Lớp học đặc biệt đưa mặt chữ đến với người cai nghiện

Giáo dụcChủ Nhật, 23/12/2018 08:17:00 +07:00

Lý do vào Trung tâm cai nghiện Xuân Phú (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) của mỗi học viên là điều đáng trách, nỗi đau của mỗi gia đình; nhưng có một điều đặc biệt hiện diện trong sự lầm lỡ đó: Lớp xóa mù chữ cho những ai chưa biết đọc, biết viết tiếng mẹ đẻ.

Lầm lỡ vì thiếu hiểu biết

Dẫn chúng tôi vào gặp các học viên lớp xóa mù chữ của Trung tâm, cô Nguyễn Thị Kiều Oanh (SN 1984), người gắn bó với Trung tâm 12 năm nay, làm công tác đứng lớp xóa mù cho biết, lớp học của cô có nhiều điều đặc biệt nhất: học sinh đặc biệt, giáo trình đặc biệt, cách giảng dạy cũng đặc biệt.

Tiếp xúc với từng học viên, tôi hiểu cái đặc biệt mà cô nói đến. Họ đều là những học sinh lớn tuổi, vào Trung tâm trước hết là để cải tạo, để giáo dục. Việc học chữ và được biết chữ đối với họ như một điều bất ngờ, một “giấc mơ” mà có khi chưa bao giờ họ dám mơ. Tuổi đời của họ đã quá xa so với cái tuổi lớp 1, lớp 2. Quần áo họ mặc trên người không phải là những bộ đồng phục được thiết kế logo như các trường tiểu học bình thường mà là những bộ quần áo màu xanh dành cho học viên trong trại.

Trên từng gương mặt căng ra, bàn tay run run trên trang giấy và miệng lẩm nhẩm đọc “ê… a” với những chất giọng khàn đặc. Lâu nay, những đôi bàn tay kia chỉ biết làm việc xốc nổi, “hút chích” giờ phải uốn từng nét chữ, dấu móc, dấu ngoặc nên họ lóng ngóng như trẻ con tiểu học.

cainghien1

 

Anh Nguyễn Văn T. (SN 1982, quê Long Khánh), học viên của lớp xóa mù chữ, là đối tượng nghiện ma túy từ năm mới 16 tuổi. Anh kể: “Lúc nhỏ, vì ham chơi nên không đi học. Vì không đi học chữ, khi đến tuổi trưởng thành, tôi cũng không nhận thức rõ được về tác hại của ma túy nên theo lời bạn bè thử vài lần rồi nghiện từ lúc nào không biết”. 

Rồi sau đó, anh bị bắt và cải tạo, khi ra hạn tù, anh cố gắng cai nghiện, lấy vợ, có con, rồi đi làm nhưng sức ma mị của “nàng tiên nâu” đã kéo anh trở lại với đời nghiện ngập và rồi anh không còn đủ nghị lực để dứt bỏ nó. Cho đến một lần khi đang say men thuốc với bạn bè “cùng hội cùng thuyền”, anh bị công an bắt và phải vào đây cai nghiện, cải tạo. 

Những ngày đầu bị đưa vào trại, T. cũng như bao người, day dứt tự trách mình đã không làm chủ được bản thân nên phải đi cai nghiện ở cái tuổi tứ tuần. Nhưng anh bảo, trong những lúc bế tắc nhất, cũng có những điều may mắn với anh. May vì nhờ được đưa vào trại mà anh đã dứt tình đoạn nghĩa được với “nàng tiên nâu” để sau này có thể làm lại cuộc đời. May hơn nữa là việc anh đã tự tin với cuộc sống này vì không ai còn gọi anh là “thằng mù chữ” nữa.

T. có hai người con, một trai, một gái, cả hai đứa con anh đều được đi học và ở với ông bà nội. Nói đến đây, anh bỗng cúi mặt xuống lộ vẻ buồn buồn: “Tôi đúng là một thằng đàn ông không tốt. Khi lấy vợ, tôi thề sẽ không bao giờ vướng vào nghiện hút nữa, tu chí làm ăn, nuôi vợ nuôi con. Nhưng cuộc sống này, không ai biết trước được điều gì. Tôi đã không biết trân trọng hạnh phúc trong tay mình. Bây giờ, vợ đã bỏ đi, con thì bơ vơ ngóng bố từng ngày”.

Bây giờ, khi ngồi trong lớp xóa mù, học những con chữ đầu tiên, anh mới hiểu được sự háo hức niềm vui của đứa con mình khi nó cũng ngồi ở lớp học chữ như anh. Ở cái tuổi đi qua gần nửa cuộc đời, anh mới bắt đầu ghép vần, luyện viết, cộng trừ những phép toán đơn giản.

Ra đời trước cô con gái hơn 30 năm tuổi, vậy mà anh lại biết chữ sau con những 5 năm. Nhưng đúng như anh nói, dường như đó vẫn là một “may mắn” lớn trong cuộc đời anh vì nếu anh không vào trại cai nghiện cải tạo như thế này, thì làm sao một người đàn ông đã có con cái lớn như vậy lại dám đi học để mà biết đến cái chữ. 

Mỗi một học viên trong lớp lại có những câu chuyện riêng. Chẳng hạn, chị Trần Thị D. (31 tuổi) cũng vì không biết chữ chán đời mà tìm đến ma túy. D. kể, ngày xưa bố mẹ cho đi học nhưng lớp học xa nhà, lại mải chơi nên toàn trốn học.

Khi lớn lên không biết chữ, chán đời không có công ăn việc làm nên chơi với bạn bè lêu lổng, đàn đúm và dính vào ma túy, thế là bị bắt vào trung tâm cai nghiện. “Em chơi ma túy đá và khi bị bắt vào đây em cứ nghĩ rằng mọi chuyện thật là tồi tệ. Nhưng vào đây lại có được may mắn là biết đọc, biết viết mà không cần người khác đọc hộ như trước đây nữa”, D. nói.

cainghien2

 Ngoài giờ giảng trên lớp, các học viên còn được giáo viên dạy phụ đạo thêm.

Từ bàn tay cầm vô lăng … đến cầm bút

Trong lớp học này, trường hợp của anh Nguyễn Văn Q. (SN 1974, quê Thanh Hóa) là “học sinh” đặc biệt, anh lớn tuổi nhất trong lớp xóa mù. Anh Q. vào Trung tâm này gần một năm, và theo “liệu trình” cải tạo thì anh còn hơn 2 tháng nữa mới được trở về nhà. Nhìn đôi bàn tay chai sạn vì cầm vô lăng suốt mấy chục năm ròng rã, bây giờ anh được cầm cây viết nắn nót từng chữ mới thấy con chữ nó vô giá và ý nghĩa đến nhường nào.

Tôi thấy làm lạ vì người đàn ông trên đầu 2 thứ tóc với dáng người đậm chất “đại gia” lại phải vướng vào thứ “chết người” kia, anh Q. rầu rĩ nói: “Ngày xưa vì hoàn cảnh gia đình nên tôi chỉ học đến lớp 1. Sau này lớn lên, tôi bắt đầu chạy xe và mua xe tải chạy Bắc - Nam, trong những ngày tháng rong ruổi trên mọi nẻo đường vì buồn khi phải suốt ngày xa vợ con, được bạn bè rủ rê tìm đến ma túy cho tỉnh táo để kịp chạy những chuyến hàng nên ở cái tuổi 44 này, tôi mới vào trại cai nghiện”.

Mặc dù những lời nói kia chỉ là sự biện minh về những điều lầm lỡ mà cuộc đời anh đã trải qua nhưng có một điều anh luôn cảm thấy mình “may mắn” là nếu không nghiện ma túy, không bị bắt vào trại cai nghiện, thì có lẽ đến bây giờ anh vẫn chưa biết cái cảm giác của một học sinh lớp một ê a ghép vần nên những con chữ.

Bây giờ, anh biết đọc, biết viết, biết kí tên mình cho những đơn hàng vận chuyển mà không cần phải lăn tay và nhờ người khác đọc hộ như trước đây. Anh chỉ mong sao, sau khi cai nghiện thành công, những con chữ này sẽ giúp ích cho anh làm lại cuộc đời lầm lỡ. 

Với rất nhiều người, đằng sau cánh cổng trại cai nghiện là nỗi niềm, là điều đáng trách, đáng giận nhiều hơn đáng thương, vì sau cánh cổng trại ấy đều là những nhân phẩm đã bị mài mòn khi vướng vào vòng xoáy của những “nàng tiêu nâu”. Nhưng khi gặp những “học sinh” của lớp xóa mù chữ này, tôi mới nhận ra rằng: Hạnh phúc và may mắn đều đến với mỗi chúng ta khi có sự cố gắng.

Có những điều là bất hạnh của người này nhưng lại có thể là may mắn, hạnh phúc của người khác. Hi vọng rằng khi được viết cái chữ, những con người lầm lỡ này sẽ bắt đầu lại cuộc sống tốt đẹp hơn và không còn bị thứ chết người kia đeo bám nữa. 

Chương trình xóa mù chữ ở Trung tâm cai nghiện Xuân Phú được dạy theo từng đợt, tùy theo số học viên ra vào. Mỗi đợt có khoảng 30 học viên dạy trong 3 tháng. Thời gian học mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi 2 tiếng, dạy theo chương trình xóa mù phổ cập.

Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Oanh (người dạy chữ ở trung tâm được 12 năm) chia sẻ: “Các học viên ở đây chủ yếu là người có tuổi, cùng với việc sử dụng ma túy nên sự tiếp thu của họ rất khó khăn. Nhiều người học 2 tháng mới biết đánh vần nhưng hầu hết đều rất thích và cố gắng để học.

Nhiều lúc thấy dạy mãi mà học viên không biết cũng nản lắm nhưng thấy họ cần cù, chịu khó lại chứng kiến niềm vui của những người biết chữ, mình như được khích lệ thêm…".

(Nguồn: baophapluat.vn)
Bình luận
vtcnews.vn