Thi THPT Quốc gia 2018: Ôn luyện môn Văn thế nào trong thời gian ‘nước rút’

Giáo dụcThứ Ba, 19/06/2018 12:08:00 +07:00

Th.s Phan Trắc Thúc Định chia sẻ cách ôn luyện môn Văn trong tuần cuối cùng để đạt điểm cao kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Tuần học cuối cùng đối diện với kỳ thi THPT Quốc gia 2018, rất nhiều bạn học sinh (học sinh) rơi vào trạng thái hoang mang, chán nản, tỏ rõ áp lực, âu lo không rõ mình đã ôn bài đủ chưa, có nên học tủ, đoán đề hay không?

Trong kỳ thi đại học năm nay, chỉ duy nhất môn Ngữ Văn là môn tự luận – thời gian 120 phút. Đề bài thi có sự so sánh liên hệ với kiến thức của lớp 11 nên càng khiến cho nhiều bạn học sinh hoang mang hơn.

Thầy giáo trẻ Th.s Phan Trắc Thúc Định - người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và chấm thi THPT Quốc gia đã có những chia sẻ giúp thí sinh ôn luyện tốt môn Văn trong thời gian “nước rút”.

35518013_1933382600285979_1810096099835248640_n 3

 Thầy giáo Th.s Phan Trắc Thúc Định.

Có kế hoạch học tập, sắp xếp thời gian biểu hợp lý để ôn học:

Học sinh nên hệ thống toàn bộ kiến thức của môn học thành các bảng – sơ đồ tư duy xem mình còn chưa nắm vững phần nào để có ý thức ôn luyện lại. học sinh nên chia thành từng mảng cụ thể và xếp theo thời gian biểu từng phần - ứng với từng ngày, từng giờ để có chiến lược ôn thi hiệu quả nhất.

Ví dụ học sinh có thể chia môn Văn thành 3 mảng kiến thức lớn: các dạng câu đọc hiểu; các dạng câu nghị luận xã hội; phần nghị luận văn học.

Tuy nhiên, học sinh nên chú ý trọng tâm những phần chính nhất để xem xét kỹ như: các dạng câu hỏi hay xuất hiện với đề đọc hiểu; công thức viết với đoạn văn khoảng 200 chữ; nắm chắc cách viết với dạng đề cảm nhận, so sánh, liên hệ của câu Nghị  luận văn học.

Đặc biệt, học sinh nên hệ thống các phần kiến thức chủ đề có thể ôn luyện so sánh liên hệ của lớp 12 với lớp 11 như:  chủ đề thân phận con người; chủ đề người lính, kháng chiến, chủ đề tình yêu thiên nhiên; nỗi nhớ tình yêu; mỗi quan hệ giữa nghệ thuật -  cuộc sống; vai trò của người nghệ sĩ...

Từ mỗi mảng chủ đề ấy, học sinh có ý thức hệ thống kiến thức đối sánh các tác phẩm với nhau trên các phương diện nội dung, nghệ thuật, tư tưởng... để có thể hệ thống kiến thức liên hệ so sánh phù hợp. học sinh nên bám theo các dạng câu hỏi trong đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT và không lan man theo các dạng câu hỏi “lạ”; tránh học dàn trải, rất dễ gây tâm lý khủng hoảng – “tẩu hỏa nhập ma” trong giai đoạn cuối này.

Không học tủ, học vẹt, đoán đề:

Đề thi môn Ngữ văn THPT những năm gần đây nhằm kiểm tra hai năng lực tiếp nhận và tạo lập văn bản; yêu cầu người học phải biết phân tích, suy luận và vận dụng. Vậy việc ôn tập và làm theo lối văn mẫu, chép nguyên lại bài giảng là không có hiệu quả.

Ở phần Đọc hiểu, học sinh sẽ được tiếp cận với một văn bản chưa được học hoặc không có trong sách giáo khoa.

Câu Nghị luận xã hội cũng được tích hợp với ngữ liệu của phần Đọc hiểu – nội dung thường là trình bày suy nghĩ về ý kiến nêu trong văn bản Đọc hiểu hoặc trình bày suy nghĩ về vấn đề chính mà văn bản đề cập tới.

Do vậy, học sinh không thể học tủ, học vẹt. Với câu nghị luận văn học, đề thi có tính tích hợp, liên hệ giữa các tác phẩm lớp 12 với lớp 11. Do vậy, học sinh không thể làm bài theo thói quen cứ nghe tên tác giả, tác phẩm quen thuộc là trình bày tất cả những gì mình biết về tác giả, tác phẩm ấy cho được nhiều trang... Cách ôn thi và làm bài thi như vậy không còn phù hợp.

Học sinh cần liên hệ, mở rộng, so sánh, đánh giá, luận giải vấn đề dựa trên kiến thức hiểu biết của bản thân mới đạt điểm cao.

Một lỗi nữa mà đa phần trong quá trình ôn luyện học sinh mắc phải là đoán đề - cho rằng đề thi, bài thi đã ra năm trước thì năm sau không rơi vào nữa. Đây là một nhận định sai lầm, chủ quan. Đề thi có thể lặp lại các tác phẩm đã thi ở các dạng câu hỏi khác nhau, khía cạnh khác nhau...

Vậy với cách ra đề đổi mới như hiện nay thì việc học tủ, học vẹt không còn phù hợp. Học sinh nên chủ động ôn luyện thật kỹ, tham khảo các đề thi và đáp án đổi mới.

Rèn kỹ năng luyện viết, giải đề, trình bày diễn đạt:

Để đạt điểm cao môn Văn, ngoài việc chuẩn bị đầy đủ kiến thức, việc rèn luyện kỹ năng diễn đạt, trình bày, trả lời câu hỏi cũng rất quan trọng.

Do vậy, giai đoạn cuối này, học sinh nên chọn và luyện một số đề cơ bản, luyện cách trình bày diễn đạt, nhờ thầy cô giảng dạy nhận xét góp ý, khắc phục việc viết lan man, dài dòng, không trọng tâm câu hỏi....

Bài thi môn Văn càng trình bày rõ ràng, rành mạch, sạch đẹp thì càng tốt; dễ gây thiện cảm tốt với người chấm thi.

Chuẩn bị tâm lý và tinh thần để thi thật tốt:

Càng đến gần ngày thi tâm lý chung của học sinh là áp lực, hoang mang nhưng cũng có nhiều bạn rất tự tin và chủ động.

Dù thế nào thì việc chuẩn bị đầy đủ cả về vật chất, thể chất sức khỏe và tinh thần sẽ quyết định các em làm bài thi tốt hay không.

Do vậy, thầy khuyên các bạn không nên tự tạo cho mình áp lực quá mà nên có thời gian nghỉ ngơi ăn uống điều độ; có thời gian thư giãn, gặp gỡ bạn bè, thầy cô, người thân để giải tỏa những stress căng thẳng.

Thầy Phan Trắc Thúc Định:

- Tốt nghiệp loại Giỏi ngành Sư phạm Ngữ văn (Đại học Giáo Dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội).

- Thạc sỹ Văn học, khoa Văn - trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội.

- Hiện là giáo viên dạy tại trường  THPT Nguyễn Văn Cừ - Hà Nội.

- Ths. Phan Trắc Thúc Định là người có nhiều năm giảng dạy, ôn luyện và chấm thi 9 lên 10; chấm thi THPT Quốc gia môn Văn, giải các đề thi  THPT Quốc gia; thường xuyên chia sẻ các bí kíp, kinh nghiệm làm bài thi hiệu quả tới các bạn học sinh...

Video: Thầy giáo phân tích Văn học dưới góc nhìn Vật lý khiến học sinh cười nghiêng ngả

Thầy giáo Phan Trắc Thúc Định
Bình luận
vtcnews.vn