GIAO LƯU TRỰC TUYẾN: Giải pháp hiệu quả nhằm thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ khối các trường đại học kỹ thuật ở Việt Nam

Khoa học - Công nghệThứ Ba, 23/10/2018 08:56:00 +07:00

Từ 9h sáng 23/10 Báo điện tử VTC News tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến nhằm giới thiệu các giải pháp hiệu quả nhằm thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ khối các trường đại học kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay.

10h20: Kết thúc buổi giao lưu.

12345 14

 Các khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng độc giả VTC News. 

TS. Vũ Tuấn anh cho rằng, đối với các nhà trường, cho đến nay đã từng bước quan tâm đến thương mại hóa nhưng cần nâng cao. Các nhà trường nên xem hoạt động thương mại hóa nói riêng là trọng tâm giúp cho nhà trường trong lộ trình tự chủ đại học (ngoài đạo tạo còn hướng đến nghiên cứu khoa học để có nguồn thu). Các nhà trường nên hiểu đây là hai trụ cột để đại học tự chủ.

Nhà trường cần thay đổi chiến lược đầu tư, cho trang thiết bị nghiên cứu (phòng thí nghiệm, tổ chức lại bộ máy KHCN). Trước đây chỉ coi KHCN là đề tài nhưng nay là thương mại hóa, khởi nghiệp. Học tập chỉ là bước 1. Cần nhận thức, quyết tâm đầu tư cho KHCN, hướng đến các nhà khoa học.

Ngoài ra, các nhà trường cần tạo tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên và giảng viên trẻ bằng cách có thể đưa môn khởi nghiệp thành môn bắt buộc đối với sinh viên khối kỹ thuật. Với doanh nghiệp KHCN, là nơi tạo nguồn cầu lớn nhất về công nghệ, cần phối hợp với các nhà trường, trực tiếp là các nhà khoa học ngay từ khâu nghiên cứu, triển khai để đảm bảo 2 việc: Kết quả nghiên cứu phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp. Lợi ích mang lại đó là dùng được ngay, nhà khoa học và doanh nghiệp có sự gắn kết lâu dài.

Ông Dương Trọng Tấn, Giám đốc Điều hành Công ty AgiLead Global cũng nhấn mạnh thêm, KHCN của nhà trường rất tốt cho doanh nghiệp, doanh nghiệp nên bắt tay sát sao để kết hợp, tận dụng tri thức. Đó như là mỏ vàng đang nằm, sâu trong lòng đất, cần khai thác hiệu quả.

123 16

 TS. Vũ Anh Tuấn và Ông Dương Trọng Tấn. 

Độc giả Hoàng Hùng (24 tuổi – Sơn La): Trước khi ứng dụng giải pháp nghiên cứu của TS. Tuấn Anh, ông đã sử dụng giải pháp nào? Có thể so sánh sự khác biệt với mô mình mới này?

Ông Dương Trọng Tấn: Điểm khác biệt của mô hình này là việc nhấn mạnh sự hợp tác nhiều bên để hiện thực hóa một ý tưởng. Khai thác thế mạnh của mỗi bên để sớm tạo ra sản phẩm được thị trường chấp nhận và xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp. Cơ sở đào tạo là nơi có nhiều tri thức, công nghệ, nhưng có khi lại yếu về khả năng xây dựng sản phẩm, tiếp cận thị trường. Các nhà khoa học không phải ai cũng có khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình. Trong khi đó, khối doanh nghiệp và cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp lại bổ sung những thiếu hụt này.Khi các bên hợp tác theo mô hình spinoff, cơ hội thành công trong thương mại hóa các tri thức từ cơ sở đào tạo sẽ cao hơn đáng kể.

Độc giả Minh Thu (30 tuổi – Phú Quốc): Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông, mô hình nghiên cứu của TS. Tuấn Anh và các cộng sự có cần cải tiến gì thêm để giúp cho việc thương mại hóa sản phẩm được đẩy nhanh hơn?

Ông Dương Trọng Tấn: Tôi nghĩ cần thêm rất nhiều dữ liệu để có những cải tiến hiệu quả. Nhiều vấn đề về luật pháp, sở hữu trí tuệ và cả nhận thức vẫn còn đang rất khó khăn để thúc đẩy sự phát triển mạnh của các spin-off từ trường đại học. Còn nhiều việc phải làm.

Độc giả Hoàng Hùng (38 tuổi – Nghệ An): Tôi được biết Học viện Agile là đơn vị chuyên đào tạo khởi nghiệp và quản lý hiện đại, vậy mô hình này sẽ ứng dụng như thế nào để giúp học viên khởi nghiệp thành công?

Ông Dương Trọng Tấn: Cách đây khoảng 20-30 năm, người ta không dám nói tới một mô hình khởi nghiệp hiệu quả vì nó rất khó, mang tính nghệ thuật cao và rất rủi ro. Nhưng ngày nay đã có nhiều mô hình và phương pháp giúp cho người khởi nghiệp biết đường đi nước bước rõ ràng hơn. Việc hiện thực hóa một ý tưởng để thành một công ty khởi nghiệp đã dễ dàng hơn rất nhiều.

Tại Học viện Agile, chúng tôi cung cấp cho người khởi nghiệp những công cụ và phương pháp để giúp họ có thể đi nhanh hơn và đúng hơn. Chúng tôi đào tạo và huấn luyện các phương pháp như Lean Start-up, Business Model Canvas, Design Thinking, Agile Development. Bên cạnh đó, chúng tôi có những chương trình đào tạo quản lý để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp giải quyết các vấn đề về quản trị, tổ chức trong những giai đoạn tăng trưởng nhanh.

Độc giả Mai Lan (36 tuổi, Hà Nội): Từ kết quả của đề tài này, ông và các cộng sự có đề xuất gì?

TS. Vũ Tuấn Anh: Đề xuất với cơ quan nhà nước, quan trọng nhất là cần phải có chính sách phù hợp trong các lĩnh vực sau sở hữu trí tuệ (bao gồm định giá tài sản, phân chia lợi ích giữa nhà trường, nhà nghiên cứu…); vấn đề liên quan đến công chức, viên chức trong các trường đại học như các nhà khoa học có được tham gia hoạt động trong các doanh nghiệp (ví dụ như sau khi spin-off xong công nghệ, nhà khoa học có được làm chủ doanh nghiệp không…); luật đầu tư có hướng để cho các trường đại học công góp vốn trong việc hình thành doanh nghiệp, phân chia các lợi ích sau khi đầu tư.

Độc giả Vĩnh Tiến (29 tuổi – Bắc Giang): Để tuyên truyền cho khách hàng sử dụng các dịch vụ đào tạo của Công ty AgiLead, các mô hình nghiên cứu của TS. Tuấn Anh có phải là một thế mạnh của doanh nghiệp ông không?

Ông Dương Trọng Tấn: Một trong những điểm rất mạnh của mô hình này là thúc đẩy start-up phải sớm tiếp xúc với khách hàng để kiểm chứng được các giải pháp giá trị. Thông qua các tương tác từ rất sớm với khách hàng, công ty có thể biết được nhu cầu thực sự của khách hàng và xây dựng sản phẩm phù hợp. Các chu trình phản hồi ngắn sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian đi ra thị trường. Điều này giúp gia tăng hiệu quả trong đầu tư nghiên cứu phát triển của chúng tôi.

10 17

 

Độc giả Quỳnh Hương (23 tuổi – Quảng Ninh): Công ty AgiLead có thường xuyên bắt tay với các nhà khoa học ở các trường Đại học để triển khai các kết quả nghiên cứu mới không?

Ông Dương Trọng Tấn: Chúng tôi mới khởi động việc hợp tác với các trường đại học để phát triển kinh doanh. Chúng tôi mới bắt đầu hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Phú Xuân (Huế) và Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Hy vọng thời gian tới, những mối hợp tác này sẽ đi vào chiều sâu, thúc đẩy sự phát triển chung.

Độc giả Dương Hùng (34 tuổi – Bắc Ninh): Được biết, đề tài nghiên cứu của ông đã được chương trình Phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 hỗ trợ, vậy yêu cầu cũng như kỳ vọng của họ về kết quả nghiên cứu này là gì? Sắp tới ông dự kiến triển khai ứng dụng các mô hình này ở những đâu? 

TS. Vũ Tuấn Anh: Đề tài đề xuất các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm KHCN kỹ thuật, trong đó bao gồm các mô hình (phần rất quan trọng còn lại là giải pháp, chính sách của nhà nước, nhà trường cũng như doanh nghiệp). Đấy chính là mục tiêu lớn nhất mà chương trình đặt ra cho đề tài.

Những mô hình này sau khi thử nghiệm sẽ được tiếp tục tổng kết, hoàn thiện và vận dụng vào các trường đại học kỹ thuật. Ngoài các trường đại học, những đơn vị tổ chức các hoạt động tương tự cũng có thể vận dụng mô hình này. Các doanh nghiệp thiên về đào tạo, các trung tâm thiên về nghiên cứu...

8 18

 

Độc giả Nguyễn Trâm (46 tuổi – Hà Nam): Tôi được biết Học viện Công nghệ Sophia đào tạo về cách mạng công nghiệp 4.0, vậy có thể ứng dụng mô hình nghiên cứu nào để phát triển lĩnh vực đào tạo đang được xã hội đặc biệt quan tâm này?

Ông Dương Trọng Tấn: Hiện tại, Sophia mới đang ở giai đoạn thí điểm. Chúng tôi đang tìm kiếm cách thức để rút ngắn thời gian đào tạo các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, IoT để giúp các doanh nghiệp và các nhóm khởi nghiệp có được nhân lực trong các lĩnh vực nóng hổi này. Không chỉ rút ngắn thời gian, chúng tôi còn giúp giảm chi phí đào tạo cho doanh nghiệp.

Chúng tôi kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp khác để xây dựng một mô hình đào tạo tối ưu, vừa học vừa làm, định hướng đầu ra rõ rệt. Đến cuối năm nay, sẽ có khoảng 50-100 lượt người được đào tạo. Đến lúc đó, chúng tôi mới kiểm chứng được tính hiệu quả của mô hình này. Rất may, khi chúng tôi học hỏi các mô hình tương tự ở Mỹ và Đài Loan, nhiều nơi cũng đã có những mô hình tương tự thành công.

Độc giả Ngọc Trâm (29 tuổi – Hà Tĩnh): Mô hình trung tâm ươm tạo và chuyển giao công nghệ thuộc trường đại học mà ông đã nghiên cứu có ưu điểm gì nổi bật so với một số mô hình đang hoạt động ở các trường đại học hiện nay?

TS. Vũ Tuấn Anh: Các trường đại học hiện có mô hình tương đối độc lập so với các bộ phận khác trong nhà trường. Vì vậy, chưa tận dụng được các thế mạnh mà trường đại học có thể mang lại. Mô hình chúng tôi nghiên cứu và đề xuất tập trung để khắc phục hạn chế đó.

Mô hình trung tâm gắn chặt với hoạt động của KHCN của nhà trường, thể hiện về nhân sự, các kết quả công nghệ. Ví dụ, lãnh đạo của trung tâm và bộ phận quản lý KHCN của nhà trường phải tích hợp với nhau. Trung tâm này không chỉ làm việc chuyển giao thông thường (bán ở những nơi cần, mà còn làm cả công tác ươm tạo, đóng vai trò là nơi kết nối các bộ phận nghiên cứu trong nhà trường – phòng lab, trung tâm nghiên cứu… để mà phát triển, hoàn thiện các công nghệ theo yêu cầu của khách hàng. 

Trung tâm tận dụng được tất cả các hạ tầng quan trọng nhất của nhà trường, bao gồm con người (cả nhà khoa học và cựu sinh viên), hạ tầng thông tin (trung tâm thông tin, thư viện, công nghệ thông tin…), cơ sở nghiên cứu. 

13 19

 

Độc giả Đức Hòa (51 tuổi – Khánh Hòa): Ông có thể đánh giá hiệu quả kinh tế mà Mô hình doanh nghiệp phái sinh hàn lâm đem lại cho các trường đại học và doanh nghiệp?

TS. Vũ Tuấn Anh: Mô hình tận dụng được thế mạnh của cả hai bên, tạo ra hiệu quả kinh tế cho mỗi bên. Với các nhà khoa học (nhà trường) thường không có thế mạnh về hoạt động kinh doanh, thiếu khả năng nắm bắt thị trường, hệ giá trị cũng khác.

Vì vậy chỉ có thông qua mô hình này mới đem lại lợi ích cụ thể bằng cách thương mại hóa nó. Nếu thương mại hóa thành công, nhà khoa học và nhà trường có thể giữ cổ phần nhất định trong doanh nghiệp spin-off và thu được lợi nhuận thông qua số cổ phần.

Đối với doanh nghiệp, họ tiệm cận được công nghệ mới có giá trị của trường đại học, không phải bỏ chi phí quá lớn. Đồng thời, khi doanh nghiệp đầu tư vào mô hình Spin-off sẽ có hẳn đội ngũ tư vấn kỹ thuật, công nghệ gần như miễn phí, thu được nhiều lợi nhuận.

Độc giả Quỳnh Như (38 tuổi – Thái Nguyên): Ông có thể đánh giá hiệu quả kinh tế cũng như những lợi ích khác mà công ty đem lại từ việc ứng dụng KHCN mới này?

Ông Dương Trọng Tấn: Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là chúng tôi đã tìm được một mô hình đào tạo hiện đại dựa trên công nghệ giáo dục để giải quyết vấn đề nóng hổi về nhân lực IT hiện nay với quy mô lớn. Có một nghịch lý hiện nay là trong khi gần 24 vạn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp thì các doanh nghiệp IT lại đang thiếu nhân lực cực kỳ trầm trọng, ước tính thiếu khoảng 70.000 nhân sự mỗi năm, theo báo cáo của Vietnamworks.

CodeGym có thể cung cấp hàng nghìn lập trình viên mỗi năm, vừa giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người muốn chuyển nghề, vừa giải quyết nạn thiếu nhân lực trầm trọng trong lĩnh vực IT hiện nay. Nói chung, hiệu quả kinh tế tổng thể mà mô hình CodeGym mang lại là rất lớn.

6 21

 Ông Dương Trọng Tấn trả lời câu hỏi của độc giả.  

Độc giả Nguyễn Hải (26 tuổi – Hà Nội): Tôi được biết công ty ông có ba đơn vị làm dịch vụ đào tạo, vậy đơn vị nào được ông tập trung để ứng dụng mô hình nghiên cứu này?

Ông Dương Trọng Tấn: CodeGym là mô hình được tập trung. Trong năm nay, chúng tôi sẽ triển khai một dự án khác cung cấp các dịch vụ học tập số hóa thông minh cho doanh nghiệp. Dự án này sẽ được tiếp tục vận dụng mô hình nghiên cứu với định hướng spinoff thành công một đơn vị có thể phát triển mạnh trong tương lai.

Độc giả Hải Anh (26 tuổi – Đà Nẵng): Tôi thấy mô hình không gian khởi nghiệp đã xuất hiện khá nhiều tại một số thành phố lớn, vậy mô hình nghiên cứu của ông có gì khác biệt?

TS. Vũ Tuấn Anh: Mô hình này đã được xuất hiện ở nhiều thành phố, đặc biệt là Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng tuy nhiên không gian khởi nghiệp ở các thành phố này là do các doanh nghiệp, hiệp hội đứng ra tổ chức. Vì vậy, thiếu đi yếu tố hỗ trợ của các trường đại học, đối tượng có tiềm năng khởi nghiệp rất lớn là sinh viên của các trường đại học. Mô hình không gian khởi nghiệp ở các trường đại học sẽ tận dụng được: Đội ngũ người huấn luyện (mentor) chính là các thầy giáo, các nhà khoa học có kinh nghiệm từ các trường đại học. Tận dụng được kết nối hạ tầng thông tin, đội ngũ cựu sinh viên khởi nghiệp thành công, khả năng tiếp cận công nghệ của chính nhà trường. Có thể kết nối được các hệ thống phòng Lab, đơn vị nghiên cứu trong nhà trường để tập sự các hướng có thể khởi nghiệp được.

7 22

  TS. Vũ Tuấn Anh trả lời câu hỏi của độc giả. 

Độc giả Đình Anh (41 tuổi – Hà Nội): Hiện nay nhóm nghiên cứu của ông đã cung cấp các mô hình này đến những đối tượng như thế nào? Phản hồi của người dùng về mô hình?

TS. Vũ Tuấn Anh: Hiện nay, mô hình này là mô hình lý thuyết dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài, tuy nhiên, đề tài cũng đã có sự triển khai nhất định trong thực tiễn. Đã có mô hình triển khai trong công ty AgiLead Global, triển khai trong thực tiễn của ĐHQG Hà Nội (mô hình sàn, mô hình trung tâm kết nối cung – cầu). Hiện tại là mới, nhưng cơ bản đã tạo ra được những lợi ích trong việc chưa có mô hình cụ thể. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tổng kết, hoàn thiện mô hình.

Độc giả Nguyễn Dũng (32 tuổi – Thái Bình): Thưa ông, mô hình sàn giao dịch công nghệ online thuộc trường đại học có gì khác biệt so với các website giao dịch công nghệ hiện nay trên thị trường? 

TS. Vũ Tuấn Anh: Mục đích của sàn giao dịch online là nơi giới thiệu các sản phẩm công nghệ của nhà trường đến với khách hàng, doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất với các sàn giao dịch online đại học đó là gắn bó chặt chẽ với hoạt động KHCN của nhà trường, cập nhật được các hoạt động KHCN của nhà trường, tổ chức được các hoạt động ươm, tạo gắn với hoạt động của các phòng thí nghiệm tiên tiến, các hướng nghiên cứu hiện đại. Tận dụng được nguồn nhân lực có trình độ cao trong hoạt động của sàn. Tận dụng được thế mạnh của các trường đại học trong việc huy động nguồn cầu công nghệ, các nguồn tư vấn hỗ trợ, triển khai công nghệ, các lợi ích khác như thông tin công nghệ, cập nhật. 

5 23

 Ông Dương Trọng Tấn, Giám đốc Điều hành Công ty AgiLead Global.  

Độc giả Tuyết Mai (32 tuổi – Quảng Nam): Doanh nghiệp của ông đã triển khai ứng dụng mô hình nghiên cứu của TS. Vũ Tuấn Anh và các cộng sự từ khi nào? Đến nay kết quả đã đạt được là gì?

Ông Dương Trọng Tấn: Từ đầu năm 2017, AgiLead bắt đầu lập dự án tìm kiếm một mô hình đào tạo hiện đại để cung cấp nguồn nhân lực cho ngành IT. Dự án CodeGym được định hướng dựa trên công nghệ giáo dục để có thể triển khai đào tạo ở quy mô lớn với chất lượng cao và tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn.

Sau khoảng 6 tháng nghiên cứu và phát triển, chúng tôi đã thí điểm thành công mô hình đào tạo lập trình viên theo mô hình Coding Bootcamp. Toàn bộ nội dung học tập được số hóa, cơ sở đào tạo kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng chương trình và cùng đào tạo. Chương trình CodeGym có thể giúp cho người học từ chưa biết gì đến chỗ có thể tham gia vào dự án phát triển phần mềm chỉ sau 4 tháng đào tạo lập trình. Đây là một trong những kết quả nổi bật nhất, tạo ra sự khác biệt của CodeGym.Hiện nay, 100% học viên hoàn thành chương trình đào tạo đầy đủ của CodeGym đều có việc làm.

Hiện nay, CodeGym có thể cam kết việc làm cho người học trong khoảng 30 ngày sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. Cuối năm 2017, CodeGym đã spinoffs thành công thành công ty độc lập, thu hút nhà đầu tư để đẩy mạnh phát triển. Đến nay, CodeGym đã có cơ sở tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng. Trong 2-3 năm tới, CodeGym sẽ mở rộng phát triển và hướng tới mục tiêu cung cấp hàng nghìn lập trình viên mỗi năm cho nền công nghiệp.

Cuối năm nay, Agilead sẽ tiếp tục sử dụng phương pháp luận nghiên cứu và phát triển như trên để triển khai một dự án khác trong lĩnh vực giáo dục số.

Độc giả Ngọc Huyền (28 tuổi – Hải Dương): Những khó khăn gì mà ông và các đồng nghiệp đã gặp phải trong quá trình nghiên cứu và cho ra đời các mô hình này? Và cách giải quyết khó khăn đó là gì?

