Không có chuyện miễn thi môn Văn?

Giáo dụcThứ Ba, 15/01/2013 03:22:00 +07:00

Sau khi nhà thơ Trần Đăng Khoa lên tiếng về việc “Sao lại bỏ thi Văn?” trong các trường ĐH-CĐ nghệ thuật khối H, N, S, Bộ GD-ĐT lên tiếng.

Sau khi nhà thơ Trần Đăng Khoa lên tiếng về việc “Sao lại bỏ thi Văn?” trong các trường ĐH-CĐ nghệ thuật khối H, N, S, Bộ GD-ĐT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lên tiếng.

Theo Đề án thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vào các trường khối văn hóa - nghệ thuật mà Bộ GD-ĐT công bố vào ngày 9/1 đã nêu rõ: Đối với các trường có tuyển sinh các ngành khối Văn hóa (khối C), chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT.

TS thi các trường nghệ thuật phải tham gia thi văn theo đề thi ba chung của Bộ GD-ĐT 
Đối với những trường có tuyển sinh các ngành khối Nghệ thuật (khối H, N, S): Môn Ngữ văn sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT.

Môn năng khiếu do Hiệu trưởng các trường quyết định. Để tổ chức thi các môn năng khiếu này, hiệu trưởng các trường lập Đề án trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, báo cáo Bộ GD-ĐT trước ngày 31/1/2013.

PGS.TS. NGUT Đào Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ đào tạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Mọi người đừng hiểu lầm là bỏ thi môn Văn, miễn thi môn Văn ở các trường thi khối H, N, S. Môn Văn vẫn là môn quan trọng như các môn năng khiếu.

Các thí sinh chỉ không dự thi môn Văn tại trường văn hóa - nghệ thuật mình đăng ký thi mà phải thi môn Văn theo tuyển sinh “3 chung” ở các trường ĐH, CĐ khác rồi mang kết quả môn Văn đó về trường nghệ thuật để xét tuyển.

Điểm mới thay đổi trong tuyển sinh năm nay ở khối các trường văn hóa - nghệ thuật này nhằm tiết kiệm cho thí sinh không phải dự thi 2 lần”.

Về phía Bộ GD-ĐT, PGS.TS Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT khẳng định: “Đối với một số ngành có yêu cầu cao về năng khiếu như hát, múa… thì Hội đồng tuyển sinh các trường có thể ưu tiên cho môn năng khiếu.

Tuy nhiên, việc miễn thi môn văn không có nghĩa là hạ thấp yêu cầu đối với môn học này. Các trường cần đặt ra yêu cầu trong khi xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết các năm học. Các yêu cầu này cần phải được công bố công khai trước khi tuyển sinh”.

Theo đó, tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép 10 trường được thi tuyển sinh riêng theo Đề án này gồm: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc TP.HCM, ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH sư phạm Nghệ thuật Trung ương, CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, CĐ Múa Việt Nam, CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.

Theo PGS Đào Mạnh Hùng, mục đích của việc cho các trường khối này tổ chức thi riêng nhằm giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác tuyển sinh. Việc tuyển sinh riêng này nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật.

Bên cạnh đó, không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi, ôn tập và các hình thức tiêu cực biến tướng khác.

Theo Dân trí

Bình luận
vtcnews.vn