Học ngành dự báo thời tiết tại Đại học Khoa học Tự nhiên có sợ thất nghiệp?

Giáo dụcThứ Ba, 31/07/2018 14:29:00 +07:00

Đại diện trường Đại học Khoa học Tự nhiên giải đáp những thắc mắc của thí sinh yêu thích công việc làm về dự báo thời tiết.

Năm 2018, khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học tuyển sinh với 90 chỉ tiêu, cho những ngành học là Khí tượng và Khí hậu học cùng ngành Hải dương học.

Khi giải đáp những băn khoăn về cơ hội việc làm lĩnh vực trên, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh - Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên (KHTN) thừa nhận đây là tâm lý e ngại chung của nhiều thí sinh đối với những ngành nghiên cứu về khoa học trái đất.

vu-hoang-linh 3

 PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh - Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên. 

Ông Linh cho biết cơ hội việc làm luôn rộng mở với các cử nhân có kiến thức vững như Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Sở Tài nguyên Môi trường các tỉnh và các đơn vị, doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực dự báo, tư vấn, quản lý các vấn đề khí tượng - thủy văn.

Bên cạnh đó, ông Linh cho biết, Tổng cục Khí tượng Thủy văn quốc gia có chương trình học bổng cho sinh viên các ngành này và ưu tiên vị trí việc làm sau tốt nghiệp. Đây được coi là lĩnh vực rất cần cho đất nước, rất cần các chuyên gia giỏi trong dự báo phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại cho xã hội, doanh nghiệp sản xuất.

Đối với quá trình thực tập, hàng năm, sinh viên thường đi thực tập tại các sở ban ngành, các viện nghiên cứu, các trung tâm khí tượng.

Giải đáp băn khoăn của một thí sinh "được 19,5 điểm liệu có đủ điểm vào khoa và cơ hội việc làm sau này?", PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh - Phó hiệu trưởng trường Đại học KHTN cho biết: "Với kết quả thi như trên, cơ hội trúng tuyển khá cao, em có thể mạnh dạn đăng kí. Trong chương trình đào tạo, có các học phần liên quan đến biến đổi khí hậu, thời gian qua luôn được nhà trường bổ sung và cập nhật".

IMG_8855

 Các thí sinh thi tốt nghiệp THPT xem lại bài thi sau khi rời phòng thi.

Trong quá trình học tập và thực tập, sinh viên được đi thực hành ở các trạm quan trắc khí tượng và thủy văn, sở tài nguyên môi trường, tổng cục khí tượng thủy văn... Có những vị trí công việc phải đi công tác và đo đạc, thực nghiệm. Tuy nhiên cũng có những vị trí công việc làm việc trên máy tính, phòng thí nghiệm, không nhất thiết luôn phải đi công tác xa.

Hiện nhà trường có nhiều dự án hợp tác với nước ngoài, ví dụ với Đan Mạch, Phần Lan, Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Sinh viên có thể tham gia dự án để nghiên cứu, thực hiện đề tài, khóa luận tốt nghiệp.

Đối với ngành Hải dương học, sinh viên có thể học các kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực như sinh thái biển, môi trường biển, thủy văn và dòng chảy biển... Sinh viên có cơ hội đi thực tập ở các viện nghiên cứu, sở tài nguyên môi trường, thực địa ở các vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn