Tự ý in giáo trình 'đường lưỡi bò' khi nhà xuất bản chưa đồng ý: Trường dạy sách lậu

Giáo dụcThứ Ba, 05/11/2019 16:29:00 +07:00

Theo luật sư, Đại học Kinh doanh và Công nghệ tự ý sử dụng sách nước ngoài làm giáo trình mà chưa được đồng ý của nhà xuất bản là vi phạm pháp luật.

Không chỉ thừa nhận sai sót khi để giáo trình có bản đồ "đường lưỡi bò" dạy sinh viên, bà Đào Thùy Hằng, Phó Chủ nhiệm khoa tiếng Trung - Nhật còn cho biết, trường không đủ kinh phí để mua bản quyền giáo án của nhà xuất bản ở Trung Quốc, nên hầu hết sách sử dụng là bản photocopy. Sinh viên của trường đều mua sách tại trung tâm phát hành của trường với giá 30.000 đồng/cuốn.

Nhận định về vấn đề này, luật sư Quốc Trị, Văn phòng luật và tư vấn pháp lý Quốc Bảo (Hà Nội) cho rằng, dù ở phạm vi trong nhà trường (hay ngoài thị trường), nếu muốn phát hành sách nhập khẩu có nguồn gốc nước ngoài, yêu cầu phải có đủ các giấy tờ ký kết thỏa thuận giữa quyền tác giả hoặc nhà xuất bản đại diện với nhà trường. Khi đó, trường mới có đủ thẩm quyền photocopy và kinh doanh tài liệu trên. 

"Đại học Kinh doanh và Công nghệ quá cẩu thả, thiếu trách nhiệm khi chưa xin phép, tự ý làm giáo trình chính", ông Trị nói.

74471166_2333849843409303_5038581050112999424_n

Chưa được sự đồng ý của nhà xuất bản nhưng sách vẫn được đưa vào giảng dạy và photo cho sinh viên học. (Ảnh: Anh Thư)

Theo quy định sách nước ngoài về Việt Nam muốn nhân bản, phát hành phải thông qua nhà xuất bản và được sự cho phép của Cục xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông. Với tài liệu chuyên ngành sử dụng làm giáo trình giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng cũng phải được sự đồng ý từ chính tác giả hoặc nhà xuất bản ban đầu.

Luật sư Trị cho rằng, việc nhà trường biện hộ do không đủ kinh phí để xin nhà xuất bản gốc cấp phép là không chuyên nghiệp và rõ ràng đó là "sách lậu". Thậm chí trường vi phạm cả về Luật sở hữu trí tuệ; giả sử phía nhà xuất bản của Trung Quốc kiện ngược lại, thì là vấn đề lớn và không đơn giản.

Do đó vị luật sư nhận định, hành vi "lậu sách" của khoa tiếng Trung- Nhật là trái quy định pháp luật và chắc chắn sẽ được xử lý triệt để. "Tình trạng sách photocoppy bán tràn lan, chẳng khác nào giết chết công trình trí não của tác giả và cuốn sách gốc. Qua sự việc lần này chúng ta cần nhìn nhận lại vấn nạn sách lậu mặc nhiên tồn tại ở rất nhiều trường đại học, cao đẳng hiện nay", ông Trị nói.

GS.TS Nhà sử học Nguyễn Thừa Hỷ lên án việc sử dụng sách trái quy định trên của Đại học Kinh doanh và Công nghệ khi chưa được sự đồng ý của tác giả và nhà xuất bản. Việc lưu hành những cuốn sách photocopy hay còn gọi là "sách lậu" có thể bị kiện rất nặng về mặt tác quyền và đền bù thiệt hại tài chính rất lớn.

Nói thêm về "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn", nhà sử học cho hay là do Trung Quốc ngang nhiên vạch ra, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Tòa Trọng tài quốc tế tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".

Như vậy, trường này để lưu hành các loại tài liệu, sách, ấn phẩm có hình ‘đường lưỡi bò’ tuyệt đối không chấp nhận. Cần lập tức thu hồi, tiêu hủy những thông tin sai trái trước khi nó đến với đông đảo người dùng.

sinhvien

Sinh viên mang nộp giáo trình có in "đường lưỡi bò" lên văn phòng của khoa tiếng Trung - Nhật (Đại học Kinh doanh và Công nghệ). (Ảnh: Anh Thư) 

Trường cần thẳng thắn nhận trách nhiệm

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, sự việc để lọt hình ảnh ‘đường lưỡi bò’ là sự cẩu thả, tắc trách của các nhà quản lý, trực tiếp là Ban giám hiệu Đại học Kinh doanh và Công nghệ. Mặt khác, việc photocopy nhưng chưa có sự đồng ý của nhà xuất bản gốc không những sai trái về mặt pháp luật; mà còn sai cả về mặt học thuật và đạo đức của người làm nghề.

Theo PGS Nhĩ việc làm trước mắt là trường cần thu hồi lại toàn bộ số sách đã in và bán cho sinh viên; không được phép để bất kỳ giáo trình, dù chỉ là một trang giấy sai quy định lưu hành và tồn tại.

Nhà trường cần thẳng thắn xin lỗi, nhận trách nhiệm và báo cáo sự việc với Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan liên quan có hướng giải quyết hợp lý, không để lại hậu quả nghiêm trọng.

Theo thống kê, Trung tâm phát hành sách của Đại học Kinh doanh và Công nghệ in 716 cuốn, còn lại là sách photocopy. Quá trình thu hồi các giáo trình có in hình "đường lưỡi bò" phi pháp này được thực hiện từ tuần trước. Tính đến chiều 4/11 số lượng sách thu hồi lên đến gần 1.000 cuốn; khoa này buộc phải hoàn thành việc thu hồi này trước ngày 20/11/2019.

Video: ThS. Đào Thị Thúy Hằng, Phó chủ nhiệm Khoa tiếng Trung - Nhật nhận sai sót khi để giáo trình lọt 'đường lưỡi bò'

Theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Điều 24. Vi phạm quy định về hoạt động in ấn

7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) In xuất bản phẩm không có quyết định từ nhà xuất bản hay sự đồng ý của tác giả;

b) In tài liệu kinh doanh không có giấy phép xuất bản;

c) In gia công xuất bản phẩm, sản phẩm không phải là xuất bản phẩm cho nước ngoài không có giấy phép in gia công.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn