Chuyện rớt nước mắt về đôi bạn khiếm thính 'bỗng dưng' tuột mất tấm vé đặc cách thi THPT quốc gia

Giáo dụcThứ Sáu, 23/06/2017 10:01:00 +07:00

Không được cấp giấy chứng nhận khuyết tật nặng kịp thời, tấm vé “đặc cách” vượt qua kỳ thi THPT quốc gia bỗng dưng tuột mất khiến Tú và Linh phải bất đắc dĩ tham gia kỳ thi với tâm trạng đầy hoang mang, lo lắng.

Hai thí sinh đặc biệt

Sáng 23/6, tại điểm thi THCS Đoàn Thị Điểm (phường 12, quận 3, TP.HCM), có một đôi bạn đặc biệt luôn song hành cùng nhau, đó là Lê Minh Tú (SN 1993, ngụ quận Bình Thạnh) và Nguyễn Việt Phương Trinh (SN 1994, ngụ quận 1), cả Tú và Linh đều không may mắn bị khiếm thính từ nhỏ, cùng học chung ở Trung tâm Đào tạo người khuyết tật, và thật trùng hợp được bố trí thi chung ở một điểm thi.

Video: Ông Lê Phước Tuyền ấm ức trải lòng về việc con gái không được tạo điều kiện làm giấy chứng nhận khuyết tật nặng kịp thời nên phải đi thi. 

Trong số những cha mẹ chờ con ở ngoài cổng trường, không khó để nhận ra ông Lê Phước Tuyền (50 tuổi, bố của thí sinh Tú) bởi ông bận bộ đồ giản dị, ngồi cô độc trên chiếc xe Wave cũ kỹ. Chốc chốc người cha lại ứa nước mắt, khác hẳn với vẻ rắn rỏi cứng rắn thường nhật của một người đàn ông.

Ông Tuyền nhớ lại, 2 vợ chồng quê ở Quảng Ngãi, năm 1992 thì bén duyên. Để có tiền trang trải cho gia đình, vợ chồng ông khăn gói vào Sài Gòn lập nghiệp. Năm 1993, Tú chào đời trong sự mong mỏi của gia đình.

Khi Tú được 12 tháng tuổi thì được phát hiện chậm phản ứng nghe, nói; được đưa vào Trung tâm Tai – Mũi – Họng khám. Kết quả ghi nhận là Tú bị khiếm thính nặng trên 70 Decibel (đơn vị hàm loga đo thính lực). Ông Tuyền làm công nhân điện tử, còn vợ là bà Lê Thị Bích Nhật (48 tuổi) làm thợ may, thu nhật rất bấp bênh nhưng vẫn cố gắng ôm con đến các bệnh viện lớn để tích cực điều trị nhưng tất cả đều... vô vọng như muối đổ biển.

IMG_8011

 Tú và Linh "nói chuyện" với nhau bằng ký hiệu. (Ảnh: Dương Thương)

Tú bị khiếm thính, hoàn toàn không thể nghe và nói gì nhưng từ nhỏ đã rất ham học. Không nỡ làm rạn vỡ ước mơ của con, vợ chồng ông Tuyền hàng ngày đều chăm chỉ đưa con đến trường Hi Vọng (dành cho người khuyết tật) học chữ. Tất cả các năm học Tú đều vươn lên đạt danh hiệu học sinh giỏi. 

Cũng như Tú, Linh cũng không thể nghe và nói từ khi còn nhỏ. So với gia cảnh của Tú, gia đình Linh có phần khấm khá hơn, được cha mẹ đưa sang tận Singarpore để chữa trị nhưng cũng chẳng thay đổi được gì nhiều. Cho đến nay Linh vẫn đang phải sử dụng máy trợ thính nhưng mười từ họa chăng chỉ nghe được 1, còn lại phải đọc khẩu hình miệng của người đối diện rồi ú ớ trả lời rất khó khăn. 

Bất đắc dĩ phải... đi thi

Ông Tuyền từ buồn rầu chuyển sang ấm ức, kể, Tú và Linh đều cùng học chung một lớp ở Trung tâm đào tạo nghề. Trong lớp, có hết thảy 17 học sinh, thì 13 học sinh đều được tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận khuyết tật nặng, được "đặc cách" không thi tốt nghiệp THPT quốc gia (quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10.4.2012 của Chính phủ về các trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng được miễn thi tốt nghiệp THPT); chỉ ngoại trừ Tú, Linh và 2 bạn khác bị chậm phát triển trí tuệ không được cấp. 

IMG_8016

 Theo diễn tả của ông Tuyền, Linh đang biểu cảm diễn giải đề rất khó. (Ảnh: Dương Thương)

Người cha trình bày: "Khoảng hơn 2 tháng trước, gia đình nhận được thông báo của nhà trường yêu cầu phải có giấy xác nhận khuyết tật nặng để được miễn thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017. Tôi đưa con lên phường 15 (quận Bình Thạnh) trình bày xin giấy giới thiệu để đưa con đến trung tâm giám định Y khoa (TTGĐYK) khám nhưng phường nhất quyết lập hội đồng gồm nhân viên Y tế phường và 2 người khác để giám định, rồi cấp một cái giấy hẹn gần nửa tháng sau lấy kết quả".

"Lúc tôi lên lấy kết quả thì tá hỏa phát hiện giấy chứng nhận của phường cấp chỉ là chứng nhận khuyết tật nhẹ, không đúng với mức độ khuyết tật của con tôi. Tôi khiếu nại thì phường mới cấp giấy giới thiệu cho tôi đưa con đến TTGĐYK (quận 5). Lúc này từ TTGĐYK mới chuyển con tôi xuống BV Tai - Mũi - Họng (quận 3) để đo thính lực; sau đó lại phải quay ngược lại BV Nguyễn Trãi (quận 5) để khám. Khám xong, bố con tôi được cấp một giấy hẹn để quay lại trung tâm sẽ có hội đồng giám định. Sau khi giám định, lại tiếp tục một giấy hẹn trả kết quả".

IMG_8020 3

 Tú và Linh làm được khoảng 30% yêu cầu bài làm. (Ảnh: Dương Thương)

Người cha ấm ức cho hay, ngày Trung tâm giám định Y khoa hẹn trả kết quả lại là ngày 22/6, lúc đó đã là ngày thi THPT quốc gia. Cũng như Tú, gia đình Linh cũng gặp phải cảnh tương tự. 

Quá trễ để nhận tấm vé "đặc cách" miễn thi, Tú và Linh đành phải "bất đắc dĩ" tham dự kỳ thi với tâm trạng đầy hoang mang, lo lắng và thiệt thòi có thừa. 

Khóc suốt buổi vì làm bài không được     

Người cha trải lòng, những năm học ở tường Hi Vọng và Trung tâm đào tạo người khuyết tật, Tú được học chuyên về rèn luyện nghe nói (nghe bằng cách nhìn khẩu hình miệng, nói bằng ngôn ngữ ký hiệu chân tay), nhiều năm liền Tú đều đạt học sinh giỏi. Để có những thành tích đó, ngoài việc học ở lớp, thì Tú phải rất kiên trì học ở nhà, không hiếm những lần Tú thức học bài đến 2 hay 3h sáng.

"Thành tích và kiến thức của nó khá vững so với bạn bè cùng cảnh ngộ, nhưng để thi "cào bằng" với những thí sinh khác thì có lẽ nó chỉ nhận về 2 chữ "thiệt thòi"", cha của Tú nói. 

IMG_8034 4

 Dù chắc chắn sẽ thiệt thòi hơn trong kỳ thi nhưng đôi bạn vẫn luôn nỗ lực và gửi lời chúc đến các bạn khác sẽ có kỳ thi thi tốt. (Ảnh: Dương Thương)

Ông Tuyền kể thêm, buổi sáng đầu tiên thi môn Ngữ Văn, khi Tú ra khỏi cổng trường, vừa nhìn thấy bố Tú đã òa lên khóc nức nở. Hỏi mãi không được, ông Tuyền vội vội vàng vàng mượn giấy bút ghi nghoạch ngoạc "sao thế con? làm bài thế nào?", Tú cầm mảnh giấy đọc xong lại khóc. Đoán được sự tình, ông Tuyền lại nước mắt rưng rưng viết "không sao đâu, thi trượt thì ở nhà năm sau thi tiếp". 

"Nó vẫn khóc, lát sau Linh ra, 2 đứa "nói chuyện" bằng tay với nhau mới dỗ dành nó được. Tôi nhìn chỉ hiểu sơ sơ đại ý cả 2 đứa đều làm không được bài, chắc chỉ làm được 30%. Chiều thi môn Toán, khi ra khỏi phòng thi nó không còn mít ướt nửa nhưng gương mặt buồn rũ rượi. Nó "nói" bằng tay tôi không hiểu được nên lặng lẽ viết vào giấy "khó lắm ba ơi... không làm được". Trên đường chở con về, lòng tôi cũng nặng trĩu..."

Video: Chuyện thật như đùa: thí sinh ngủ quên, giáo viên phải đến tận nhà chở đi thi

Kết thúc buổi sáng thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên, gương mặt sáng và đôi mắt đen láy không thể che được nỗi buồn và thất vọng. Hỏi "làm bài ổn hơn hôm qua không?", Tú lắc đầu không hiểu. Vội xòe mảnh giấy có câu hỏi được viết vội ra, Tú mím môi lắc đầu rồi vội vã viết lại "lại không được, môn nào cũng khó". 

Ngồi bên Tú, Linh tuy có phần lạc quan hơn nhưng cũng nhíu mày lắc đầu khua tay tỏ ý bất lực trước bài thi. Nhìn Tú và Linh tranh luận bằng tay về bài làm, 2 mắt ông Tuyền lại đỏ hoe, ứa nước: "giá như quá trình làm giấy chứng nhận khuyết tật nặng của 2 đứa nó không bị kéo dài thì đâu đến nỗi phải thiệt thòi như bây giờ."

Dương Thương
Bình luận
vtcnews.vn