Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Căng thẳng, tốn kém nhưng có hiệu quả?

Giáo dụcThứ Bảy, 06/07/2019 08:05:00 +07:00

Kỳ thi “2 trong 1” khiến các thí sinh, thầy cô và cả xã hội phải "căng mình" nhưng liệu kỳ thi có đảm bảo an toàn, khách quan hay không?

Căng thẳng, tốn kém nhưng vẫn sai sót

Cả nước có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 1.980 điểm thi với 38.050 phòng thi. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, năm nay, kỳ thi về cơ bản chỉ điều chỉnh một số thay đổi, đặc biệt ở khâu chấm thi được coi là “nhạy cảm”.

Cụ thể, Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm thi trắc nghiệm, do các trường ĐH chủ trì; đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” Phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi, dữ liệu chấm thi.

thi

 Kỳ thi “2 trong 1” diễn ra đã được 5 năm dù đã có nhiều bước điều chỉnh nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập. (Ảnh: P.V)

Cả nước có tới gần 50.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ), học viện tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi tại 63 tỉnh, thành phố. Bộ GD-ĐT thành lập 8 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia, thực hiện kiểm tra ở tất cả các khâu của kỳ thi tại các địa phương, đặc biệt là công tác chuẩn bị thi và coi thi, kịp thời phát hiện và xử lý các hạn chế, bất cập và hỗ trợ các hội đồng thi tổ chức thi nghiêm túc, an toàn.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ GD-ĐT thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi, 9 đoàn thanh tra công tác coi thi, 1 đoàn kiểm tra, trực thanh tra coi thi. Chỉ riêng tại “điểm nóng” Hà Giang có tới 4 vòng bảo vệ, 200 cảnh sát trực chiến an ninh thi bao gồm: Khu vực in sao đề thi được bảo vệ nghiêm ngặt với 4 vòng bảo vệ, 20 điểm thi mỗi nơi lắp 2 camera cùng khoảng 200 công an được tỉnh Hà Giang huy động để bảo vệ an ninh cho kỳ thi năm nay…

Tại cuộc họp báo sau khi kỳ thi kết thúc, Bộ GD-ĐT đánh giá kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 “nghiêm túc, an toàn”, nhưng e rằng vẫn còn quá sớm khi mà khâu chấm thi - khâu nhạy cảm nhất vẫn còn đang thực hiện.

Ngày thi đầu tiên với môn thi Ngữ văn có thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi chụp đề thi và chuyển ra ngoài, đăng trên mạng xã hội. Tại Bình Định, ngày thi thứ 2, một thí sinh mang điện thoại vào phòng thi để chụp đề môn Vật lý và bị phát hiện. Kết thúc kỳ thi có đến 6 cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế thi (trong đó 72 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 3 thí sinh bị cảnh cáo, 4 thí sinh bị khiển trách)...

Nửa chặng đường còn lại (công tác chấm thi, công bố điểm, phúc khảo) đối với kỳ thi được kỳ vọng rất lớn, nhằm lấy lại lòng tin cho xã hội, xóa đi những tai tiếng của kỳ thi năm 2018. 

Đổi mới theo hướng giảm nhẹ, an toàn

Kỳ thi “2 trong 1” diễn ra được 5 năm dù có nhiều bước điều chỉnh nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập, thậm chí là tiêu cưc, không đảm bảo tính khách quan. Nhìn lại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, hàng trăm bài thi được nâng điểm để vào các trường đại học tốp trên, 3 vụ án tại 3 địa phương bị khởi tố, hàng chục cán bộ giáo dục bị bắt giam...

Chưa bao giờ sự học trở nên xấu xí như vậy, và cũng chưa bao giờ lòng tin của xã hội bị chà đạp phũ phàng như vậy. Vì thế, làm thế nào để có một kỳ thi thực sư an toàn, nghiêm túc và giảm căng thẳng cho cả xã hội? vẫn là một câu hỏi lớn mà ngành giáo dục đang loay hoay giải đáp.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT đưa ra một số giải pháp để tháo nút thắt của kỳ thi hiện nay, đó là, để tránh xung đột lợi ích, không để cho địa phương chủ trì việc chấm thi. Việc chấm thi cần do Bộ GD-ĐT chủ trì. Kỳ thi năm nay mới chỉ tăng cường vai trò tổ chức của các trường đại học, còn vẫn chấm thi tại địa phương thì có nghĩa là nút thắt này chưa được gỡ.

Tiếp theo, kỳ thi THPT Quốc gia cần giảm nhẹ, tránh căng thẳng vì dù sao thì tỷ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm vẫn trên 95%. Với Luật giáo dục hiện nay, vẫn có thể áp dụng cơ chế đặc cách công nhận tốt nghiệp cho một tỷ lệ thí sinh nhất định, chỉ tổ chức thi cho số thí sinh còn lại. Sau khi gỡ xong nút thắt này buộc các trường ĐH sẽ phải tăng cường tự chủ tuyển sinh.

Thảo luận về Dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) mới đây tại Quốc hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho hay, thời gian qua, việc tổ chức thi “2 trong 1” THPT xảy ra nhiều tiêu cực, được dư luận quan tâm. Thi thì kết quả đậu rất cao, có địa phương đạt 99%.

Thi có trúng, trượt nhưng cách làm vừa qua xem có hợp lý hay không? Thống nhất quy định vẫn có thi THPT nhưng đại biểu đề xuất cần có khoản giao Chính phủ nghiên cứu thời gian sau, tuỳ thực tế mà có thể bỏ thi THPT, chỉ cấp bằng THPT có điều kiện cụ thể để giảm chi ngân sách nhà nước vì kỳ thi rất tốn kém.

Đại biểu này cho rằng nên tổ chức thi tuyển sinh ĐH như trước kia để tuyển học sinh có năng lực khá giỏi tham gia, những học sinh trung bình thì có thể học nghề, lao động theo sở thích và năng lực, từ đó chất lượng đầu vào ĐH nâng lên, tiết kiệm cho gia đình và xã hội.

Thầy Nguyễn Tuấn Hùng (Hà Nội): “Khi nào những kỳ thi mới trở nên nhẹ nhõm với toàn xã hội? Nhưng hơn thế nữa, sau bê bối kinh khủng năm ngoái, biết bao nhiêu câu hỏi: Liệu “kỳ thi có an toàn, công bằng”? dường như khó có lời đáp nào thỏa đáng... May rủi và sai lầm có thể thay đổi cả một số phận, trong khi năng lực của một con người thể hiện qua quá trình nỗ lực tự học chứ không phải chỉ đánh giá ở một kỳ thi”.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT, Đại học FPT: “Đề nghị cho các địa phương đặc cách xét tốt nghiệp cho 30% thí sinh khá giỏi tính từ trên xuống tại địa phương mình, còn 70% vẫn thi THPT Quốc gia. Điều này sẽ buộc các trường phải tăng tính tự chủ vì 30% số học sinh khá giỏi không có điểm thi THPT Quốc gia. Đây là một cú hích tăng tính vận động của các trường ĐH, đồng thời giảm căng thẳng, tốn kém...”.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: "Các năm gần đây kỳ thi có nhiều thay đổi nhưng không cho thấy rõ định hướng. Trong bối cảnh số lượng thí sinh tham gia xét tuyển ĐH bằng kỳ thi này ngày càng giảm, các trường ĐH tăng cường thêm các phương thức khác. Ngay kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng thu hút khoảng 60.000 thí sinh tham gia. Vậy thời gian tới kỳ thi này sẽ như thế nào?”.

Thu Hằng/Báo VOV
Bình luận
vtcnews.vn