Vì sao thí sinh đạt điểm cao vẫn trượt đại học năm 2017?

Giáo dụcThứ Bảy, 05/08/2017 17:20:00 +07:00

Lãnh đạo ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng, việc thí sinh kia chưa trúng tuyển nguyện vọng 1 là do em chưa cân nhắc sức lực của mình trong việc chọn ngành, chọn trường để xét tuyển.

Kết thúc đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm chính quy năm 2017 có 170/322 trường đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh. Theo thống kê chưa có trường ngoài công lập nào nằm trong số này.

Tuy nhiên với phương thức xét tuyển không giới hạn nguyện vọng như năm nay, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng, các trường ngoài công lập có thể lạc quan chờ đợt tuyển sinh tiếp theo.

Nguyen manh hung

 PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành.

- Đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ vừa kết thúc, ông đánh giá thế nào về kỳ tuyển sinh này?

Trước khi đánh giá về kỳ xét tuyển, tôi muốn nói về đổi mới trong công tác thi. Năm nay thí sinh được thi tại địa phương tiết kiệm chi phí cho phụ huynh. Bên cạnh đó, với hình thức thi trắc nghiệm và việc điều chỉnh thời gian làm bài cho thí sinh là một yếu tố tích cực và chúng tôi đánh giá cao về điều này.

Cách thức xét tuyển cũng khác so với các năm trước, năm nay mỗi thí sinh được đăng kí nhiều trường, nhiều nguyện vọng khác nhau nhưng chỉ trúng tuyển một trường, giảm tỉ lệ ảo rất lớn, tăng khả năng trúng tuyển vào đại học cho thí sinh.

Mặc dù chưa kết thúc nhưng có thể cho rằng, đây là một kỳ thi, kỳ tuyển sinh rất thành công. Những đổi mới này mang tính tích cực, tạo cơ hội cho trường tuyển sinh cũng như cơ hội trúng tuyển cho học sinh, nằm trong lộ trình đổi mới tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

- Mặt bằng chung điểm thi năm nay khá cao, những trường công lập tuyển sinh khá dễ dàng. Còn trường ngoài công lập, cụ thể tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thanh, việc xét tuyển năm nay diễn ra như thế nào, thưa ông?

Năm nay, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét tuyển theo 2 phương thức là xét điểm thi THPT Quốc gia và xét tuyển học bạ. So với năm trước, lượng hồ sơ đăng kí vào trường tăng nhiều hơn so với các năm, điều này cho thấy những đầu tư của nhà trường về cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên, chăm sóc đời sống sinh viên, tạo việc làm cho sinh viên trong quá trình học và sau tốt nghiệp, được minh chứng cự thể qua con số 95% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp 1 năm.

Đặc biệt,  trong năm 2016, sự nỗ lực của nhà trường đã được ghi nhận bằng việc đạt chuẩn chất lượng quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được tổ chức QS Stars Anh Quốc công nhận đạt chuẩn Quốc tế 3 sao. 

Tuy nhiên do tâm lý của phụ huynh và thí sinh thường ưu tiên chọn trường công lập và nghiêng theo xét tuyển dựa vào điểm thi THPT Quốc gia nên đến thời điểm này, lượng thí sinh đến làm thủ tục nhập học của cả hai phương thức xét tuyển tại ĐH Nguyễn Tất Thành vẫn còn chậm.

Việc các thí sinh năm nay có điểm cao dẫn tới điểm chuẩn của các trường năm nay cao hơn so với năm trước. Điều này cũng có một số khó khăn vì đây là lần đầu tiên áp dụng phương thức tuyển sinh mới nên chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phân bổ chỉ tiêu cho các phương thức.

Video: Điểm chuẩn của nhiều trường lên tới 30,5 điểm

- Trong đợt xét tuyển đầu tiên năm 2017 có hiện tượng một số thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi, rớt nguyện vọng 1 không đồng nghĩa với rớt đại học vì các em có thể xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào trường khác.

Tôi cũng cho rằng, việc thí sinh kia chưa trúng tuyển nguyện vọng 1 là do em chưa cân nhắc sức lực của mình trong việc chọn ngành, chọn trường để xét tuyển vì rõ ràng trừ các em được cộng điểm ưu tiên thì vẫn có rất nhiều thí sinh khác đạt điểm cao và trúng tuyển.

Nhằm khuyến khích và hỗ trợ cho học sinh vùng sâu, vùng xa có cơ hội học tập nhà nước đã thực hiện rất nhiều chính sách xã hội trong đó có việc cộng điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh xét tuyển vào đại học.

Thế nên, việc có thí sinh khác thấp điểm hơn thí sinh này nhưng vẫn đậu vào ĐH vì nhờ được cộng điểm ưu tiên là nằm trong quy định và chính sách của nhà nước. Nhà nước tạo điều kiện cho các em khu vực vùng sâu vùng xa được học đại học cũng vì mong muốn các em sẽ dùng kiến thức mình học được để phát triển địa phương nơi mình sinh sống.

- Ông có lời khuyên nào dành cho các thí sinh điểm cao bị trượt đại học trong đợt 1 này?

Các thí sinh chưa trúng tuyển khi xét tuyển đợt 1 vẫn còn cơ hội ở nguyện vọng bổ sung, tuy nhiên chỉ tiêu này không nhiều do đó thí sinh cần cân nhắc và tìm hiểu kĩ thông tin trước khi lựa chọn đăng kí.

Bên cạnh đó, một số trường ĐH cũng xét tuyển bằng học bạ, các thí sinh có thể sử dụng phương thức này để bước vào đại học. Nếu thí sinh nào không trúng tuyển đợt 1 thì có thể xét nguyện vọng bổ sung đợt 2, vẫn còn rất nhiều cơ hội dành cho các em, chỉ là các em có quyết tâm theo đuổi ước mơ đại học không.

Do không trúng tuyển đợt 1 nên các thí sinh sẽ có tâm lý vội vàng, vì thế khi nộp hồ sơ xét tuyển đợt 2 các thí sinh cần phải tham khảo và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra lựa chọn về ngành và trường học cho phù hợp.

Các em cần phải tính đến số lượng chỉ tiêu, điểm xét tuyển, các tiêu chí phụ, tham khảo các ý kiến của các chuyên gia hoặc liên hệ với các trung tâm tư vấn tuyển sinh của trường mình đăng kí xét tuyển để được tư vấn.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn