Thí sinh lưu ý điều này để kiếm điểm cao môn Địa lý kỳ thi THPT Quốc gia 2018

Giáo dụcThứ Hai, 05/02/2018 12:12:00 +07:00

Chuyên gia bày cách để các thí sinh có thể kiếm được điểm cao môn Địa lý trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Những đặc điểm của đề thi tham khảo môn Địa lý (kỳ thi THPT quốc gia 2018) đòi hỏi học sinh không chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản mà phải biết vận dụng, tổng hợp, tìm mối liên hệ giữa các phần kiến thức.

dap an mon dia ly

Chuyên gia bày cách để các thí sinh có thể kiếm được điểm cao môn Địa lý trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018. 

Đề thi được đầu tư công phu

Đánh giá đề thi tham khảo môn Địa lý, các thầy cô trong tổ Địa lý Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ) cho rằng đề có cấu trúc phù hợp, đảm bảo chuẩn kiến thức và độ phân hóa rõ. Nhiều học sinh có thể đạt 5 - 6 điểm, nhưng để đạt 7 - 8 điểm trở lên thì học lực phải khá, giỏi.

Là giáo viên nhiều kinh nghiệm tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), cô Trần Mỹ Hằng phân tích: "Đề tham khảo môn Địa lý năm nay có 32/40 câu hỏi thuộc nội dung kiến thức lớp 12 (80%) và 8/40 câu thuộc nội dung kiến thức lớp 11 (20%).

Đề có 62,5% câu hỏi lý thuyết (25/40 câu); 25% câu sử dụng Atlat (10/40 câu) và 12,5% câu hỏi thực hành (5/40 câu)".

Về kiến thức, lớp 11 tập trung vào một số nội dung: Khái quát nền kinh tế - xã hội thế giới; Địa lí quốc gia và khu vực (Hoa Kì, Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á).

Kiến thức lớp 12 là toàn bộ chương trình với các chủ đề Địa lí tự nhiên, dân cư, ngành, vùng.

"So với đề năm trước, mức độ khó tăng nên đề đã phân hóa rõ ràng các đối tượng học sinh giỏi, khá và trung bình. Phạm vi kiến thức rộng. Số lượng câu hỏi vận dung cao tăng từ 4 câu năm 2016-2017 lên 12 câu.

Mức độ khó của các câu hỏi vận dụng cao cũng tăng lên, đòi hỏi học sinh không chỉ hiểu mà còn phải suy luận, vận dụng kiến thức trong toàn cấp học", cô Trần Mỹ Hằng chia sẻ.

Video: Đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia 2018 khó hơn năm ngoái

Không thể học máy móc

Chia sẻ cách ôn tập tốt cho học sinh với dạng đề thi này, cô Trần Mỹ Hằng (Trường THPT Chuyên Hùng Vương) cho rằng, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản (SGK) để làm tốt các câu hỏi ở mức độ biết và hiểu.

Học sinh cần vận dụng, tổng hợp, tìm mối liên hệ giữa các phần kiến thức để giải quyết các câu hỏi khó ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Thí sinh cũng cần nắm chắc kiến thức trong toàn chương trình vì nhiều khái niệm khó có liên quan đến kiến thức lớp 10, đòi hỏi học sinh phải hiểu và vận dụng được.

"Bên cạnh đó, học sinh cũng lưu ý rèn các kĩ năng như nhận dạng biểu đồ, tính toán, phân tích nhận xét bảng số liệu để làm tốt các câu hỏi kĩ năng thực hành. Đồng thời, rèn kĩ năng đọc, phân tích Atlat địa lý Việt Nam để làm các câu hỏi sử dụng Atlat.

Khi làm bài, cần đọc kĩ đề, làm nhanh những câu hỏi ở mức độ hiểu, biết; chú ý tới lời dẫn phủ định “không”, “chủ yếu nhất”, “quan trọng nhất”…

Đối với các câu hỏi vận dụng, cần phân tích câu hỏi thật kĩ, gạch chân vào các từ khóa; vận dụng, tổng hợp kiến thức để tránh tình trạng nhầm lẫn, sai sót; làm các phương pháp loại trừ để kiểm tra lại đáp án", cô Hằng nói.

Đối với các câu thực hành, học sinh cần thực hành nhiều kĩ năng tính toán cẩn thận, tránh nhầm lẫn.

Nữ giáo viên Địa lý cũng lưu ý làm nhiều đề để thành thạo các dạng câu hỏi với bảng số liệu và biểu đồ vốn không quá khó, dễ ăn điểm nhưng lại dễ nhầm lẫn.

"Kiểm tra lại kết quả làm trên đề và giấy thi để đảm bảo câu trả lời đúng. Tham gia nhiều kì thi thử, khảo sát chất lượng để rèn luyện tâm lí và kĩ năng", cô Hằng nói thêm.

Chia sẻ kinh nghiệm ôn thi, các thầy cô trong tổ Địa lý Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ) cho rằng, nhóm chuyên môn cần nghiên cứu thật kỹ, phân tích cấu trúc và nội dung đề thi.

Giáo viên hướng dẫn học sinh nghiên cứu, phân tích đề thi minh họa, giải thử đề thi khi đã hoàn thành các nội dung học tập. Hoặc giáo viên xác định cho học sinh làm thử các câu hỏi thuộc các phần học sinh đã học, sau đó chữa thật kỹ cho học sinh.

Giáo viên bộ môn tổ chức ôn tập cho học sinh đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, năng lực, rèn cho học sinh kỹ năng làm bài theo cấu trúc đề minh họa; biên soạn đề theo cấu trúc đề minh họa để cho học sinh ôn tập.

Cũng chia sẻ kinh nghiệm, thầy Nguyễn Anh Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hạ Hòa nói: "Khi làm bài thi, học sinh cần phân biệt rõ câu hỏi về biểu hiện và nguyên nhân của vấn đề được hỏi.

Giữa các nội dung lựa chọn cần phân biệt yếu tố bộ phận và tổng thể; giữa câu dẫn và đáp án thường có các từ chìa khóa, gợi ý có liên quan chặt chẽ với nhau. Học sinh cũng lưu ý nên làm câu hỏi thực hành trước vì đây là những câu hỏi vừa sức".

           

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn