Lý lịch khoa học của giáo sư hội đồng ngành, liên ngành chưa công khai

Giáo dụcThứ Tư, 04/12/2019 09:50:00 +07:00

Bản tóm tắt của gần 300 thành viên hội đồng giáo sư ngành, liên ngành và ủy viên của Hội đồng Giáo sư Nhà nước chưa được công khai.

Thông tư 04 do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký tháng 4/2019 yêu cầu công khai bản tóm tắt lý lịch khoa học của thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước (HĐGSNN) và HĐGS ngành, liên ngành. Tuy nhiên, đến nay, bản tóm tắt của gần 300 thành viên HĐGS ngành, liên ngành và ủy viên của HĐGSNN chưa được công khai.

Nghiên cứu bằng 0

Qua các kênh tìm kiếm lý lịch khoa học trên các tạp chí quốc tế, có thể thấy, rất nhiều giáo sư (GS) thành viên, thậm chí chủ tịch HĐGS ngành, liên ngành không có bài báo công bố quốc tế trong 5 năm trở lại đây như quy định tại Quyết định 37.

Ví dụ, trên Google Scholar và Researchgate với từ khóa là tên của Chủ tịch HĐGS ngành Tâm lý học dẫn đến đường link một nghiên cứu về thực phẩm của một người trùng tên, nhưng đến từ Trung tâm nghiên cứu lâm sàng, Viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, Mỹ.

Một GS thành viên khác của Hội đồng GS ngành Tâm lý tên Thành được tìm kiếm với từ khóa “TQ Thành” kết quả cho ra người có họ và tên đệm khác hoặc người cùng tên đến từ một trường ĐH của nước ngoài và chuyên ngành nghiên cứu khác.

gs

 Đến nay bản tóm tắt của gần 300 thành viên HĐGS ngành, liên ngành và ủy viên của HĐGSNN chưa được công khai. 

Theo thông tin phóng viên có được, cơ bản các GS ngành Tâm lý học không có bài báo công bố quốc tế. Với Hội đồng liên ngành Văn hóa, Nghệ thuật, Thể dục Thể thao, số GS có bài báo khoa học được đăng trên tạp chí nổi tiếng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có ngành “trắng” bài báo quốc tế với tất cả các thành viên trong hội đồng.

Khi được hỏi về vấn đề này, một số GS cho rằng, do khối ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam mang nhiều tính đặc thù nên rất khó công bố quốc tế. Tuy nhiên, từ năm 2017, nhóm nghiên cứu  của Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành thuộc ĐH Phenikaa (trước đây là ĐH Thành Tây)  thống kê cho thấy có  412 nhà khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam có bài đăng trên các ấn phẩm khoa học thuộc danh mục của Scopus (hệ thống các tạp chí nổi tiếng) trong vòng 10 năm qua (2008 - 2017).

Qua kết quả nghiên cứu, nhóm cũng bác bỏ luận điểm lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn mang tính đặc thù nên đòi hỏi bắt buộc phải có công bố là không phù hợp vì xuất bản trong lĩnh vực này của người Việt Nam trên các ấn phẩm khoa học của Scopus bao trùm ít nhất 12 lĩnh vực lớn: Luật, chính trị, quản trị, ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật, triết học, xã hội học, tâm lý học, kinh tế, giáo dục, lịch sử.

Thầy không sáng hơn trò?

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng HĐGSNN cho biết, các thành viên GS Hội đồng ngành không có bài báo công bố quốc tế thì có thể thay bằng sách được xuất bản tại các nhà xuất bản uy tín theo Quyết định 37.

Ông Tuấn cũng cho biết, HĐGSNN đã có đầy đủ bản tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên HĐGS ngành, liên ngành. Tuy nhiên, theo mẫu được công bố trong Thông tư 04 thì các GS chỉ cần liệt kê 5 bài báo hoặc 5 đầu sách cùng với 5 công trình nghiên cứu tiêu biểu như thế là không đáp ứng đầy đủ lý lịch khoa học của các ứng viên. Do đó, Hội đồng chưa công bố.

Tuy nhiên, GS. Phùng Đắc Cam, ĐH Thành Đông cho rằng, thực tế có tình trạng thành tích của “thầy” (GS hội đồng ngành) kém hơn trò (ứng viên GS, PGS) cả về công trình khoa học và trình độ tiếng Anh. Các thầy chỉ hơn ứng viên ở thâm niên công tác.

GS. Phùng Đắc Cam nêu quan điểm không thể thay sách bằng bài báo khoa học vì bài báo “mang quân đi đánh nước người” mới giá trị. Còn việc xuất bản ở trong nước thì dễ hơn rất nhiều.

Về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, trách nhiệm, tiêu chuẩn của Hội đồng giáo sư các cấp được quy định rõ ràng và công khai hơn. Nhưng để đảm bảo công bằng, minh bạch, khách quan thì tiêu chuẩn, lý lịch khoa học của các thành viên HĐGS các cấp cần được công bố trên mạng công khai.

GS Dong nói: “Hội đồng phải đúng chuyên ngành chứ không thể là liên ngành như hiện nay. Ví dụ, chấm hồ sơ ứng viên GS ngành Triết học phải là GS triết học thẩm định chứ không thể lấy hội đồng ghép theo kiểu Hội đồng liên ngành Triết học - Chính trị học - Xã hội học. Ở trình độ cử nhân, thạc sĩ thì hội đồng liên ngành khó còn hiểu được chứ lên đến trình độ GS, PGS rồi thì hội đồng liên ngành khó có thể hiểu được hết".

"Chúng ta không thể vì không đủ người mà “chắp vá” như vậy” - TS. Lê Văn Út, ĐH Tôn Đức Thắng lại dự đoán, sở dĩ chưa công bố bản tóm tắt lý lịch khoa học của các GS Hội đồng ngành, liên ngành  vì có những người  lý lịch quá yếu. Theo TS. Út, việc quy định thay bài báo quốc tế bằng sách là không ổn. Vì bài báo khoa học mới có tri thức mới, còn sách nhiều khi chỉ là tập hợp các bài giảng hoặc tổng hợp lại kiến thức.

Công nhận 422 ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS

Chủ tịch Hội đồng GSNhà nước, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019. Theo đó 73 ứng viên đạt tiêu chuẩn GS và 349 ứng viên đạt tiêu chuẩn PGS. Trước đó, Hội đồng GSNhà nước công bố có 75/82 ứng viên GS đạt tiêu chuẩn.

Trong số này có 1 trường hợp đặc cách đặc biệt là PGS Phạm Minh Chính. Theo quy định, với trường hợp đặc biệt, Thủ tướng sẽ có quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn GS cho PGS Phạm Minh Chính. Ngoài ra có 1 trường hợp ứng viên đủ điều kiện xét công nhận GS nhưng có đơn xin rút vì lý do cá nhân. Chính vì vậy, quyết định chính thức chỉ có 73 ứng viên đạt tiêu chuẩn GS năm 2019.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn