Giáo sư giảng dạy nhiều năm vẫn phải học nghiệp vụ sư phạm: Bộ GD&ĐT nói gì?

Giáo dụcThứ Sáu, 10/05/2019 11:07:00 +07:00

Bộ GD&ĐT vừa phản hồi trước thông tin phản ánh của một số giáo sư về việc giảng dạy nhiều năm vẫn phải đi học nghiệp vụ sư phạm.

Sáng 10/5, ông Hoàng Đức Minh -  Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT - cho biết việc giảng viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được quy định trong điều 77 Luật giáo dục.

Điều 77 Luật Giáo dục năm 2005 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy đại học, cao đẳng là có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy cao đẳng, đại học.

Điều 79 Luật Giáo dục quy định "Trước khi được giao nhiệm vụ giảng dạy, giảng viên CĐ, ĐH phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm".

Tuy nhiên vẫn còn giảng viên, trong đó có phó giáo sư, giáo sư, vì nhiều nguyên nhân, chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Bộ GD&ĐT đang rà soát, đề xuất chỉnh sửa trong Luật Giáo dục (sửa đổi) tới đây, nếu quy định không còn phù hợp.

giaovien

Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: NEU)

Trước đó, câu chuyện về giáo sư một trường đại học nổi tiếng tại TP.HCM, khiến nhiều người không khỏi bức xúc. Ông đã hướng dẫn thành công 8 nghiên cứu sinh, khoảng 50 thạc sĩ, trên 100 cử nhân, dạy đại học và cao học hơn 20 học kỳ, được bổ nhiệm làm giảng viên cao cấp, "vậy mà giờ này đang bị người ta doạ nạt là sắp tới phải đi học để lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do các trường sư phạm cấp".

Nếu không có chứng chỉ đó, sau này, ông không được hành nghề giảng viên nữa.

Nhiều giảng viên cho rằng đây là câu chuyện khôi hài. Khi giảng viên đã là giáo sư, được bổ nhiệm là giảng viên cao cấp, chuyên môn, kinh nghiệm đã được công nhận, nhưng vẫn phải đi học lớp bồi dưỡng do những người ít chuyên môn, kinh nghiệm hơn đứng dạy. Thậm chí, có trường hợp thầy đi học lớp của trò.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho rằng Bộ GD&ĐT nên quy định rõ những giảng viên đã là giáo sư, phó giáo sư và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì không cần thiết phải học thêm lớp nghiệp vụ nữa.

Theo TS Vinh, thông tư 36 của liên Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT ra đời năm 2014, có hiệu lực thi hành từ năm 2015. Trong khi đó, thông tư 12/2013 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ năm 2013. Về lý, văn bản sau phải có hiệu lực hơn văn bản trước, nghĩa là thông tư 36 đã yêu cầu khi bổ nhiệm giảng viên hạng I, hạng II, hạng III bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, thì lẽ ra những người này không phải đi học thêm chứng chỉ tương tự.

"Rõ ràng, đây là sự lãng phí thời gian, công sức của họ và cho thấy sự chồng chéo trong các quy định của cơ quan quản lý", TS Vinh nói.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn