GIAO LƯU TRỰC TUYẾN: Mô hình thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong trường cao đẳng khối ngành kỹ thuật – công nghệ ở Việt Nam

Khoa học - Công nghệThứ Sáu, 16/11/2018 13:30:00 +07:00

Từ 13h45 ngày 16/11, Báo điện tử VTC News tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến nhằm giới thiệu các mô hình thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong trường cao đẳng khối ngành kỹ thuật – công nghệ ở Việt Nam.

15h45 buổi giao lưu kết thúc.

khachmoi1 9

 

Độc giả Hồng Hải (35 tuổi - Hà Nội): Tôi được biết, Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đang được Bộ KH&CN hỗ trợ một số dự án nhằm thúc đẩy việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, vậy ông có thể chia sẻ về kết quả của dự án này sẽ đem lại cho nhà trường nói riêng và cho khối các trường cao đẳng trên cả nước lợi ích gì?

Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh: Nhà trường đang chủ trì thực hiện Dự án KHCN cấp Quốc gia: “Hỗ trợ các hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ trong các trường cao đẳng khối ngành kỹ thuật – công nghệ” của Bộ KH&CN.

Dự án với nhiệm vụ khảo sát thực trạng, nghiên cứu, phân tích, đánh giá và đề xuất một số giải pháp cũng như các kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ trong trường cao đẳng khối ngành kỹ thuật, công nghệ thuộc hệ thống Giáo dục Nghề nghiệp.

Dự án sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, sản xuất và thương mại hoá trong nhà trường cũng như cơ sở giáo dục nghề nghiệp, góp phần gia tăng nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần tích cực phát triển thị trường KHCN theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 20–NQ/TW ngày 31/10/2012, Hội nghị Trung ương 6 khóa XI và của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 844/QĐ-TTg.

Đó cũng là một trong các giải pháp tích cực để các trường thực hiện thành công cơ chế tự chủ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ.

Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị cần tháo gỡ từ phía các trường Cao đẳng và Doanh nghiệp trong việc thúc đẩy, phát triển hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đề xuất một số mô hình thương mại hóa sản phẩm KHCN của các trường cao đẳng kỹ thuật. Sau khi kết thúc Dự án, mô hình mang lại hiệu quả tốt thì có thể nhân rộng được ra ở các trường cao đẳng kỹ thuật của Việt Nam.

Độc giả Thúy Nga (31 tuổi – Đà Nẵng): Hiện nay, theo ông, công tác đào tạo, tập huấn cho giảng viên, học viên khối các trường cao đẳng về thương mại hóa kết quả nghiên cứu sẽ triển khai như thế nào cho hiệu quả?

Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh: Hiện tại, công tác đào tạo, tập huấn cho giảng viên, học viên khối các trường cao đẳng về thương mại hóa kết quả nghiên cứu phụ thuộc vào từng trường. Theo kết quả điều tra, các hoạt động này chưa được triển khai thường xuyên.

Sắp tới, để thực hiện Đề án 1665 về việc Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, các trường sẽ nghiên cứu đưa các chuyên đề khởi nghiệp vào chương trình đào tạo của từng trường, bảo đảm phù hợp với thực tiễn để tạo động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên. Cùng với đó, việc đào tạo thương mại hóa cũng được lồng ghép vào chương trình đào tạo.

Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả hơn, các trường thành lập tổ chức trung gian để hỗ trợ học sinh, sinh viên; bố trí, phân công cán bộ, giảng viên đảm nhiệm công tác hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các nhà trường; gắn kết các đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên với các hoạt động khởi nghiệp; phát triển các sản phẩm thương mại, mô hình kinh doanh dựa trên các sản phẩm nghiên cứu khoa học.

khachmoi 8

Các khách mời tập trung trả lời câu hỏi do độc giả VTC News gửi đến. 

Độc giả Hà Minh (28 tuổi – Hà Nội): Để việc kết nối chuyển giao công nghệ giữa các viện trường và doanh nghiệp phát triển hơn nữa, ông có những đề xuất hay kiến nghị gì?

Ông Nguyễn Văn Hậu: Khi đất nước ta bắt đầu đổi mới, chúng ta đã giải phóng sức lao động cho sản xuất phát triển. Ngày nay, chúng ta phải giải phóng cho sức sáng tạo, phát minh. Tôi kiến nghị Nhà nước hoàn thiện các cơ chế, chính sách rõ ràng, nhất quán để việc kết nối, chuyển giao công nghệ giữa các viện, trường với doanh nghiệp được thuận lợi, để nhà trường chủ động trong việc huy động sức sáng tạo của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành nghiên cứu ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao vào thực tiễn.

Độc giả Trung Sơn (40 tuổi – Đà Nẵng): Ông thường tìm kiếm các sản phẩm mới ở đâu? Ở góc độ doanh nghiệp, ông có thể phân tích các lợi ích của mô hình Sàn giao dịch công nghệ đối với cộng đồng nhà khoa học, doanh nghiệp và toàn xã hội?

Ông Nguyễn Văn Hậu: Đây là câu hỏi rất hay và đi đúng vào yêu cầu thực tiễn đặt ra trong thời đại ngày nay. Các sản phẩm mới có tính định hướng thị trường ở nước ta còn rất hạn chế. Chúng tôi thường hợp tác với các nhà khoa học có những nghiên cứu riêng lẻ. Và hiện nay, chúng tôi bắt đầu bắt tay với các viện nghiên cứu, trường đại học để đặt hàng những sáng chế, ý tưởng sáng tạo có hàm lượng công nghệ cao.

Ngoài ra, công ty chúng tôi có thể tự nghiên cứu từ nhu cầu của thị trường. Đôi khi, những sản phẩm cũ nhưng chúng ta có thể làm mới, có chất lượng tốt hơn, rẻ hơn, đẹp hơn để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Mà câu chuyện về chiếc ốc vít của nhà máy Samsung đặt hàng các nhà máy cơ khí Việt Nam là một ví dụ điển hình để tạo ra một sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế.

Về lợi ích của mô hình Sàn giao dịch công nghệ đối với cộng đồng nhà khoa học, doanh nghiệp và toàn xã hội, hiện nay, muốn bán bất kể một sản phẩm nào thì cung và cầu phải gặp nhau, và sản phẩm công nghệ cũng không nằm ngoài quy luật đó, thị trường là nơi đánh giá tốt nhất giá trị của sản phẩm trí tuệ, các sáng chế, ý tưởng.

Muốn thúc đẩy các nhà khoa học mạnh dạn đưa những sáng chế, ý tưởng của mình thành hiện thực thì cần phải có nơi trao đổi để các doanh nghiệp sản xuất biết đến. Vậy vấn đề bức thiết đặt ra là Nhà nước phải xây dựng các cơ chế để tạo ra các chợ, sàn giao dịch mua bán các sản phẩm công nghệ. Từ đó, thúc đẩy áp dụng công nghệ vào thực tiễn, giúp doanh nghiệp có được sản phẩm công nghệ rẻ nhất và đặc thù, có tính cạnh tranh cao; nhà khoa học có nguồn thu để nuôi dưỡng sức sáng tạo, tạo ra các sản phẩm được toàn xã hội chấp nhận.

Độc giả Trung Hiếu (28 tuổi – Hải Dương): Theo ông, tỷ lệ (hay số lượng) các sản phẩm nghiên cứu có thể ứng dụng ra thị trường của khối các trường Cao đẳng hiện nay là bao nhiêu? Và các trường cần có giải pháp gì để lưu trữ và phát triển cơ sở dữ liệu giúp cho các doanh nghiệp có nhu cầu có thể tìm kiếm thông tin dễ dàng?

Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh: Qua khảo sát, có đến 61,74% số lượng các trường tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, có 61,9% số lượng các trường tự thực hiện nghiên cứu. Nhưng dưới góc độ hiệu quả, thì mới chỉ có 39,08% trường cao đẳng có sản phẩm đã chuyển giao, thương mại hóa. Trong đó, 27,59% trường xác nhận có sản phẩm phục vụ nghiên cứu, dạy học nhưng chưa khai thác, sử dụng cho mục đích thương mại.

Rõ ràng, những con số nêu trên là một vấn đề đáng quan tâm đối với các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa được 27,59% đó ra được thị trường và có thể chuyển giao được đối với các doanh nghiệp?

Để lưu trữ và phát triển cơ sở dữ liệu giúp cho các doanh nghiệp có nhu cầu có thể tìm kiếm thông tin thì việc thành lập Sàn giao dịch KHCN để kết nối CUNG – CẦU công nghệ giữa Doanh nghiệp - Trường và các cơ quan quản lý nhà nước là một giải pháp tối ưu.

onghau4 7

 

Độc giả Hùng Anh (35 tuổi - Hải Phòng): Thưa ông, trong quá trình phát triển sản phẩm mới sẽ cần có nhiều cải tiến để phù hợp hơn với yêu cầu của người tiêu dùng, vậy bộ phận Nghiên cứu & Phát triển sản phẩm nên đặt tại doanh nghiệp hay tại các viện trường để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu? Lúc này, cơ chế hợp tác, chia sẻ lợi nhuận sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hậu: Hiện nay, những doanh nghiệp lớn thường có một bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm đặt tại doanh nghiệp để thuận lợi cho việc nghiên cứu. Theo tôi, bộ phân nghiên cứu và phát triển sản phẩm có thể vừa đặt ở doanh nghiệp và vừa đặt trong nhà trường.

Về cơ chế hợp tác, hai bên nên cử cán bộ, giảng viên trao đổi mật thiết với nhau: doanh nghiệp có thể cử cán bộ tham gia công tác tư vấn, giảng dạy hướng dẫn thực hành; nhà trường cử giảng viên xuống tham khảo, tìm hiểu về phương thức sản xuất và tư liệu sản xuất đặc thù của doanh nghiệp để nghiên cứu ra sản phẩm phù hợp, có tính cạnh tranh cao. Lúc này, lợi nhuận có thể phân chia theo tỷ lệ phần trăm hoặc mua đứt tùy thuộc vào từng nghiên cứu công nghệ cụ thể.

Quang Hưng (38 tuổi - TP.HCM): Là doanh nghiệp Việt Nam, ông có cho rằng nếu sản xuất, kinh doanh và phát triển sản phẩm dựa trên những nghiên cứu của nhà khoa học Việt sẽ có lợi thế hơn về giá cả, chất lượng, thị hiếu của người Việt?

Ông Nguyễn Văn Hậu: Như đã nói ở trên, nếu chúng ta làm chủ KHCN thì sẽ dễ dàng điều chỉnh và kiểm soát chất lượng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người Việt. Tận dụng trí tuệ, sức sáng tạo của các nhà khoa học Việt, doanh nghiệp trong nước có thể đồng hành cùng các nhà khoa học tạo ra những sản phẩm rẻ về giá thành mà có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.

Doanh nghiệp và các nhà khoa học Việt có thể cùng hợp tác nghiên cứu và minh bạch trong phân chia lợi nhuận, từ đó tạo ra sự tin tưởng và tính gắn kết giữa 2 nhà với mục tiêu cao nhất là tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Độc giả Thùy Giang (37 tuổi - Bắc Giang): Hiện nay nhà trường có bao nhiêu sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa ra thị trường? Hiệu quả kinh tế dự kiến mang lại cho nhà trường nếu thương mại hóa thành công các kết quả nghiên cứu này?

Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh: Nhà trường luôn coi việc nghiên cứu khoa học là yếu tố then chốt trong đào tạo, phát triển nhà trường với các hoạt động sản xuất thử nghiệm, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ vừa phục vụ dạy và học vừa phục vụ thương mại hoá.

Hiện nhà trường có một số sản phẩm có khả năng thương mại hóa cao đó là: dây chuyền sản xuất gạch không nung công suất 15 triệu viên/ năm, máy phay CNC rounter, tua-bin phát điện bằng sức gió trục đứng công suất 10 kW, các trạm rửa xe ô tô, mô tô tự động, hệ thống các bộ khuôn mẫu.

Các hoạt động này bên cạnh mục đích góp phần nâng cao, chất lượng, hiệu quả trong đào tạo còn giúp gia tăng nguồn thu cho nhà trường. Tuy nhiên, các sản phẩm hiện vẫn còn mang tính nhỏ, lẻ, chưa tối ưu được giá thành sản xuất cho nên hiệu quả mang lại chưa thực sự cao.

Độc giả Hoàng Anh (32 tuổi – Hà Nội): Tôi được biết nhà trường có một Trung tâm ươm tạo và chuyển giao công nghệ, vậy Trung tâm này đã hoạt động và hỗ trợ cho các kết quả nghiên cứu chuyển giao như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh: Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao Công nghệ, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội được thành lập tháng 10 năm 2014. Trung tâm được xây dựng mới với diện tích mặt bằng 500 m2 với các phân xưởng Cơ khí chế tạo, Hàn, Điện -  Điện tử để phục vụ các hoạt động nghiên cứu, chế thử sản phẩm, sản xuất, kinh doanh dịch vụ và chuyển giao công nghệ của nhà trường.

Trung tâm là nơi kết hợp giữa đào tạo nâng cao thực hành cho sinh viên, đồng thời giảng viên và sinh viên có thể trực tiếp nghiên cứu, thực hành sản xuất ra sản phẩm thực tế có thể ứng dụng tại trường hoặc thương mại hóa trên thị trường, giúp sinh viên có đủ tự tin làm việc khi ra trường.

Ngoài ra, trung tâm cũng liên kết với doanh nghiệp đặt hàng, trao đổi nhân lực, kinh nghiệm đào tạo và phát triển kinh doanh dịch vụ, từ đó xây dựng môi trường trung tâm như một cơ sở thực tập sản xuất, kinh doanh để tạo điều kiện cho giảng viên nâng cao trình độ tay nghề, sinh viên được học và thực hành thực tế trong môi trường như trong doanh nghiệp.

Trung tâm là nơi tập trung đầu mối, tập hợp các ý tưởng, phát triển các sản phẩm có khả năng thương mại, xây dựng sản phẩm đặc thù dựa trên các dự án NCKH để hướng tới thành lập doanh nghiệp KHCN.

Sinh viên sau khi học lý thuyết có thể thực hành trên trang thiết bị máy móc tại trung tâm, chế tạo ra sản phẩm, các chi tiết, sản phẩm có giá trị hàng hoá.

Hàng năm, cán bộ giáo viên và sinh viên nhà trường đã gia công chế tạo ra từ 20 tới 30 sản phẩm phục vụ công tác đào tạo như các mô hình giảng dạy thực hành, các sản phẩm phục vụ sản xuất và thương mại hóa; triển lãm như: Triển lãm các sản phẩm KHCN; triển lãm các sản phẩm KHCN có khả năng thương mại hóa...vv; hội thi thiết bị dạy nghề tự làm, trong đó phần lớn các sản phẩm được chế tạo, sản xuất tại Trung tâm Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao Công nghệ.

Độc giả Hùng Cường (23 tuổi – Bắc Ninh): Theo ông, khối các trường cao đẳng cần phải tập trung vào những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả của việc thương mại hóa sản phẩm?

Ông Nguyễn Văn Hậu: Nhà trường phải chủ động giải phóng sức sáng tạo của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, đưa ra các giải pháp tối ưu, mang tính đặc thù của thị trường Việt Nam; trang bị trang thiết bị máy móc thực hành hiện đại; xây dựng cơ chế phân chia lợi ích nghiên cứu rõ ràng, minh bạch giữa các giảng viên, nhà trường; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hàng năm, tập huấn khả năng vận hành trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm.

Đồng thời, các trường cao đẳng cần tham gia triển lãm thiết kế mô hình; tổ chức cho giảng viên tham gia hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp để nắm bắt rõ phương thức, tư liệu sản xuất nhằm tối ưu các nghiên cứu, phù hợp với thực tiễn, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, nâng cao khả năng tư duy và tự khám phá; tiếp thu các tư vấn của doanh nghiệp để hoàn thiện sản phẩm, nâng cao hiệu quả của việc thương mại hóa sản phẩm vì ở mỗi doanh nghiệp có phương thức và tư liệu sản xuất khác nhau. Do đó, nhà trường cần nghiên cứu các sản phẩm công nghệ cao phù hợp với từng đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Độc giả Viết Hùng (33 tuổi - Hải Phòng): Công ty TNHH Thiết bị Gia Hưng đã triển khai thương mại hóa bao nhiêu sản phẩm của các nhà khoa học? Đâu là những ưu điểm nổi bật để các sản phẩm này có thể ứng dụng, thương mại hóa thành công?

Ông Nguyễn Văn Hậu: Hiện nay, Công ty TNHH Thiết bị Gia Hưng đã triển khai thương mại hóa được 5 sản phẩm của các nhà khoa học. Đó là sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất, phù hợp với vóc dáng, thị hiếu tiêu dùng của người Việt, có giá thành rẻ, nhỏ gọn, dễ dàng sửa chữa nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng ngày càng nâng cao của khách hàng.

ongkhanh6 6

Có rất nhiều câu hỏi của độc giả gửi đến khách mời.

Độc giả Tú Anh (28 tuổi – Thừa Thiên Huế): Hiện nay, hiệu quả kinh tế mà sản phẩm mới này đem lại cho công ty là gì? Ông có thể so sánh sự khác biệt của doanh nghiệp trước và sau khi ứng dụng, thương mại hóa sản phẩm này? (Sản phẩm, công nghệ, thị trường…)

Ông Nguyễn Văn Hậu: Công ty có các sản phẩm hàm lượng công nghệ cao được thị trường dần dần chấp nhận. Sản phẩm mới ví dụ như máy ép gạch không nung được các tỉnh thành trên cả nước đặt hàng và đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trước đây, doanh nghiệp chúng tôi sản xuất những sản phẩm chưa có hàm lượng chất xám cao, còn mang tính đơn giản, thị trường bó hẹp. Sau khi bắt tay với Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội, chúng tôi đã làm ra những sản phẩm mang tính đột phá, ứng dụng cao trong thực tiễn, được phân phối ở nhiều tỉnh thành cả nước.

Trong thời gian tới, không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, Công ty có kế hoạch mở rộng, giới thiệu các sản phẩm ra thị trường quốc tế, đặc biệt là Lào, Campuchia và các nước Đông Nam Á khác.

Duy Kiên (25 tuổi – Quảng Ngãi): Những khó khăn gì mà các thầy cô và sinh viên tại trường gặp phải trong quá trình nghiên cứu và triển khai ứng dụng vào thực tiễn hiện nay? Và nhà trường đã tạo điều kiện gì?

TS Phạm Xuân Khánh: Trong quá trình nghiên cứu và triển khai ứng dụng vào thực tiễn, giảng viên và sinh viên nhà trường gặp phải một số khó khăn như phần lớn tự nghiên cứu, sản xuất để phục vụ đào tạo, chưa có nhiều sản phẩm công nghệ được đưa ra thương mại trên thị trường.

Bên cạnh đó, số lượng nghiên cứu có sử dụng ngân sách không nhiều, chỉ đạt 21,90%. Tiếp đó là chưa chú trọng xúc tiến chuyển giao các sản phẩm công nghệ, kết quả nghiên cứu. Sản phẩm công nghệ chưa được chú trọng đầu tư nghiên cứu bài bản cũng như khả năng hoàn thiện và đóng gói sản phẩm. Sản phẩm công nghệ chỉ dừng lại mức độ đơn lẻ, manh mún, mang tính chất cá nhân.

Không những vậy, chưa có nhiều sự hợp tác với doanh nghiệp trong các hoạt động như nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất mẫu, doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều tới các ý tưởng, sản phẩm đang được nghiên cứu tại nhà trường. Một số sản phẩm được thực hiện dựa trên đặt hàng của các doanh nghiệp, tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở số lượng nhỏ lẻ, chưa thể sản xuất đồng loạt.

Để khắc phục phần nào những khó khăn đó, nhà trường đã hỗ trợ kinh phí nghiên cứu đối với các giảng viên, sinh viên tham gia nghiên cứu các cấp. Nhà trường đã xây dựng chính sách hỗ trợ hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ đầu tư nghiên cứu làm ra sản phẩm thử nghiệm cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trường cũng tổ chức các cuộc thi Triển lãm sản phẩm sáng tạo KHCN, Ý tưởng sáng tạo HHT, thi thiết kế mô hình dạy học, thành lập Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN; tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu năng lực nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ do trường thực hiện, nhằm thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, tìm kiếm sự phối hợp đầu tư vào các ý tưởng nghiên cứu, đặt hàng nghiên cứu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, trường còn hợp tác với các doanh nghiệp trong các hoạt động thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ; thông qua các doanh nghiệp để nhanh chóng đưa các thành quả đó vào ứng dụng trong thực tiễn.

Độc giả Hoàng Hà (30 tuổi - Nghệ An): Thưa ông, tại sao Công ty TNHH Thiết bị Gia Hưng lại quyết định bắt tay cùng các nhà khoa học tại Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội để thương mại hóa kết quả nghiên cứu? Cụ thể sản phẩm của kết quả nghiên cứu đó là gì?

Anh Nguyễn Văn Hậu: Qua tìm hiểu, tìm kiếm các sản phẩm đặc thù để sản xuất, Công ty tôi nhận thấy Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội có một số tiêu chí của công ty đặt ra đối với các sản phẩm có thể thương mại hóa, đó là có tính chất ứng dụng cao trong đời sống xã hội và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam. Chẳng hạn như máy làm gạch không nung dùng công nghệ thủy lực, ép tĩnh; một số máy phay CNC 3D; máy xử lý rác thải; máy ép chất thải rắn…

onghau2 5

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Gia Hưng.

Độc giả Đức Huy (28 tuổi - Quảng Ninh): Những khó khăn/thuận lợi gì mà Công ty ông đã gặp phải khi triển khai thương mại hóa sản phẩm và giải pháp khắc phục ra sao?

Anh Nguyễn Văn Hậu: Hiện ngành cơ khí chính xác của Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu. Luyện kim và đúc còn chưa phát triển. Bên cạnh đó, thị hiếu người tiêu dùng Việt chưa tin tưởng vào những sản phẩm sản xuất trong nước. Ví dụ như sản phẩm về máy làm gạch không nung thủy lực ép tĩnh có giá thành hợp lý so với sản phẩm nhập ngoại nhưng chưa được các doanh nghiệp xây dựng và người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Vấn đề làm nhái, làm giả sản phẩm khi có bảo hộ bản quyền vẫn diễn ra mà chưa có các chế tài xử phạt thích đáng.

Thuận lợi là được xã hội và Nhà nước khuyến khích đối với việc chế tạo sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao mang tính đặc thù được chính các nhà khoa học của Trường Cao đăng Nghề Công nghệ cao Hà Nội nghiên cứu, chuyển giao. Đây được coi là công nghệ nguồn được sản xuất trong nước sẽ dễ dàng hơn cho việc thay thế và sửa chữa, giúp khách hàng thuận lợi trong việc chuẩn bị kế hoạch sản xuất của mình.

Giải pháp khắc phục khi triển khai thương mại hóa sản phẩm là tích cực tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghệ cao. Công ty TNHH Thiết bị Gia Hưng cùng với Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội tập trung nghiên cứu, cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất và tự động hóa sản phẩm ở mức tối ưu.

Độc giả Ngọc Diệp (22 tuổi, Thái Bình): Các doanh nghiệp đánh giá như thế nào về các kết quả nghiên cứu của nhà trường? Yếu tố nào khiến họ quyết định bắt tay thương mại hóa các kết quả này? Ông có thể nêu vài ví dụ?

Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh: Ở các nước phát triển, trên 80% các sản phẩm, phát minh sáng chế được thực hiện trong các cơ sở đào tạo. Các sơ sở đào tạo tự nghiên cứu hoặc nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì con số này còn rất khiêm tốn vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó, ít do năng lực nghiên cứu và sản xuất sản phẩm có khả năng thương mại của các cơ sở đào tạo chưa nhiều.

Khi doanh nghiệp biết đến năng lực của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội thì nhiều doanh nghiệp quan tâm tới các ý tưởng, sản phẩm đang được nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm tại trường.Mặc dù, các sản phẩm thử nghiệm chưa thể hoàn thiện, giá thành còn cao nhưng một số doanh nghiệp vẫn bắt tay hợp tác với trường vì họ nhìn thấy tiềm năng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, sinh viên cũng như cơ chế hoạt động của trường.

Ví dụ, Thiết kế chế tạo dây chuyền sản xuất gạch xây không nung, công suất 15 triệu viên/năm cho Công ty Gia Hưng, sản xuất máy phay CNC rounter cho Công ty cổ phần thiết bị Hàng không tại khu công nghiệp Nội Bài, gia công và lắp ráp Tua-bin phát điện bằng sức gió trục đứng công suất 10 kW với số lượng lớn lắp đặt tại Đảo Trần - Quảng Ninh từ 28/6/2017...

ongkhanh1 4

 Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.

Độc giả Quỳnh Thư (28 tuổi - Nghệ An): Hiện nay nhà trường đang có những sản phẩm nào đã thương mại hóa thành công? Điều này đã giúp ích gì cho các sinh viên, giảng viên là tác giả của các công trình này nói riêng và cho nhà trường nói chung?

Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh: Hiện nhà trường đã thực hiện Dự án cấp thành phố Hà Nội: “Thiết kế chế tạo dây chuyền sản xuất gạch xây không nung, công suất 15 triệu/viên/năm; Chế tạo và chuyển giao công nghệ thành công một máy phay CNC rounter cho Công ty cổ phần thiết bị Hàng không tại khu công nghiệp Nội Bài; Gia công và lắp ráp tua-bin phát điện bằng sức gió trục đứng công suất 10 kW với số lượng lớn được lắp đặt tại Đảo Trần - Quảng Ninh từ 28/6/2017;

Hơn 40 đơn hàng với tổng doanh thu đạt khoảng 500.000.000 đồng; Hợp tác với Công ty Proaim Nhật bản lắp đặt vận hành thử nghiệm hệ thống điện năng lượng mặt trời công suất 4,5 kW; Hợp tác với Công ty Wasserkabel Cộng hòa liên bang Đức lắp đặt vận hành thử nghiệm hệ thống điều hòa công nghệ Chiller âm tường công suất 50.000 BTU...

Bên cạnh đó, nhà trường sản xuất được nhiều sản phẩm như mô hình, thiết bị dạy học chất lượng cao đã được nghiên cứu, sản xuất đưa vào phục vụ đào tạo và thương mại; một số sản phẩm đã được chế tạo và đưa ra thị trường như: Máy ép thức ăn dạng viên; Tủ sấy công nghiệp; Đồ gá cắt xoay điều chỉnh vô cấp, Máy phay 3D.

Lợi ích đem lại đó là góp phần bổ sung và thực hành kiến thức cho HSSV, nâng cao kiến thức, kỹ năng, sự say mê, sáng tạo trong học tập và rèn luyện, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học toàn trường. Đồng thời, nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên, khai thác và sử dụng hiệu quả phòng thực hành, thí nghiệm; đem lại nguồn thu cho cán bộ giảng viên và nhà trường....

Độc giả Phan Tuấn (35 tuổi – Hải Phòng): Thưa ông, việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã được nhà trường chú trọng từ khi nào?

Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh: Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà trường luôn xác định công tác nghiên cứu khoa học và sản xuất sản phẩm là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong đào tạo. Từ đó nâng cao uy tín và vị thế của nhà trường xứng tầm với vị thế của Công trình 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học như biên soạn chương trình, giáo trình, phát triển cơ sở vật chất, xây dựng các đề án, dự án phát triển nhà trường, nghiên cứu và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến trong giáo viên và sinh viên, định hướng các sản phẩm của giáo viên, sinh viên là các sản phẩm ứng dụng, phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý, giảng dạy tại nhà trường.

Với cơ sở vật chất đầy đủ, trang thiết bị máy móc hiện đại, đội ngũ cán bộ giáo viên có kiến thức, kỹ năng cùng với đội ngũ sinh viên có kỹ năng nghề, nhà trường đã mạnh dạn nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ vừa phục vụ dạy và học vừa phục vụ thương mại hóa.

giaoluu3

 

13h45: Buổi giao lưu bắt đầu

Hai vị khách mời tham dự chương trình là ông Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Gia Hưng.

Hiện nay, đa số kết quả nghiên cứu ở các trường đại học, cao đẳng…tại Việt Nam mới dừng lại ở những bước đầu tiên (dưới dạng quy trình thử nghiệm hay vật mẫu), các bước tiếp theo từ khâu ươm tạo cho đến chuyển giao ra thị trường đang có độ trễ nhất định.

Xuất phát từ thực tế này, nhóm nghiên cứu đến từ trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, chủ nhiệm dự án là TS. Phạm Xuân Khánh đang triển khai nghiên cứu và thực hiện “Dự án hỗ trợ các hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ trong trường cao đẳng khối ngành kỹ thuật – công nghệ”

Kết quả của dự án này đang được ứng dụng tại một số doanh nghiệp, điển hình là Công ty TNHH Thiết bị Gia Hưng và đã đạt được nhiều tín hiệu tích cực.

Để tìm hiểu rõ hơn về Dự án trên, Báo điện tử VTC News tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Mô hình thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong trường cao đẳng khối ngành kỹ thuật - công nghệ ở Việt Nam”.

Kính mời quý độc giả quan tâm, xin đặt câu hỏi gửi về tòa soạn theo địa chỉ: [email protected].

>>> Đọc thêm: Mô hình thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong các trường cao đẳng khối kỹ thuật – công nghệ ở Việt Nam

Bình luận
vtcnews.vn