'Tôi không muốn nghe lời ca não nùng, ai oán và cảm thương nhà giáo'

Giáo dụcThứ Ba, 20/11/2018 15:16:00 +07:00

"Tôi không muốn nghe những lời ca não nùng, ai oán và cảm thương nhà giáo; tôi không muốn sự bi lụy như cầu mong ai đó rủ lòng thương với gian truân vất vả với nghề mình", Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ.

Tại lễ kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam diễn ra sáng 20/11, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - GS Nguyễn Văn Minh - gửi lời chúc mừng đến thế hệ thầy cô giáo, đồng nghiệp và sinh viên nhà trường ở mọi miền. GS Minh cũng gửi gắm những chia sẻ tới các đồng nghiệp là giáo viên của mình.

“Tôi không muốn nghe những lời não nùng, ai oán và cảm thương nhà giáo”

Rất đông các thế hệ cán bộ, giảng viên có mặt.  

GS Minh cho biết không muốn ví nhà giáo như "thân phận người lái đò". “Tôi muốn chính họ là người đi khai mở trí tuệ và tâm hồn cho con người thời đại để đi ra với biển cả nhưng vẫn nhớ mùi rơm thơm trên đồng đất quê mẹ.

Tôi không muốn nghe những lời ca não nùng, ai oán và cảm thương nhà giáo. Tôi không muốn sự bi lụy như cầu mong ai đó rủ lòng thương với gian truân vất vả với nghề mình. Tôi không muốn chúng ta và đồng nghiệp nương nhờ vào lòng từ thiện và sự hảo tâm của của cộng đồng xã hội. Chúng ta phải chính là chúng ta, những người làm nghề chân chính, trách nhiệm và được tôn trọng chính đáng”, GS Minh bày tỏ.

“Tôi không muốn nghe những lời não nùng, ai oán và cảm thương nhà giáo”

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ tại buổi lễ 

GS Minh muốn các đồng nghiệp nhìn rõ hơn về bổn phận, trách nhiệm và thiên chức của nhà giáo: “Đừng nghĩ chúng ta sẽ dạy cho con người thông minh, đó là ảo tưởng. Chúng ta chỉ có thể đánh thức, khơi dậy những gì tiềm ẩn trong họ và tự họ vươn lên, kể cả lòng trắc ẩn để lan tỏa vị tha và tình yêu thương đồng loại.

Chúng ta đã đi qua những năm tháng thiếu cái ăn, thiếu cái mặc, trong khó khăn đó, nhiều khi ta chú ý nhiều hơn để dạy cho con người phải biết kiếm sống, biết làm giàu. Điều đó rất cần thiết nhưng thiên chức lớn lao hơn của giáo dục là dẫn lối tâm hồn và hướng con người sống như thế nào mới là mục tiêu cao cả”.

GS Minh cho rằng người giáo viên đừng quá thần tượng hóa về thiết bị và cũng đừng bị mê hoặc bởi cơn bão công nghệ. “Chúng ta cần nó, chúng ta phải chiếm lĩnh nó, chúng ta dùng nó cho mục đích chính đáng; nhưng đó không phải là đích cuối cùng. Hãy dành những khoảnh khắc thật tỉnh táo để nhận diện và không bị choáng ngợp, run sợ trước mê cung của công nghệ, để biết rằng đó vẫn chỉ là phương tiện phục vụ cho mục đích cao cả hơn, nâng niu giá trị tâm hồn”, ông nhấn mạnh.

“Robot không thể có tâm hồn đúng nghĩa, có chăng thì đó là những mảnh ghép vô hồn của những tư duy logic của trí tuệ con người sắp đặt cho nó, không phải gốc rễ từ con tim. Làm sao so sánh mạch điện của robot với mạch máu con người được. Ai sẽ khơi lên những khát vọng tâm hồn, nhóm lên trong trong trái tim tình yêu thương đồng loại, ai dấy lên khát vọng chinh phục tương lai vì những điều cao cả, nếu không phải là người thầy?”.

“Tôi không muốn nghe những lời não nùng, ai oán và cảm thương nhà giáo”

 "Nhà giáo đừng làm người lái đò bên sông vắng, hãy là người dẫn đường của tâm hồn và trí tuệ cho thế hệ tương lai" 

Theo GS Minh, có một sự nhầm lẫn đáng tiếc và nghiễm nhiên như sự thừa nhận của không ít người, đó là để quy luật thị trường chi phối quá ngưỡng trong giáo dục. “Người học và người dạy, tức quan hệ trò – thầy không giản đơn là mua bán tri thức. Sâu xa của nó là nhân cách và hình thành nhân cách. Điều này tiền không mua được”.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng đừng để tri thức chiếm hết bộ não của con người mà hãy để một khoảng trống giúp mỗi người còn biết suy tư, trăn trở và nuôi dưỡng những giấc mơ.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, GS Minh cũng bày tỏ mong muốn “những chủ nhân của một mái trường sư phạm lớn” hãy hành động đúng nghĩa với người thầy thời hiện đại, chăm chút và bồi đắp tâm hồn cao đẹp cho thế hệ tương lai để họ có bệ phóng, trí tuệ thăng hoa chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức.

“Đừng làm người lái đò bên sông vắng, hãy là người dẫn đường của tâm hồn và trí tuệ cho thế hệ tương lai”, ông nhắn nhủ.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn