Người Việt vào danh sách nhà khoa học ảnh hưởng nhất 2015: 'Tôi chọn trở về Việt Nam'

Giáo dụcThứ Sáu, 01/01/2016 05:08:00 +07:00

Với tôi, quê hương vẫn là sự lựa chọn ưu tiên”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng - người vào danh sách nhà khoa học ảnh hưởng nhất năm 2015 nói.

 "Ai cũng có quyết định tương lai của mình. Với tôi, quê hương vẫn là sự lựa chọn ưu tiên”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng - người vào danh sách nhà khoa học ảnh hưởng nhất năm 2015 nói.

Trong số bốn nhà khoa học người Việt nằm trong tốp 1% những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2015, PGS TS Nguyễn Xuân Hùng là người duy nhất đang giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam. Đây cũng là lần thứ hai ông có tên trong danh sách này.

 PGS TS Nguyễn Xuân Hùng.
  PGS TS Nguyễn Xuân Hùng.
"Quê hương là chùm khế ngọt"

“Nhận được tin, tôi nghĩ đây là động lực và cũng là thách thức lớn. Tôi cho rằng, đoạn đường nghiên cứu kế tiếp cần nỗ lực hơn rất nhiều”, ông Hùng nói.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng là cựu sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM. Sau khi tốt nghiệp, ông học thạc sĩ trong lĩnh vực Cơ học môi trường liên tục, sau đó nhận học bổng nghiên cứu tiến sĩ về Cơ học tính toán tại Đại học Liege (Bỉ).

Nhận bằng tiến sĩ, ông trở lại Việt Nam tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu. Ông từng là giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, ĐH Việt – Đức và hiện là giảng viên ĐH Hutech TP HCM, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu liên ngành tại trường.

"Lý do tôi trở về Việt Nam khá giản dị. Tôi được ở gần ba mẹ nhiều hơn, và như một lẽ tự nhiên, tôi muốn gắn bó với môi trường làm việc nơi đây. Ai cũng có quyết định tương lai của mình. Với tôi, quê hương vẫn là sự lựa chọn ưu tiên”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ.

Giảng viên ĐH Hutech TP HCM này cho biết, ba mẹ là động lực thôi thúc ông rất nhiều trong sự nghiệp, nên mỗi khi đi xa, ông dễ bị mất thăng bằng trong cuộc sống. Văn hóa, con người Việt Nam, cũng là lý do khiến vị PGS “đi nước ngoài và phải chạy về”.

Theo tiến sĩ trẻ, mỗi môi trường đều có thuận lợi và khó khăn riêng. Bản thân ông, “khó khăn không phải vấn đề nghiêm trọng”, bởi vì luôn có gia đình, thầy cô, đồng nghiệp, học trò tạo nên sự cộng hưởng lớn.

Từng tham gia tập huấn, nghiên cứu tại các nước như Mỹ, Đức, Singapore, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng đã xuất bản hơn 70 bài báo cáo khoa học quốc tế và hơn 10 bài trong nước. Nghiên cứu của ông tập trung phát triển các công cụ tính toán mạnh và mô phỏng trên máy tính, đang được ứng dụng trong lĩnh vực Cơ kỹ thuật, Cơ sinh học, Vật liệu...

Ông cũng cho biết không phân biệt điều kiện sống ở nước ngoài hay Việt Nam. Quan trọng nhất là môi trường tự do trong nghiên cứu và phát huy hết năng lực bản thân, tạo ra được sản phẩm sáng tạo.

Ngoài ra, PGS trẻ tuổi còn đảm nhiệm vị trí Phó tổng biên tập tờ báo khoa học "Asia Pacific Journal of Computational Engineering, APJCEN" bằng tiếng Anh với đội ngũ biên tập là các nhà khoa học uy tín trên thế giới.

Tư duy toàn cầu

Tháng 7/2015 vừa, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng là một trong bốn nhà khoa học được trao giải thưởng Georg Forster Research Award của Quỹ Alexander von Humboldt (Đức). Giải thưởng sẽ được trao chính thức trong tháng 3-2016 tại Đức.

TS Nguyễn Ngọc Đức – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu liên ngành, ĐH Hutech TP HCM, người nhiều năm làm việc với PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, cho rằng, việc nằm trong tốp 1% nhà khoa học có ảnh hưởng thế giới là kết quả tất yếu cho quá trình làm việc của giảng viên trẻ.

Theo TS Đức, PGS Nguyễn Xuân Hùng là người có lối tư duy, suy nghĩ toàn cầu, áp dụng, thực hành phù hợp với nơi mình làm việc.

“Từng làm việc chung với 'thuyền trưởng' Hùng, tôi thấy anh là người có đam mê, lý tưởng và dám dấn thân. Anh làm việc tận tụy, đúng trách nhiệm nên tôi không ngạc nhiên khi các kết quả từ những công việc do anh chủ trì ngày một đơm hoa kết trái. Một cách đơn giản, đó là sự phản ánh quá trình nỗ lực bền bỉ và lâu dài của anh”, ông Đức nói thêm.

Kể về quá trình làm việc, vị Phó giám đốc Trung tâm nhớ những ngày “anh em kiệt quệ cả tinh thần, thể xác, có lúc vô vọng” khi vấp phải một số khó khăn cố hữu, đặc biệt là thiếu hụt nguồn tài chính để giữ chân người tài. Khi đó, “thuyền trưởng” Nguyễn Xuân Hùng đã không từ bỏ mà cổ vũ anh em với câu nói: “Có thì cùng hưởng, không có anh em lại ăn hủ tíu 10 nghìn đồng".

Theo TS Đức, chính điều này đã tập hợp những anh em cùng chí hướng - làm nghiên cứu và giáo dục không phải để làm giàu, mà phụng sự, tôn trọng sự thiêng liêng của nó; càng không thể quy đổi một cách sòng phẳng bằng tiền.

GS.TS Nguyễn Sơn Bình (ĐH Northwestern, Mỹ), GS.TS Nguyễn Thục Quyên (ĐH Univ Calif Santa Barbara, Mỹ), GS.TS Võ Văn Ánh (ĐH Công nghệ Queensland, Australia) và PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng (ĐH Công nghệ TP HCM) vừa được nêu tên trong danh sách các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2015, theo công bố của hãng Thomson Reuters. Đây là năm thứ hai liên tiếp, GS.TS Nguyễn Sơn Bình và PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng nằm trong danh sách này.


Nguồn: Uyên Điệp/Zing
Bình luận
vtcnews.vn