Từ bán vé số dạo, chàng trai 9X trồng thành công dược liệu quý

Giáo dụcThứ Ba, 05/08/2014 04:38:00 +07:00

Cuộc sống khó khăn cùng cực của gia đình luôn thôi thúc chàng trai 9X, Ngô Kim Lai làm một điều gì đó mang tính đột phá để có thể giúp gia đình thoát nghèo.

Cuộc sống khó khăn cùng cực của gia đình luôn thôi thúc chàng trai 9X, Ngô Kim Lai làm một điều gì đó mang tính đột phá để có thể giúp gia đình thoát nghèo.

Và chàng trai 23 tuổi từng có thời gian dài đi bán vé số dạo này đã trở thành người đầu tiên đăng k‎ý bản quyền cho quy trình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo ở Việt Nam.

Ngô Kim Lai
Chàng trai 9X Ngô Văn Lai. (Ảnh: Lưu Văn Đạt/Vietnam+). 
Có nghị lực nhờ bán vé số dạo

Trò chuyện với phóng viên, Lai không hề tỏ ra xấu hổ hay tuổi thân khi em phải ra đời kiếm sống lúc mới lên lớp hai. Ngược lại, Lai nghĩ rằng nhờ khoảng thời gian 8 năm đi bán vé số mà em mới đủ nghị lực để nghiên cứu thành công phương pháp nuôi trồng loại dược liệu quý giá này, điều mà ngay cả nhiều cơ sở quy mô lớn ở Việt Nam cũng chưa làm được.

Chàng sinh viên (đang chờ nhận bằng tốt nghiệp) của trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh được sinh ra trong một gia đình không mấy khó khăn ở một vùng quê thuộc tỉnh miền trung Phú Yên, nhưng không may cha của em lại dính vào bài bạc.

Mẹ Lai kể, nhiều lúc cha em mang về rất nhiều vàng. Nhưng không lâu sau đó, ruộng vườn, tài sản của gia đình lần lượt đội nón ra đi theo niềm đam mê bài bạc.

Kinh tế gia đình vốn khó khăn càng trở nên thê lương hơn sau một mùa tôm sú. Gia đình em dồn hết tiền đầu tư nuôi tôm sú theo phong trào trong xóm. Vì trước đó, gần như nhà nào cũng trở nên khấm khá từ việc nuôi tôm. Dịch bệnh xảy ra, gia đình em cùng với nhiều gia đình khác trong xóm mất trắng và mẹ em phải bán hết tài sản để trang trải nợ nần.

Lúc đó, vừa lên lớp 2, Lai phải vào Thành phố Hồ Chí Minh lãnh vé số đi bán khi đến dịp nghỉ hè. Tối về em ngủ trọ tại nhà của chủ đại lý vé số. Tiền kiếm được đủ để em mua sách vở, quần áo cho năm học mới, phần tiền còn dư em phụ mẹ.

Một ngày đi bán vé số của em bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng. Em đi bán đến 12 giờ trưa rồi ăn cơm 30 phút, sau đó đi bán tiếp đến 4 giờ chiều. Sau khi ăn cơm chiều xong, em phải tiếp tục đi bán đến 12 giờ hay 1 giờ đêm mới về phòng trọ ngủ. Thương mẹ, em phải làm như vậy ròng rã suốt 8 năm trời.

Lai chính thức ngừng bán vé số và làm gia sư khi tình cờ tìm được mối dạy kèm cho các em nhỏ trong xóm. Ban đầu Lai chỉ muốn giúp các em hiểu bài, nhưng sau đó do phát hiện mình có khả năng truyền đạt tốt và lúc đó có phụ huynh đề nghị em làm gia sư, em nhận lời ngay.

Lai tự hào cho biết đến bây giờ học trò của em có trên cả trăm người. Ngay cả khi em bận rộn với việc học đại học và nghiên cứu đông trùng hạ thảo, Lai vẫn tiếp tục đi dạy kèm cho học sinh phổ thông.

Cách đây 5 năm, em cùng mẹ vào Thành phố Hồ Chí Minh kiếm sống. Mẹ em đi làm thuê ở các quán cơm để kiếm tiền phụ em ăn học. Có lẽ, do lăn lộn với cuộc sống nhiều nên trong cách giao thiệp và ngoại hình, Lai già dặn nhiều hơn so với các bạn cùng trang lứa.

Lai không muốn nói nhiều về cha mình. Dù cha em không làm tròn trách nhiệm của người cha, nhưng em không giận cha. Em nghĩ mọi chuyện xảy ra đều do số phận.

Ngô Kim Lai
Sản phẩm của Lai. (Ảnh do nhân vật cung cấp). 
Quyết định táo bạo

Với những thành quả có được hiện tại, em không hề hối hận khi đã tự ý đưa ra quyết định bỏ học và thi lại vào ngành công nghệ sinh học của Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cách đây 4 năm. Lai tâm sự em thích nấu ăn và tâm lý học, nhưng do khi đó gia đình không ai ủng hộ mà làm con làm cháu thì sao dám cãi lời…

Lúc mới vào học, Lai nghe nói loáng thoáng về đông trùng hạ thảo nhưng không biết rốt cuộc nó là cái gì. Lúc đó chàng sinh viên năm nhất nghĩ chắc nó cũng giống như nhân sâm thôi. Em lên mạng tìm tài liệu nói về loại dược liệu quý này. Sau khi có thông tin về đông trùng hạ thảo và biết giá bán của loại nấm này mọc ngoài tự nhiên là trên 1 tỷ đồng một ký, em khao khát một ngày nào đó em có thể trồng được nó.

"Có lẽ vì lúc đó em ngây ngô nên mới dám bắt tay vào nghiên cứu, chứ như bây giờ chắc em không dám làm. Lúc đó ai cũng chửi em khùng. Có căn phòng trọ để ngủ mà em đâu có ngủ. Em ra hành lang ngủ. Bên trong để dành làm phòng thí nghiệm cấy nấm."

Khi bắt đầu mọi việc, Lai cũng có chút tự tin vì trước khi nghiên cứu về đông trùng hạ thảo, em đã nghiên cứu làm nấm bào ngư, rồi nấm linh chi. Vì theo Lai, 60-70 % quy trình nuôi trồng nấm đều giống nhau.

Thử thách đầu tiên là làm sao tìm ra nấm giống. Lai phải lang thang đến hơn 20 cửa hàng để tìm mua, nhưng hầu hết đông trùng hạ được bày bán ở Việt Nam đều là hàng giả.

Không còn hy vọng mua được giống nấm từ trong nước, Lai mới nghĩ đến việc tìm mua giống ở nước ngoài. Em sử dụng hết vốn liếng ngoại ngữ mà mình có được cộng với... Google Translation để lên mạng trò chuyện với những người nuôi nấm ở Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan và nhờ mua giống.

Cuối cùng em cũng tìm được mối bán hàng rẻ, chất lượng ở một ngân hàng chủng vi sinh của Nhật, với giá 245 USD/chủng giống nấm.

Lai liền gửi vài người bạn mà em quen trên Facebook mua giùm, nhưng họ lấy tiền rồi... biến mất. Không còn cách nào khác, Lai phải vay thêm tiền rồi tiếp tục gửi người khác mua tiếp với niềm hy vọng rồi sẽ gặp người tốt. Đến lần thứ 6-7, người mua giùm gửi về cho cậu được hai chủng giống.

Hiện tại, Lai đã tìm ra một phương cách khác để sục khí oxy cho chủng nấm sống. Nhớ lại những ngày đầu tiên cách đây 3 năm, hầu như lúc nào em cũng cầm chai và… lắc để cho chủng nấm có đủ oxy. Cứ thế, lắc trong một tuần, khi chủng giống bắt đầu lan tơ, mọc rễ, rồi những chồi nấm đầu tiên bắt đầu mọc cây, Lai mừng trào nước mắt. Nhưng đó chỉ là thành công bước đầu.

Không có tiền mua thiết bị cho phòng thí nghiệm tự chế của mình, Lai tận dụng vỏ chai nước biển, những vật dụng linh tinh khác để trang bị cho phòng thí nghiệm.

Sau đó, em dành thời gian miệt mài trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu tìm ra môi trường hỗn hợp giá thể nuôi sống nấm đông trùng hạ thảo. Ở ngoài tự nhiên, loài nấm này sống ký sinh trên một loài sâu chuyên biệt. Nhiệm vụ của em là làm sao phải tạo ra môi trường tương tự để nuôi sống loài nấm này.

Em phải tìm hiểu từng thành phần dinh dưỡng có trong con sâu mà nấm đông trùng hạ thảo có thể ký sinh rồi đi tìm mua từng thành phần giống y như vậy về nghiên cứu ra giá thể nhân tạo. Làm ra giá thể xong rồi thất bại. Em phải làm lại cái khác. Em phải làm đi làm lại trên 1.000 lần ròng rã trong hơn một năm như thế, em mới thành công.

Ngô Kim Lai

Mới đây, Lai vừa thu hoạch một mẻ nấm đông trùng hạ thảo đầu tiên, hiện đang trong quá trình sấy khô, đóng gói. Và sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo mang thương hiệu Kim Lai sẽ sớm được tung ra thị trường trong nửa tháng tới với giá 100 triệu đồng/kg.

Lai khiêm tốn nói: "Em không dám nhận mình là người Việt Nam đầu tiên nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo vì trong khoa học hiếm có cái gì là đầu tiên, bản thân em nếu như khi chưa được báo chí biết đến thì cũng không ai nghĩ rằng em đã nuôi trồng thành công từ năm 2011, nhưng khi ấy em chưa đủ sức để phát triển đến quy mô công nghiệp và thương mại hóa nó."

Bây giờ cũng có rất nhiều viện, các trường đại học, các tổ chức khoa học miệt mài nghiên cứu và có thể họ đã làm ra nhưng vẫn đang ở mức quy mô phòng thí nghiệm nhưng Lai đã là người đầu tiên đăng k‎ý bản quyền cho quy trình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo ở Việt Nam hồi năm trước và đã nhận được bằng chứng nhận.

Theo VietNamPlus

Bình luận
vtcnews.vn