Quy định học sinh cao 1,5 mét mới được thi sư phạm: Chiều cao có đo được trí tuệ?

Giáo dụcThứ Tư, 13/02/2019 12:11:00 +07:00

Một số chuyên gia, thầy cô giáo và sinh viên có ý kiến khác nhau về quy định cao 1,5 m mới được thi ngành đào tạo giáo viên của ĐH Sư phạm TP.HCM.

Theo thông báo mới nhất của ĐH Sư phạm TP.HCM, năm 2019, thí sinh nam phải cao 1,55 m trở lên, nữ từ 1,5 m trở lên mới được đăng ký thi các ngành đào tạo giáo viên. Riêng ngành Giáo dục Thể chất, thí sinh nam cao 1,65 m, nặng 50 kg trở lên, thí sinh nữ cao 1,55 m, nặng 45 kg trở lên.

Yêu cầu về chiều cao trên đang trở thành vấn đề tranh cãi với nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Chiều cao có đo được tri thức, nhiệt huyết?

Một số sinh viên, giảng viên cho rằng quy định chiều cao khi tuyển sinh ngành sư phạm sẽ hạn chế cơ hội của những bạn thực sự có năng lực và yêu thích nghề giáo.

Thầy Nguyễn Văn Thuật, giảng viên bộ môn Địa lý, ĐH Đồng Nai, cho rằng ĐH Sư phạm TP.HCM không nên yêu cầu thí sinh nữ phải cao từ 1,5 m và nam từ 1,55 m mới được thi ngành sư phạm.

"Việc loại bỏ học sinh vào ngành sư phạm dựa trên thể hình chứ không dựa trên trí tuệ, là việc làm phản giáo dục. Người đi dạy quan trọng nhất là tri thức, kỹ năng giảng dạy; hình thức chỉ là thứ yếu. Trường sư phạm cần tuyển những người có lòng yêu nghề, tri thức.

Giáo viên lên lớp truyền tải kiến thức và giáo dục nhân cách chứ không phải trình diễn thời trang. Yếu tố ngoại hình không ảnh hưởng chất lượng giáo dục hay nhân cách học sinh", thầy Thuật bày tỏ ý kiến.

Tương tự, bạn Trần Trang, sinh viên tại TP.HCM, đặt câu hỏi: "Người khuyết tật có thể trở thành thầy cô giáo, chỉ cần họ truyền tải được đạo đức và kiến thức cho người khác. Mình không hiểu tại sao lại phải cao trên 1,5 m mới được làm giáo viên? Chiều cao đo được phẩm chất, đạo đức, kiến thức của người thầy sao?".

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cũng có nhiều băn khoăn với quy định của ĐH Sư phạm TP.HCM.

Theo ông, việc đưa ra yêu cầu mang tính chất giới hạn như thế này cần căn cứ nghiên cứu thực nghiệm ở Việt Nam, không nên dựa vào suy nghĩ chủ quan. Trường hợp người thấp dưới 1,5 m nhưng có khả năng và năng khiếu sư phạm tốt hơn những người cao trên 1,5 m thì rất khó trả lời... Một số người không may bị khuyết tật, khó đi lại, vẫn có thể dạy công nghệ thông tin rất tốt.

"Vì thế, nên dựa vào nghiên cứu và tư vấn khuyến cáo người học cho phù hợp để tránh bị cho là phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, nếu dạy học online phát triển, những người có chiều cao chưa đến 1,5 m hoàn toàn có thể dạy học hiệu quả qua môi trường mạng. Cũng nên xem xét trường hợp tốt nghiệp đại học sư phạm có thể có việc làm khác ngoài dạy học, thì cần tạo điều kiện cho học sinh", TS Vinh nói.

supham

Sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM trong một buổi chụp kỉ yếu. (Ảnh: Zing)

"Học sinh hứng thú với bài giảng hơn nếu giáo viên ngoại hình tốt"

GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội - cho hay các trường đại học được tự chủ khi đặt ra quy định về tuyển sinh, miễn sao không vi phạm nhân quyền. Giáo viên cũng là nghề rất đặc thù, cần nhân cách, đạo đức, tác phong, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoại hình cũng có những thuận lợi nhất định. Bởi vậy, ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển những sinh viên tổng hợp các tiêu chí trên, là công thức tốt nhất để chọn ra những người thích hợp nghề giáo.

“Đó là sự lựa chọn cao về mọi tiêu chí, đồng bộ giữa các năng lực chứ không phải chỉ chọn người có đủ chiều cao nên tôi không phản đối quy định của nhà trường. Tuy nhiên, khi là hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi không đặt ra tiêu chí này và cũng ngạc nhiên khi từ trước đến nay không ai quy định như vậy”, GS Đinh Quang Báo nói.

Theo GS Báo, một số ngành có quy định về ngoại hình như công an, quân đội, biên tập viên truyền hình. Tại sao ngành sư phạm lại không được quy định? Vấn đề ở đây là quan điểm của từng trường. Nhà trường cũng chỉ mong muốn chọn ra được đội ngũ giáo viên tương lai tốt và phù hợp.

PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - cho biết qua nhiều năm làm việc trong ngành sư phạm, ông thấy nếu ngoại hình giáo viên bé nhỏ sẽ gặp trở ngại khi dạy học vì bị lọt thỏm khi đứng trên lớp và giữa đám đông học sinh. Trong tư thế của người thầy, chiều cao là cần thiết.

“Tôi tán thành quy định của ĐH Sư phạm TP.HCM, tuy nhiên trong quy định tuyển sinh ngoài tiêu chuẩn chung nên có thêm dòng ‘trừ những trường hợp đặc biệt’. Ví dụ, sinh viên có năng khiếu, tố chất nghệ thuật hay thông minh đặc biệt, đồng thời đam mê ngành sư phạm, có thể được hội đồng nhà trường xem xét. Điều này giúp nhà trường không bỏ lỡ những sinh viên tài năng. Còn lại những sinh viên không phù hợp với ngành sư phạm có thể vào các ngành khác”, PGS Trần Xuân Nhĩ nói.

Với kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp và từng tuyển dụng giáo viên cho trường, một phó hiệu trưởng trường THPT tại TP.HCM thú thực rằng trong thực tế đứng lớp ngoại hình là vấn đề quan trọng của giáo viên.

"ĐH Sư phạm TP.HCM yêu cầu chiều cao đối với thí sinh ngành sư phạm rất bình thường. Nhiều người, kể cả tôi, khi chưa đứng lớp, cũng không hề nghĩ đến vấn đề ngoại hình của giáo viên.

Tuy nhiên, trải qua thực tế, tôi mới thấy vấn đề này khá quan trọng. Học sinh sẽ hứng thú với bài giảng hơn nếu giáo viên có giọng nói tốt, ngoại hình ổn. Nhiều em từng tâm sự rằng các em không hứng thú với bài vở nếu gặp giáo viên 'chẳng muốn nhìn'", ông Nhĩ nói.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn