Không đủ diện tích không được lập trường mầm non

Giáo dụcThứ Năm, 14/08/2014 04:58:00 +07:00

(VTC News) - Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định nếu không đủ diện tích tối thiểu thì các quận cũng đã không thể quyết định cho thành lập các trường mầm non.

(VTC News) - Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định nếu không đủ diện tích tối thiểu thì các quận cũng đã không thể quyết định cho thành lập các trường mầm non.

Xung quanh những băn khoăn của các bậc trong việc tìm trường mầm non tư thục tại các quận trung tâm của Hà Nội, bà  Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã chia sẻ các vấn đề đảm bảo chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ mầm non trong năm học mới.

- Số lượng trường mầm non hiện có trên địa bàn TP Hà Nội liệu có đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ trong năm học mới không, thưa bà?


Bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội  
Hiện nay, số trường mầm non trên địa bàn thành phố là 905 cuối năm học trước và đến năm học này đã lên tới 948 trường, tăng cao nhất cả nước. Để đáp ứng nhu cầu học tập của các gia đình, ngành giáo dục của thành phố đã rất quan tâm tới bậc học mầm non.


Một điểm mới nữa là, dù cơ cấu dân cư ở Hà Nội tăng lên rất nhanh cùng với các khu đô thị mới nhưng vì trường học ở Hà Nội đã đón đầu được vấn đề này nên công tác tuyển sinh của ngành giáo dục Hà Nội trong năm học này được thực hiện khá tốt.

- Việc tuyển sinh trẻ mầm non được quan tâm như thế nào, thưa bà?

Khi nói đến công tác tuyển sinh thì mầm non là cấp học được ưu tiên nhất vì số lượng trẻ học mầm non tăng rất nhanh, với tổng số trên 440.000 trẻ, bằng 1/10 cả nước, bình quân hàng năm tăng 28 nghìn trẻ.

Hiện nay, quy hoạch mạng lưới trường, lớp là rất quan trọng để Hà Nội xác định được vị trí trường học công lập và ngoài công lập. Đến thời điểm này, đã có 82% số trẻ được học tại các trường công lập. Và một vấn đề khác nữa là tỉ lệ huy động trẻ ra lớp rất cao, đặc biệt tuổi mẫu giáo đạt xấp xỉ 97% trở lên.

Như vậy, phổ cập mầm non 5 tuổi là bền vững. Tháng 12 vừa qua, Hà Nội đã được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, về đích trước 2 năm so với toàn quốc.

- Chất lượng giáo dục mầm non ở các trường ngoài công lập sẽ được kiểm tra, kiểm soát như thế nào, nhất là với các trường tư thục thu học phí cao nhưng diện tích chật hẹp như vậy có đảm bảo quyền lợi của phụ huynh không, thưa bà?

Số lượng các trường mầm non ngoài công lập phát triển đã gánh bớt cho các trường công vì số lượng trẻ đang quá tải, không thể đáp ứng hết tất cả nhu cầu.

Trường ngoài công lập phải thực hiện 3 công khai bao gồm: công khai thu chi, công khai cam kết chất lượng, công khai về đội ngũ và cơ sở vật chất. Và việc kiểm tra các trường này đã được phân cấp rõ ràng, trong đó, các quận, huyện có trách nhiệm cao trong việc kiểm tra các trường ngoài công lập đáp ứng 3 tiêu chí đó.

Có thể nói, những trường học phí cao không được coi là trường chất lượng cao vì để đạt được chất lượng cao thì cần đáp ứng 5 tiêu chí của Nhà nước ban hành và khi đáp ứng đủ thì mới được quyền treo biển.

Nếu treo biển chất lượng cao mà chưa đủ tiêu chí thì các cơ sở đó sẽ bị phạt và quận, huyện quản lý địa bàn phải giám sát việc đó. Việc thu học phí cao là được phép vì hiện nay không có mức trần đối với mức học phí ngoài công lập.

Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đang có kiến nghị với Bộ GD- ĐT cần có cách quản lý chặt hơn để đỡ thiệt hại cho người dân. Dù vậy, quan trọng nhất vẫn là công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm.

-  Sở GD-ĐT Hà Nội có giám sát được về diện tích, cơ sở vật chất của những trường mầm non tư thục này có đảm bảo hay không?


 
Những trường học phí cao không được coi là trường chất lượng cao vì để đạt được chất lượng cao thì cần đáp ứng 5 tiêu chí của Nhà nước ban hành và khi đáp ứng đủ thì mới được quyền treo biển
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Thị Hồng Nga
 
Về quy định diện tích 8m2/trẻ là chuẩn quốc gia và hiện nay chỉ có 20% cả nước đạt được. Ngoài vấn đề về diện tích trường, lớp, chuẩn quốc gia bao gồm từ hiệu trưởng, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, mọi hoạt động khác. Do vậy, không thể nói là không đủ diện tích thì không mở trường.


Hiện, Hà Nội có một phương án là xây nhà trẻ và mẫu giáo cho các khu đô thị, khu công nghiệp, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp phải trả lương cho đội ngũ giáo viên, thế nhưng không phải nơi nào cũng làm được như vậy.

Hiện nay, Hà Nội đang xây nhà trẻ và mẫu giáo trong các khu công nghiệp, khu đô thị với 80% là trường công lập, còn 20% ngoài công lập. Đối với các quận “lõi” của TP như quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm đã xây thêm một số trường, tuy diện tích không được lớn, nhưng nhiều trường mầm non đất chật đã có giải pháp là nâng tầng nên phần nào đáp ứng được quy định.

Tuy nhiên, không tránh khỏi việc một vài trường chưa đáp ứng được các tiêu chí cụ thể thì vấn đề này cần phải chấn chỉnh trong thời gian tới.

- Những biện pháp gì sẽ được thực hiện để duy trì và bảo đảm quyền lợi cho trẻ mầm non trên địa bàn, thưa bà?

Trong năm học này, Hà Nội sẽ cố gắng duy trì và phát huy những kết quả đã làm được trong năm học trước, xứng đáng là đơn vị đi đầu trong giáo dục mầm non.

Cụ thể là giữ vững kết quả chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đảm bảo chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và tổ chức các chuyên đề cho trẻ về vận động, âm nhạc, phòng chống suy dinh dưỡng…

Việc quan tâm bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên được Hà Nội làm hiệu quả. Hàng tuần lãnh đạo Sở đều có ít nhất 3 buổi đi kiểm tra các cơ sở mầm non của thành phố, chứ không phải Sở chỉ xây dựng chính sách.

Việc đi kiểm tra này sẽ tạo cơ sở để lên được kế hoạch, nhiệm vụ sát với thực tế. Từ những sự việc đơn lẻ sẽ được lãnh đạo Sở rút kinh nghiệm với toàn bộ các trường và lồng ghép vào các chuyên đề cụ thể để các giáo viên mầm non có thế lấy đó là ví dụ trong công tác chăm sóc trẻ.

Hay việc bảo đảm an toàn cho các cháu tại các trường mầm non tại vùng ngoại thành với nhiều sông, hồ, nguy cơ nguy hiểm là rất cao. Quyền lợi của trẻ phải đưa lên hàng đầu, công tác chăm sóc, bảo đảm cho trẻ là rất quan trọng, sau đó mới đến giáo dục vì nếu các cháu không có sức khỏe tốt thì khó có tư duy tốt. Chính vì vậy, chống suy dinh dưỡng được coi trọng, được nhà trường tư vấn cho các gia đình.

- Đối với các giáo viên mầm non, thành phố đã có chính sách gì để những giáo viên này yên tâm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ?

Mặt khác, việc đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên mầm non cũng được chú trọng để các cô yên tâm, toàn tâm công tác. Ví dụ, một lớp 35 cháu bắt buộc phải có 3 cô. Trong vòng thời gian không dài nhưng Hà Nội tuyển biên chế với số lượng rất lớn. 3 năm tuyển được hơn 17.642 biên chế, để ổn định công tác cho đội ngũ giáo viên.

- Phương pháp tuyển sinh có gì thay đổi để không gây căng thẳng cho các phụ huynh, thưa bà?

Một vấn đề nữa để đảm bảo chất lượng là khu vực nào quá đông trẻ trong độ tuổi đến trường thì cách làm trong thông báo tuyển sinh phải có sự thay đổi, thời gian nào tuyển 5 tuổi, thời gian nào tuổi 4 tuổi, 3 tuổi.

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tuyển sinh ào ào một lúc. Vì tâm lý phụ huynh hiện nay muốn con được học hệ công lập do học phí thấp nên nếu số lượng các cháu quá đông so với nhu cầu nhà trường nhận được thì trước tiên sẽ phải bốc thăm có chính quyền địa phương và chính các phụ huynh tham gia. Thực tế, hiện nay ở Hà Nội không tránh khỏi còn một số trường phải thực hiện công việc này.

Xin cảm ơn bà!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn