Hiệu trưởng vùng cao viết thư xin gạo nuôi học sinh: Tôi lo nhiều học sinh sẽ phải quay về bản

Giáo dụcThứ Năm, 26/12/2019 12:54:27 +07:00
(VTC News) -

Trong năm tới, nếu học sinh trường Tiểu học Nậm Manh không nhận được tiền hỗ trợ từ tỉnh thì sẽ có nhiều em phải quay trở lại bản học tập trong những điều kiện thiếu thốn.

Bức thư của thầy giáo Phạm Quốc Bảo - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) gửi các cơ quan, đơn vị, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm để xin gạo nuôi học sinh nhận được rất nhiều người chú ý sau khi chia sẻ trên mạng.

Thầy Bảo cho biết, hiện nhà trường có 19 lớp với 455 học sinh và trong đó có 251 em phải ăn ở nội trú vì nhà cách xa trường. Toàn bộ học sinh ở trường đều là con em đồng bào dân tộc Mông. Hầu hết các hộ dân sinh sống bằng nghề trồng lúa nước nhưng năng suất thu hoạch thấp, nên kinh tếgia đình khó khăn và thiếu thốn. Đa số các em đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo.

Đến tháng 4/2017, xã Nậm Manh chỉ còn 2 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, 3 bản thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn nên hiện chỉ có 48 học sinh được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn và gạo của nhà nước (theo Nghị định 116/NĐ-CP). Còn 203 học sinh không được chế độ hỗ trợ gạo, được hỗ trợ tiền ăn của tỉnh từ tháng 1/2019 đến hết năm học 2019 – 2020.

Hiệu trưởng vùng cao viết thư xin gạo nuôi học sinh: Tôi lo nhiều học sinh sẽ phải quay về bản - 1

Một điểm lẻ của trường Tiểu học Nậm Manh (ở địa bàn xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu)

Hiện học sinh ở nội trú không thuộc vùng 3 chỉ được tỉnh hỗ trợ tiền ăn nhưng không được hỗ trợ gạo nên nhà trường phải đi xin gạo để nuôi các em.

"Dù các hộ dân thoát khỏi vùng 3 được gần 3 năm nhưng đời sống người dân vẫn còn rất khó khăn, tỉnh lại chỉ hỗ trợ tiền ăn nhưng không hỗ trợ gạo nên chúng tôi phải đi xin để học sinh có vữa cơm đầy đủ hơn một chút.

Đã 3 năm nay, năm nào tôi cũng viết thư kêu gọi các đơn vị tài trợ ủng hộ gạo cho nhà trường để nuôi các học sinh. Hai năm đầu tôi kêu gọi rất nhiều đơn vị và các nhóm từ thiện mới xin đủ gạo để nuôi các em nhưng đến năm nay tôi đang gặp khó khăn vì các mối quan hệ cũng có hạn và nguồn tài trợ không còn dồi dào như các năm trước.

Trong năm nay, nhà trường mới chỉ nhận được thông tin từ một công ty ở Bình Dương nói có nguyện vọng muốn hỗ trợ nhà trường 1 tấn gạo sau khi đọc được lá thư ngỏ trên báo chí" - thầy Bảo chia sẻ.

 

Hiệu trưởng vùng cao viết thư xin gạo nuôi học sinh: Tôi lo nhiều học sinh sẽ phải quay về bản - 2

Khu bếp được thầy Phạm Quốc Bảo chia sẻ trong lá thư.

Thầy Bảo cho biết thêm, trong năm học tới, nhà trường sẽ gặp khó khăn hơn khi số lớp học sẽ tăng lên 27 nhưng tỉnh lại không hỗ trợ tiền ăn cho học sinh nên ông rất lo lắng.

"Nếu tỉnh ngừng hỗ trợ tiền ăn cho học sinh mà chúng tôi không kêu gọi được tài trợ thì tôi lo rằng nhiều khả năng các em sẽ phải về bản học. Mà lớp lẻ ở các bản thì cơ sở vật chất không được đảm bảo như ở trung tâm và chất lượng học tập sẽ thấp hơn vì các em phải học ở những lớp ghép.

Giáo viên ở lớp ghép thường phải soạn 2 giáo án và giảng dạy cùng lúc 2 lớp ở trình độ khác nhau. Chất lượng giáo viên cũng là một vấn đề vì nhiều giáo viên không thể dạy cùng lúc lớp 4 và lớp 5 được" - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nậm Manh cho hay.

Ngoài xin gạo để nuôi cho học sinh, vị hiệu trưởng này cũng đề cập đến việc kêu gọi các đơn vị tài trợ xây dựng lại khu bếp nấu ăn của nhà trường vì công trình này đã hỏng. Bên cạnh đó, khu nhà ở bán trú của học sinh được làm bằng tôn cũng không đảm bảo an toàn cho học sinh.

"Gọi là công trình nhưng thực chất khu bếp nấu ăn chỉ được dựng bằng những cây cọc gỗ và lợp tạm mái tôn. Tuy nhiên, các cây cột chôn xuống đất được mấy năm thì đến nay đã mục nên thầy cô giáo phải lấy cây khác để buộc vào để cho những cây cột đó đứng tạm.

Khu nhà ở bán trú của học sinh được dựng toàn bộ bằng tôn nên mùa hè học sinh phải chịu cảnh nóng nực bởi trần thấp nên nhà trường cũng không thể lắp quạt, còn đến mùa đông thì rất lạnh" - thầy Bảo tâm sự.

Hiệu trưởng vùng cao viết thư xin gạo nuôi học sinh: Tôi lo nhiều học sinh sẽ phải quay về bản - 3

Khu nhà ở bán trú của học sinh được làm bằng tôn vẫn còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nậm Manh thông tin, năm 2014 thầy Bảo về trường nhậm chức khi đó các học sinh đến trường rất ít và nhà trường phải rất vất vả vận động học sinh đến lớp. Thời gian đầu, học sinh đến trường nhưng sau đó trốn học về nhà.

Tuy nhiên, nhà trường tham mưu cho chính quyền xã cần phải có biện pháp vận động các gia đình, đồng thời tạo ra những sân chơi ở trường (sân bóng đá, khu vui chơi riêng..) để các em có hứng thú hơn khi tới trường học tập.

"Giờ cảnh quan trường cũng đẹp hơn vì có thêm những sân chơi và học sinh đã tự giác đến trường nhưng thời gian tới tỉnh không hỗ trợ tiền ăn thì các em sẽ ra sao?" - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nậm Manh buồn bã nói.

Độc giả ủng hộ xin mời liên lạc thầy Phạm Quốc Bảo - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu). Số điện thoại: 0977.544.651

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn