Giao lưu trực tuyến: Mô hình thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong các trường cao đẳng khối kỹ thuật – công nghệ ở Việt Nam

Sản phẩmThứ Ba, 13/11/2018 10:08:00 +07:00

Việc thương mại hóa sản phẩm, kết quả nghiên cứu của các trường đại học, cao đẳng khối ngành kỹ thuật – công nghệ ở Việt Nam hiện gặp phải những khó khăn nhất định, do đó cần có một mô hình hiệu quả để giải quyết các vướng mắc giúp sản phẩm, kết quả nghiên cứu của các trường được đưa ra thị trường, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nước nhà.

Đổi mới công nghệ đã thật sự trở thành yếu tố quyết định để duy trì sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển, phải không ngừng cải tiến và đổi mới sản phẩm của mình. Do vậy, việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KHCN của các viện, trường đại học cho doanh nghiệp là yếu tố quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm trong những năm qua để tạo nên sức cạnh tranh và nguồn lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Tuy nhiên, đa số kết quả nghiên cứu ở các trường đại học, cao đẳng,... tại Việt Nam mới dừng lại ở những bước đầu tiên (dưới dạng quy trình thử nghiệm hay vật mẫu), các bước tiếp theo từ khâu ươm tạo cho đến chuyển giao ra thị trường đang có độ trễ nhất định.

Xuất phát từ thực tế này, nhóm nghiên cứu đến từ Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, chủ nhiệm dự án là TS. Phạm Xuân Khánh đang triển khai nghiên cứu và thực hiện “Dự án hỗ trợ các hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ trong trường cao đẳng khối ngành kỹ thuật – công nghệ”.

tin de dan giao luu truc tuyen

 Máy phay 3D là một trong những sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa với giá trị cao của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội nhờ áp dụng kết quả từ “Dự án hỗ trợ các hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ trong trường cao đẳng khối ngành kỹ thuật – công nghệ” (Ảnh: Phan Minh)

Việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu vừa góp phần nâng cao uy tín, chất lượng của các trường cao đẳng khối ngành kỹ thuật – công nghệ, điển hình như Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, vừa mang lại nhiều giá trị tích cực cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung.

Thực tế, tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, “Dự án hỗ trợ các hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ trong trường cao đẳng khối ngành kỹ thuật – công nghệ” đã giúp trường có nhiều sản phẩm, kết quả nghiên cứu được thương mại hóa với giá trị rất cao, như máy phát điện trục đứng, dây chuyền sản xuất gạch không nung, máy in 3D, máy phay 3D…

Hiện nay, kết quả của dự án này đang được ứng dụng tại một số doanh nghiệp, điển hình là Công ty TNHH Thiết bị Gia Hưng và đã đạt được nhiều tín hiệu tích cực.

Để tìm hiểu rõ hơn về “Dự án hỗ trợ các hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ trong trường cao đẳng khối ngành kỹ thuật – công nghệ”– một giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ trong trường cao đẳng khối ngành kỹ thuật – công nghệ ở Việt Nam, Báo điện tử VTC News tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Mô hình thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong trường cao đẳng khối ngành kỹ thuật – công nghệ ở Việt Nam” vào lúc 14h00 chiều ngày 16/11/2018.

Hai vị khách mời tham gia giao lưu: TS. Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Gia Hưng.

Kính mời quý độc giả quan tâm, xin đặt câu hỏi gửi về tòa soạn theo địa chỉ: [email protected].

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn