Lớp học đặc biệt giữa đại ngàn chỉ có 3 học sinh

Giáo dụcThứ Bảy, 17/02/2018 17:05:00 +07:00

Lớp học của thầy Thuận ở Pá Mỳ, Mường Nhé, Điện Biên có ba học sinh, trong đó hai em đang học lớp 2 còn một em lớp 1.

Chúng tôi đến Pá Mỳ vào một ngày cuối năm, khi dưới xuôi thời tiết còn đang mát mẻ, thì trên này cái lạnh đã về.

Trên đường vào trường, nắng ấm trải chan hoà trên những nương lúa của bà con người Dao, tiếng suối reo hoà cùng tiếng chim chóc, tạo nên một khung cảnh nên thơ cho vùng cao ngút ngàn này.

Xã Pá Mỳ có ba điểm trường mang tên Huổi Lụ được đặt theo số thứ tự là 1, 2 và 3.

Từ trung tâm thị xã Pá Mỳ đến Huổi Lụ 2 cũng ngót ngét hơn 20km, con đường độc đạo, bé chỉ đủ một chiếc xe máy cứ kéo dài, ngoằn nghèo trên những ngọn núi quanh năm mờ sương phủ.

Nếu không gặp trời mưa thì đây có lẽ là con đường rất đẹp và thơ mộng. Trên đường đi, những khóm tre lớn, lâu năm đan với nhau kết thành cổng chào người lữ hành.

Vậy nhưng khi tắt nắng, không khí lạnh lập tức ập tới, “xâm chiếm” mọi ngóc ngách, ào vào da thịt, thấm tới tận xương tủy.

Chúng tôi gặp thầy giáo Bùi Văn Thuận (37 tuổi), người được phân công từ Thanh Hóa lên tăng cường cho trường tiểu học Huổi Lụ 2.

10 năm gắn bó với mảnh đất này, từ nếp sống đến sinh hoạt của thầy Thuận giờ đã như một người địa phương thực thụ. Nhìn thầy lội suối, leo dốc thoăn thoắt, không ai nghĩ thầy là người dưới xuôi lên.

27836517_343915682753982_1499146206_o

Thầy Bùi Văn Thuận - người có 10 năm gắn bó với mảnh đất  Pá Mỳ, Mường Nhé, Điện Biên.

Thầy Thuận chia sẻ: "Những ngày mới tới đây nhận công tác, đó là những ngày thực sự khó khăn với chúng tôi. Cách đây 10 năm, đường sá tới trung tâm xã còn khó huống chi vào tới bản. 

Là người dưới xuôi lên, chưa quen với địa hình hiểm trở vùng núi nên việc đi lại khiến chúng tôi vô cùng mệt mỏi. Hồi đó, chúng tôi cuốc bộ từ xã đến đây mất 4-5 giờ đồng hồ. Nhưng đi mãi thành quen, cũng chặng đường, giờ tôi đi đi chỉ hết hơn tiếng".

Đặc biệt, ở cả ba điểm trường Huổi Lụ đều không có điện, nên sinh hoạt của thầy trò gặp rất nhiều khó khăn. Mọi hoạt động đều trông chờ vào… ông mặt trời.

Những ngày đẹp trời, nắng to thì không sao, cứ hôm mưa gió, âm u, thầy Thuận lại chèo bè đưa các em qua bờ bên kia để đi học.

Nhiều hôm, thầy Thuận cõng học trò leo dốc lầy lội, mười đầu ngón chân bám chặt xuống đất trơn tuột, bật máu. Vậy nhưng chưa lúc nào thầy Thuận thấy nản lòng. 

Thầy Thuận nhớ lại: "Những ngày mới vào đây, chẳng khác gì một người nước ngoài lạc vào đây. Ngôn ngữ không biết, phong tục tập quán cũng chẳng rành. Cứ nửa tiếng Kinh lại nửa cử chỉ, thế mà cũng hiểu nhau. Lâu dần có người chơi thân thì mình dạy họ tiếng Kinh, họ dạy mình tiếng dân tộc.

Khó khăn nhất là đi vận động bà con đưa con cháu đến trường. Tâm lý chung của bà con dân tộc là có cái ăn, có rượu uống là đủ; chứ họ không có khái niệm đi học. Con trai hay con gái lớn là ra nương giúp bố mẹ, có ít ăn ít có nhiều ăn nhiều, chứ đi học thì có được cái gì ăn đâu!".

Vậy mà hết ngày này qua ngày khác, không kể nắng hay mưa, thầy Thuận đi hàng cây số đến nhà bà con nằm cheo leo trên đỉnh núi, giữa rừng già bạt ngàn.

Thầy Thuận kể: "Có nhiều nhà, họ không muốn tiếp thầy, cứ thấy thầy là đóng cửa cài then gọi thế nào cũng không ra. Những lần như vậy, thầy cũng phải ngậm ngùi đi về rồi hôm sau quay lại.

Có nhà cứ ăn cơm là đóng cửa cài then, treo hẳn bó cỏ ngoài cửa, ý là không tiếp ai cả. Cứ mấy ngày liền như vậy. Nhưng rồi tiếng lành đồn xa; họ cũng phải mở cửa xem thầy giáo dưới xuôi thế nào mà ai cũng khen thế.

Oái ăm nhất đó là mình phải đến đúng giờ họ ăn cơm, chứ sớm hơn thì không gặp vì họ đi nương, còn muộn thì họ đi ngủ. Nhiều hôm, nửa đêm mình vẫn lọ mọ trong rừng, về đến nhà là gần sáng".

27846263_343915562753994_579706442_o 4

 Một giờ học của thầy trò trường tiểu học Huổi Lụ 2.

Nơi ở của thầy Thuận là ngôi nhà cấp bốn, vừa là nhà ở, vừa là lớp học được dựng lên giữa rừng, nơi mà khi tắt nắng, mọi thứ trở nên yên lặng, tối tăm, chỉ có tiếng gió ngàn làm bạn.

Thế nên, mỗi lần có người ở ngoài xã vào là các thầy vui lắm. Thấy Thuận mời chúng tôi ở lại ăn bữa cơm. Được cái, đồ ăn ở đây cái gì cũng sạch; rau thì trồng ngay mảnh vườn nhỏ trước nhà, thịt lợn, gà thì mua lại của bà con, cá thì có ngay dưới suối, chỉ cần nửa tiếng quăng lưới là có vài con cá cải thiện ngay, không phải lo về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

27785201_343916089420608_1581690370_o 5

 Ánh mắt trong trẻo của những đứa trẻ ở vùng núi Pá Mỳ giữ chân thầy Thuận ở mảnh đất này.

Lớp học của thầy Thuận có ba học sinh, trong đó hai em đang học lớp 2 còn một em lớp 1. Lên đến lớp 3, các em sẽ ra học nội trú ở ngoài xã. Việc dạy cho các em cũng gặp nhiều khó khăn bởi các em chỉ nói tiếng dân tộc, nên thầy vừa dạy bằng tiếng kinh và kết hợp với cử chỉ tay chân…

Ở Huổi Lụ 2 cũng như các bản khác của xã Pá Mỳ, đời sống của bà con còn nghèo, thu nhập chính của họ là từ ruộng nương mà một năm cũng chỉ được một vụ còn lại là khoai sắn. Bữa ăn cũng chỉ quanh quẩn rau với cá dưới suối, con to cũng chỉ bằng ba ngón tay; hôm nào có khách quý lắm, hoặc lễ Tết mới dám ngả lợn ra thịt.

Thầy Thuận chia sẻ, nhìn bọn trẻ con ở đây cởi truồng chạy ngoài suối trong thời tiết rét buốn thấu xương mà rớt nước mắt. Chính những hình ảnh này là động lực cho thầy Thuận và nhiều thầy cô giáo khác kiên trì bám trường, lớp. 

Thầy mong bằng tình yêu thương và sự nhiệt tình của mình, các em nhỏ ở đây sẽ được học chữ. Được học, cuộc sống của người bà con sẽ dần thay đổi, bớt khổ cực.

Phong Sơn
Bình luận
vtcnews.vn