Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam sẽ tiếp cận chuẩn chung thế giới

Giáo dụcThứ Hai, 08/02/2016 06:12:00 +07:00

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng với đề án cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam sẽ tiếp cận với chuẩn chung thế giới

(VTC News) - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng với đề án cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam sẽ tiếp cận với chuẩn chung của thế giới.

Nhân dịp đầu năm mới, báo điện tử VTC News đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển xung quanh Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển 

- Vì sao Bộ GD-ĐT lại vừa trình Thủ tướng Chính phủ cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân trong thời điểm hiện nay, thưa Thứ trưởng?

Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo yêu cầu “hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”.

Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 9/6/2014 của Chính phủ yêu cầu: “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các trình độ đào tạo và giữa các hình thức giáo dục, đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và hội nhập quốc tế …. Ban hành khung trình độ quốc gia phù hợp với khung trình độ của khu vực và thế giới”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã xây dựng xong Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Có thể thấy rằng cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay còn chưa đồng bộ, kém liên thông giữa các bộ phận (giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học); không xác định rõ yêu cầu trình độ cấp THCS; giải pháp phân ban ở THPT không thành công; chồng chéo giữa giáo dục chuyên nghiệp và cao đẳng với hệ thống dạy nghề trong giáo dục nghề nghiệp là những nguyên nhân quan trọng khiến cho việc phân luồng từ sau THCS cho đến cấp THPT không hiệu quả, việc khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo gặp khó khăn, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế.

Chưa có khung trình độ quốc gia về giáo dục tương thích với khu vực và quốc tế gây khó khăn trong việc công nhận trình độ cho người lao động giữa nước ta và các nước khác, nhất là khi Việt Nam đã tham gia Cộng đồng ASEAN.

Việc hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đáp ứng yêu cầu của đổi mới và hội nhập, tạo điều kiện khắc phục các hạn chế nêu trên.
Hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam
Hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam 

- Điểm mới trong phương án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân là gì, thưa Thứ trưởng?

Trên cơ sở cơ cấu hệ thống giáo dục hiện nay, tham khảo của nhiều nước trên thế giới, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới được đề xuất có một số điểm đáng chú ý sau đây:

Chín năm từ tiểu học đến hết THCS tất cả học sinh được học theo một chương trình quốc gia, bảo đảm kiến thức phổ thông nền tảng nhưng có phần linh hoạt theo địa phương; học sinh hình thành phương pháp tự học, có khả năng tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực luật pháp và đạo đức của xã hội, bảo đảm cơ sở cho việc phân luồng ngay sau THCS, các em có thể tham gia thị trường lao động đơn giản hoặc học nghề, học THPT.

Ở cấp THPT, học sinh có quyền chọn lựa chọn các môn học theo định hướng nghề nghiệp, có 3 hướng chính: Định hướng chung có tính hàn lâm, khoa học; định hướng kỹ thuật, công nghệ; định hướng năng khiếu nghệ thuật, thể thao phù hợp hướng phát triển của cá nhân theo các nghề nghiệp xã hội hoặc các ngành đào tạo ở các bậc học trên.

Thống nhất các trình độ giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, gồm: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Giáo dục bậc cao gồm: đại học, sau đại học và đào tạo tiến sỹ; không thay đổi về tên các trình độ nhưng bậc đại học  có thời gian đào tạo từ 3-4 năm thay vì 4-6 năm như hiện nay, được phân thành 3 luồng chính: Định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành. Việc đào tạo tiến sỹ trước đây là 2-4 năm nhưng thực tế cho thấy không có trường hợp nào 2 năm đã hoàn thành nên Đề án điều chỉnh thời gian đào tạo là 3-4 năm.

Các điều chỉnh này sẽ giúp cho hệ thống giáo dục đại học tiếp cận hơn với chuẩn mực chung của quốc tế trong tổ chức đào tạo đại học và sau đại học.

Điểm nổi bật của Đề án còn là việc xây dựng các cấp học và trình độ đào tạo được tương thích với khung trình độ của UNESCO, của ASEAN, của châu Âu. Sau khi Cơ cấu hệ thống được phê duyệt, công việc tiếp theo là cần điều chỉnh hoặc xây dựng mới các chương trình và triển khai thực hiện các quá trình đào tạo phù hợp với khung đã được phê duyệt, bảo đảm có sự liên thông giữa các trình độ đào tạo, giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp và với giáo dục bậc cao, giữa giáo dục chính quy với giáo dục thường xuyên, tạo thuận lợi cho học tập suốt đời; khắc phục tình trạng nhiều bằng cấp ở Việt Nam chưa được nhiều quốc gia công nhận như hiện nay.


- Việc thực hiện phân luồng học sinh THPT theo 3 định hướng trên sẽ được thực hiện đồng loạt hay thí điểm trước?

Việc thực nghiệm được tiến hành ngay trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục mới. Khi triển khai sẽ thực hiện đồng loạt ở các địa phương nhưng mức độ, tính chất có sự khác nhau tùy theo từng vùng, từng trường.

- Có ý kiến lo ngại việc phân luồng học sinh THPT theo 3 định hướng như là đào tạo phân ban nhưng theo hình thức khác?

Việc phân ban đang thực hiện ở cấp THPT và cho học sinh tự chọn định hướng theo như Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân có điểm giống nhau là phân hóa học sinh theo luồng khác nhau.

Tuy nhiên, giữa phân ban và định hướng học sinh có những sự khác biệt. Nếu học sinh chọn học phân ban thì phải học những môn theo ban đó đã quy định và không thể chuyển đổi giữa ban này sang ban khác được. Nhà trường phải sắp xếp giáo viên, học sinh học theo ban nào thì ổn định từ lớp 10 cho đến hết lớp 12.

Còn đối với việc cho học sinh tự chọn theo 3 luồng: định hướng chung, kỹ thuật công nghệ và năng khiếu sẽ linh hoạt hơn. Các nhóm học sinh đã chọn theo từng định hướng khác nhau vẫn có thể học các môn chung cùng với nhau. Nếu học sinh muốn chuyển đổi định hướng này sang định hướng khác thì có thể chỉ chuyển đổi một số môn chứ không nhất thiết phải thay đổi cả ban như học phân ban.

Với hình thức phân luồng học sinh theo 3 định hướng, các trường không nhất thiết phải đồng loạt thay đổi giống nhau mà tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên khác nhau mà đáp ứng nhu cầu dạy học khác nhau. Khi bắt đầu thực hiện việc giảng dạy theo tự chọn định hướng, việc đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh có thể còn hạn chế. Tuy nhiên, khi nhà trường ngày càng phát triển với việc huy động các tổ chức xã hội, giáo viên ở các nơi cùng tham gia đào tạo thì sẽ ngày càng đáp ứng nhu cầu học tập theo định hướng của học sinh.

Có thể nói, với việc dạy học phân ban nhưng lại không đổi mới về cách thức kiểm tra, đánh giá, thi cử nên việc dạy và học theo hình thức này không thành công.

Với việc cho học sinh tự chọn theo 3 luồng định hướng theo như Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, cùng với việc đổi mới chương trình sách giáo khoa; tập huấn, nâng cao chất lượng giáo viên, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương, trường học thực hiện đổi đồng bộ về cách thức kiểm tra, đánh giá, thi cử. Như vậy, việc chuyển đổi dạy học theo phân ban sang giảng dạy lựa chọn định hướng của học sinh sẽ bảo đảm tính đồng bộ, mềm mại, linh hoạt hơn.

- Nếu thực hiện phân luồng học sinh theo 3 định hướng như Đề án thì sẽ xảy ra tình trạng học sinh lựa chọn học học một định hướng nhiều hơn hẳn các định hướng còn lại, thưa Thứ trưởng?

 Khi nhà trường chưa đáp ứng được các yêu cầu của học sinh thì họ phải có sự dàn xếp, bố trí sao cho hợp lý. Khi trường học càng được đầu tư để phát triển lên thì điều kiện để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh sẽ càng được tăng hơn.

- L
ộ trình xây dựng cơ sở vật, đội ngũ giáo viên và các yếu tố khác như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Việc hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân phải dựa trên điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện nay và bổ sung trong thời gian tới. Những giáo viên đang giảng dạy như hiện nay sẽ được tập huấn thêm để có thể dạy theo chương trình mới.

Điều quan trọng là chúng ta phải xây dựng lại chương trình, hệ thống sách giáo khoa và thực hiện quyền tự chủ của nhà trường để đáp ứng được yêu cầu của chuẩn chất lượng giảng dạy và nguồn nhân lực, chuyển từ trọng tâm trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất  người học.

Như vậy, đổi mới giáo dục không đặt khối lượng kiến thức là yêu cầu bắt buộc mà  yêu cầu cao hơn về giáo dục toàn diện đồng thời phát triển tiềm năng riêng của từng học sinh, rèn luyện năng lực tự học, vận dụng kiến thức đối với học sinh. Cùng với đó, các trường phải có sự đổi mới về kiểm tra đánh giá theo tiêu chí vì sự tiến bộ và phẩm chất, năng lực của người học.

Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!


Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn