như hiện nay, nếu người nông dân sử dụng  giống lúa CXT30, thì lời ít nhất 10 triệu đồng/ ha so với các giống lúa khác. Đặc biệt là có những mô hình khép kín, Lúa + Thủy sản thì đã cho trên 2 tỷ đồng/ ha/ năm. Có một mô hình hiện nay được đánh giá cao nhất là mô hình Lúa + Cá + Vịt trời cho thu nhập trên 5 tỷ đồng/ ha/ năm.

- Làm khoa học, nhất là khoa học nông nghiệp, đòi hỏi nhiều hi sinh, nhất là về nhan sắc và đôi khi là cơ hội khoe sắc đẹp của mình với xã hội?

Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết: Công bằng mà nói, làm khoa học ngành nào cũng đòi hỏi hy sinh, nhưng riêng với đối với khoa học nông nghiệp thì sự “tàn phá” nhan sắc kinh khủng gấp bội, vì suốt ngày dầm mưa dãi nắng trên đồng ruộng. Nhưng với tôi, nếu chỉ coi công việc là phương tiện kiếm tiền đơn thuần, thì sẽ không thấy được những gì mình thực sự muốn làm. Nhưng khi mình xem công việc là một niềm tự hào, và một phần tất yếu của cuộc sống của mình, thì tất cả không còn là sự hy sinh nữa.

Tôi luôn trân trọng ý nghĩa của công việc mình đang làm, và đang cống hiến. Mỗi khi mà tận mắt chứng kiến những niềm vui sướng của những người nông dân vì những vụ mùa bội thu thì niềm vui của mình được nhân lên gấp bội, và “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Và quan niệm của mình, cái đẹp là phải bắt nguồn từ bên trong, đẹp từ trong tâm hồn, đẹp từ trong suy nghĩ, đẹp từ hành động, đẹp từ sự cống hiến, mọi sự hội tụ mới tỏa sáng, mới bền vững.


- Nhiều cô gái Việt Nam chọn cách đầu tư vào nhan sắc để thành danh.  Đó có phải là lựa chọn hợp lý nhất vào thời điểm này?

Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết: Mỗi người có một sự lựa chọn. Riêng tôi, tôi chọn cách đầu tư cho học tập là quan trọng nhất. Bởi khi có tri thức thì mình làm chủ được cuộc sống của mình, khi đó mình đủ khả năng để giúp đỡ nhiều người xung quanh.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết
Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết trong buổi giao lưu. (Ảnh: Đinh Đức Tùng)
- Tự tin+ học thức cần thiết cho phụ nữ hơn là sắc đẹp, chị nghĩ sao về ý kiến này?


Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết: Theo tôi, cái đẹp không chỉ là hình thức bên ngoài, mà là cả nội tâm bên trong. Khi người phụ nữ có tri thức, thì tự tin hơn trong cuộc sống, và do đó họ cũng đẹp hơn.

- Nếu chỉ được chọn một thứ quan trọng nhất giúp cuộc sống của người Phụ nữ Việt Nam tốt đẹp hơn, chị sẽ chọn điều gì?

Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết: Tôi sẽ chọn học thức, vì học thức tạo cho những người phụ nữ nhận thức mà phụ nữ ở các nước tiên tiến đã làm. Có học thức mới đấu tranh được quyền lợi bình đẳng nam nữ, có học thức mới tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới. Hơn tất cả, có học thức người phụ nữ sẽ làm chủ được cuộc sống và nuôi dạy con cái tốt hơn. Vì những điều ý nghĩa này, mà với cá nhân tôi, học thức là điều quan trọng nhất.

- Gia đình và khoa học,  đã bao giờ chị phải chọn lựa để hi sinh cái này cho cái kia?


Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết: Người phụ nữ nào cũng lựa chọn gia đình là trên hết, tất cả mọi công việc, sự nghiệp cũng chỉ mong muốn vun đắp cho gia đình hạnh phúc, vững bền hơn. Nhưng thực tế, có rất nhiều thời điểm khó khăn để cân bằng giữa công việc và gia đình. Nhưng muốn thành công thì mình phải biết sắp xếp hợp lý.
 
Ví dụ một người phụ nữ bình thường có thể chọn cuộc sống an nhàn, quanh quẩn bên gia đình, con cái, đi làm đẹp cho bản thân, tận hưởng cuộc sống, một ngày ngủ đủ 8 tiếng chẳng hạn, nhưng người phụ nữ làm khoa học thì phải sắp xếp thời gian làm sao vừa để nghiên cứu, vừa chăm lo tốt cho gia đình, thời gian dành cho bản thân ít đi.

 - Có điểm chung nào không giữa hạnh phúc gia đình và thành tựu trong nghiên cứu khoa học?

Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết: Hạnh phúc gia đình là động lực để người phụ nữ phát huy tối đa khả năng của mình, để đạt được những thành tựu trong nghiên cứu khoa học. Và ngược lại, thành tựu nghiên cứu khoa học cũng chính là niềm hạnh phúc cho gia đình. Hai điều này là mối quan hệ hữu cơ với nhau.

Một thành công, thành tựu bao giờ cũng có sự hy sinh, đánh đổi. Tôi không nghĩ một người phụ nữ làm khoa học giỏi là một người phụ nữ chăm sóc gia đình tốt nếu không có sự đồng thuận từ gia đình. Vì vậy tôi nghĩ những thành tựu trong khoa học luôn có bóng dáng của những hy sinh ẩn chứa trong ấy. Hy vọng rằng qua cuộc giao lưu này, mọi người hiểu cho tâm sự của những  người  phụ nữ làm khoa học như chúng tôi.

- Nhiều phụ nữ chọn cách buông bỏ việc chăm sóc bản thân để dành thời gian theo đuổi thành công trong công việc. Làm thế nào để cân bằng được khao khát danh vọng với nhu cầu chăm sóc cuộc sống riêng tư?

Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết: Nghiên cứu khoa học là cả chặng đường dài gian nan vất vả, là áp lực nặng nề. Tôi đã có những đêm mất ngủ, biết bao ngày dãi nắng dầm mưa. Lúc đấy thú thực tôi không hề nghĩ đến việc chăm sóc bản thân, trong đầu chỉ chăm chăm suy nghĩ cho công việc. Lúc ngoảnh lại cũng có những khi tôi thấy nuối tiếc cho những hoài bão khác.

Nhưng bù lại, khi mình nghiên cứu ra những sản phẩm hữu cơ thì trước tiên bản thân, gia đình luôn được sử dụng sản phẩm sạch, giúp khỏe từ bên trong, đẹp từ bên ngoài.

- Công việc nghiên cứu càng thuật lợi sẽ càng bận rộn, một ngày bình thường nhất của chị như thế nào?

Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết: Tôi thường thức dậy từ 5h sáng, hôm thì chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả gia đình, hôm thì thời gian ấy đã phải có mặt ở khu thí nghiệm, rồi 9h quay trở về văn phòng bắt đầu làm việc. Tôi không có khái niệm ngủ trưa, mà bắt tay luôn vào công việc cho tới chiều tối mịt về với gia đình. Ăn tối xong có khi lại phải mở máy tính ra để làm việc tới đêm khuya.

Nhưng bù lại, những ngày cuối tuần thì cùng quây quần bên nhau trong bữa cơm gia đình, làm những món mọi người yêu thích; những khi đi xuống địa phương thì tranh thủ kết hợp cả gia đình đi du lịch đồng quê để mọi người trong gia đình hiểu thêm về những đóng góp của mình cho bà con nông dân. Chính vì điều đó, mọi thành viên trong gia đình đều rất ủng hộ, và thấy những việc làm của mình có ích cho cộng đồng.

Tuy bận rộn, nhưng tôi luôn sắp xếp để vừa có thời gian cho gia đình, vừa dành thời gian cho nghiên cứu khoa học.

- Nếu có lời khuyên, chị muốn gửi lời khuyên gì đến những người phụ nữ đang khao khát chinh phục thành công?


Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết: Công thức để đạt đến thành công thì có nhiều, nhưng công thức thất bại là cố làm vừa lòng tất cả mọi người. Cuộc đời chúng ta chỉ sống có một lần, nên hãy sống với đam mê và khát vọng của mình để mang lại những giá trị thực cho cuộc sống.  Điều quan trọng là phải biết làm chủ cảm xúc để cân bằng cuộc sống. 
Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh
Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh thích thú với những câu hỏi của độc giả
- Thành công trong công việc kinh doanh cũng đồng nghĩa với việc độc lập về tài chính lẫn lợi thế trong việc ra quyền quyết định trong gia đình. Liệu thói quen ở thương trường khắc nghiệt có khi nào đẩy người phụ nữ vào những xung đột nhạy cảm với chồng, gia đình chồng?

Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh:
Trong xã hội nhiều thách thức và rủi ro, người phụ nữ cần phải kiếm ra tiền để chia sẻ gánh nặng tài chính với chồng. Mặt khác, nhu cầu khẳng định sự độc lập của bản thân người phụ nữ trong xã hội ngày càng lớn.

Đấy là thực tế tất yếu của xã hội.
 
Chúng ta cần tôn trọng niềm khao khát độc lập lẫn thể hiện bản thân ấy của người phụ nữ. Từ đó, dành ra một sự tôn trọng xứng đáng cho những thành công mà người phụ nữ đạt được trong công việc.

Về ý kiến cho rằng thói quen ở thương trường khắc nghiệt dễ đẩy người phụ nữ vào những xung đột nhạy cảm với chồng, gia đình chồng, chúng ta cần đặt nó trong thực tế xã hội kể trên.

Tài chính rõ ràng là một vấn đề rất tế nhị, đặc biệt là với đàn ông Việt Nam. Nên chỉ khi có được sự nhìn nhận thỏa đáng từ chồng và gia đình chồng, cộng thêm sự nhường nhịn của người vợ, gia đình mới tránh được những xung đột đáng tiếc có thể xảy ra.

-  Có vẻ khả năng cân bằng cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam chưa được sự hỗ trợ tốt lắm của đàn ông Việt?

Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh:
Do môi trường xã hội hiện nay, người đàn ông Việt Nam chưa thực sự đồng hành như một người bạn chí thiết trong quá trình vươn lên của người phụ nữ. Sự tiến bộ của người phụ nữ Việt Nam, đi kèm với đó, là những tiêu chuẩn cao hơn trong cuộc sống, điều mà không phải người đàn ông Việt Nam nào cũng nhận ra và tự chuẩn bị cho mình.

Đây là một hành trình đòi hỏi thời gian, nỗ lực, sự chia sẻ, đồng cảm từ cả hai giới lẫn cái nhìn khách quan, công bằng hơn của xã hội.
Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh trăn trở với từng câu trả lời
 Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh trăn trở với từng câu trả lời
- Chị được xem là một người phụ nữ  thành đạt. Đâu là điều đáng tiếc nhất chị phải đánh đổi đề giành được thành công hiện tại?

Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh:
Tôi luôn cảm thấy không đủ thời gian dành cho gia đình và những công việc giống như một người mẹ, người vợ bình thường.

- Bí quyết chăm sóc bản thân của chị thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc sống như thế nào?

Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh:
Ở trong mọi hoàn cảnh, tôi tìm cách giải quyết những khủng hoảng tinh thần, chia công việc theo từng khoảng thời gian hợp lý, đặt mục tiêu sức khỏe thể chất, tinh thần lên trên hết. Đó là bước chuẩn bị cần thiết để tập trung thực hiện công việc một cách tốt nhất.

Trong công việc, tôi coi việc trao đổi năng lượng sống tích cực với cộng đồng nông hộ, với trẻ nhỏ là phương châm giữ gìn sức khỏe và niềm vui cho bản thân.

Xin chân thành cảm ơn!

Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng”.

Báo điện tử VTC News
Bình luận
vtcnews.vn