TS. Vũ Tuấn Anh: Khó khăn lớn nhất là thu thập các dữ liệu, số liệu thực tiễn ở Việt Nam để giải thích các thực tiễn ở nước mình. Mô hình về mặt lý luận có thể tham khảo từ các kinh nghiệm quốc tế nhưng cần tìm hiểu thực tiễn ở VN cho phù hợp. Vì công tác thống kê hiện nay đang còn bất cập (chưa đầy đủ, chưa cập nhật, thiếu tính hệ thống). Vì thế, khó đánh giá được thực trạng.Cách giải quyết: Huy động mọi mối quan hệ của cơ quan, cá nhân người triển khai để thu thập được nhiều nhất nguồn thông tin, sử dụng nhiều nguồn cơ sở sẵn có, nhiều kênh khác nhau. Sử dụng mạng lưới đối tác chương trình 2075 (những đơn vị tham gia, các sở ngành có liên quan thu thập nhiều nhất các số liệu) ngoài ra, về mặt kỹ thuật dùng các phương pháp xử lý số liệu hiện đại để giảm thiểu độ sai lệch của thông tin.

Độc giả Thanh Hương (43 tuổi – Hà Nam): Trong các giải pháp mà nhóm nghiên cứu đã đề ra, theo ông, Đại học Quốc gia nên lựa chọn mô hình nào phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay? Và tại sao?

TS. Vũ Tuấn Anh: ĐHQG đương nhiên phải làm, trách nhiệm dẫn dắt hệ thống đại học cả nước. Đó là sứ mệnh, nơi tập trung tinh hoa trí tuệ, một trong những đại học hàng đầu, là nơi hội tụ đủ điều kiện để triển khai các mô hình thương mại hóa sản phẩm KHCN tiên tiến trên thế giới. Vì vậy, nếu nói triển khai mô hình nào, DDHQG Hà Nội có thể thí điểm tất cả các mô hình đề xuất.

Tuy nhiên, ĐHQG sẽ lựa chọn mô hình doanh nghiệp phái sinh hàn lâm. Mô hình kết nối cung – cầu công nghệ để huy động được các tiềm năng trong ĐHQG (bao gồm cả chuyên gia công nghệ, chuyên gia tư vấn về pháp luật, mô hình kinh doanh, truyền thông, thậm chí huy động được cả mạng lưới cựu sinh viên).

4 24

  TS. Vũ Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban KHCN, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Độc giả Hoàng Huy (25 tuổi – TP HCM): Thưa ông, lý do gì khiến ông và nhóm cộng sự quyết định nghiên cứu và cho ra đời Mô hình doanh nghiệp phát sinh hàn lâm? Ông có thể so sánh với 03 mô hình còn lại?

TS. Vũ Tuấn Anh: Trước hết, mô hình phái sinh hàn lâm là mô hình phù hợp với môi trường đại học có định hướng để ứng dụng. Đây là cách thức rất phù hợp để đưa sản phẩm KHCN từ trường đại học nhanh nhất vào thực tiễn cuộc sống. Tất nhiên để triển khai mô hình này đòi hỏi hạ tầng như sở hữu trí tuệ, định giá công nghệ và khả năng hấp thụ công nghệ của nền kinh tế. Mô hình phái sinh hàn lâm là hướng phải đi, tìm đường đi cho phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Mô hình này dù đã được nhắc đến nhiều ở các diễn đàn nhưng ở nước ta còn ít, cần phải triển khai. Với hướng đi này sẽ kết hợp được thị trường, giúp công nghệ, tri thức thương mại hóa nhiều hơn. Điểm giống nhau đều là phương thức chuyển giao đưa công nghệ ra thực tiễn. Khác nhau ở hình thức, ví dụ như sàn giao dịch công nghệ là nơi gặp gỡ cung – cầu.

3 26

  Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh và ông Dương Trọng Tấn bắt đầu nhận câu hỏi của độc giả. 

9h00: Buổi giao lưu bắt đầu

Hai vị khách mời tham gia giao lưu: TS. Vũ Tuấn Anh Phó Trưởng Ban KHCN, Đại học Quốc gia Hà Nội và ông Dương Trọng Tấn, Giám đốc Điều hành Công ty AgiLead Global.

1 27

  Khách mời giao lưu chụp ảnh cùng độc giả VTC News. 

Hiện nay, đa số kết quả nghiên cứu ở các trường đại học kỹ thuật mới dừng lại ở những bước đầu tiên (dưới dạng quy trình thử nghiệm hay vật mẫu), các bước tiếp theo từ khâu ươm tạo cho đến chuyển giao ra thị trường đang có độ trễ nhất định.

Xuất phát từ thực tế này, nhóm nghiên cứu bao gồm các thành viên đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Thái Nguyên, và Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN đã triển khai đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ của khối các trường đại học kỹ thuật ở Việt Nam”.

Đề tài này được lựa chọn tham gia trong Chương trình 2075 nhằm góp phần tăng cường, thúc đẩy đưa các sản phẩm KHCN từ trường đại học vào thực tế. Đây chính là điểm quan trọng nhất, cũng chính là mục tiêu của đề tài, nhằm tìm ra được những giải pháp để thương mại hóa được nhiều nhất các kết quả nghiên cứu của các trường đại học kỹ thuật.

tin-de-dan-giao-luu-truc-tuyen-0013011

 Đa số kết quả nghiên cứu của các trường đại học kỹ thuật mới chỉ dừng lại ở những bước đầu tiên. (Ảnh minh hoạ) 

Trong phạm vi đề tài, nhóm nghiên cứu đề xuất hai nhóm giải pháp:

Thứ nhất, các giải pháp dưới dạng tư vấn chính sách cho các đối tượng bao gồm cơ quan nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp. Trong đó, cơ quan nhà nước đóng vai trò ban hành những cơ chế thương mại hóa sản phẩm công nghệ, trường đại học là đơn vị chủ sở hữu của kết quả nghiên cứu và doanh nghiệp là khách hàng sử dụng các sản phẩm khoa học công nghệ.

Thứ hai, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và các điều kiện thực tiễn của Việt Nam, chúng tôi đề xuất một số những mô hình thương mại hóa sản phẩm KHCN của các trường đại học kỹ thuật. Tuy rằng đây chỉ là mô hình lý thuyết nhưng trong quá trình triển khai đề tài, chúng tôi đã cố gắng vận dụng trong thực tế. Từ triển khai thực tế đó, chúng tôi tiếp tục theo dõi và nếu sau khi kết thúc đề tài, mô hình mang lại hiệu quả tốt thì có thể nhân rộng được ra ở các trường đại học kỹ thuật của Việt Nam.

Ngoài các kết quả dưới dạng giải pháp tư vấn chính sách, hiện tại, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được một số mô hình, bao gồm: Mô hình doanh nghiệp phái sinh hàn lâm (academic spinoffs – tức là khi nhà trường có một sản phẩm KHCN và phối hợp với các đối tác bên ngoài đầu tư thành lập nên một doanh nghiệp kinh doanh dựa trên sản phẩm đó), mô hình trung tâm ươm tạo và chuyển giao công nghệ thuộc trường đại học, mô hình sàn giao dịch công nghệ online thuộc trường đại học và mô hình không gian khởi nghiệp (co-working space).

Trong khung khổ đề xuất của đề tài, những mô hình nói trên đều đi liền với điều kiện thực tiễn của khối trường đại học, nhờ đó có thể tạo nên sự khác biệt với các mô hình thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ hiện có ở nước ta. Chẳng hạn như, mô hình sàn giao dịch công nghệ online đã xuất hiện trong thực tế nhưng mô hình được đề xuất gắn chặt với trường đại học, xuất phát từ chính nhu cầu và điều kiện của nhà trường là điểm khác biệt có thể tạo ra những hiệu quả mới.

Để tìm hiểu rõ hơn về đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ của khối các trường đại học kỹ thuật ở Việt Nam” – một giải pháp hiệu quả nhằm thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ khối các trường đại học kỹ thuật ở Việt Nam, Báo điện tử VTC News tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Giải pháp hiệu quả nhằm thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ khối các trường đại học kỹ thuật ở Việt Nam” vào lúc 9h00 sáng 23/10/2018.

Kính mời quý độc giả quan tâm, xin đặt câu hỏi gửi về tòa soạn theo địa chỉ: [email protected].

Phong Linh-Vy Hà
Bình luận
vtcnews.vn