Hàng nghìn học sinh Hải Dương có dấu hiệu bị lừa đảo học trực tuyến

Giáo dụcThứ Ba, 31/07/2018 11:43:00 +07:00

Sau thời gian ký hợp đồng, nộp tiền cho con học trực tuyến qua mạng, hàng nghìn phụ huynh, học sinh ‘ngã ngửa’ khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo.

Ký hợp đồng xong mất hút

Báo VTC News nhận được đơn của nhiều phụ huynh học sinh ở xã Hồng Thái (Ninh Giang, Hải Dương) phản ánh, từ đầu năm 2018, có một nhóm thanh niên khoảng 3-4 người vào các trường tiểu học và THCS nói là người của Công ty Phần mềm máy tính Quốc Cường (Hà Nội), được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường đã lên các lớp tư vấn chương trình học trực tuyến cho các em học sinh.

Nhóm này phát cho mỗi học sinh 1 tờ phiếu, yêu cầu ghi số điện thoại và về hỏi ý kiến bố mẹ cho đăng ký học trực tuyến trên mạng các môn học trong hướng dẫn của tờ phiếu.

IMG20180730103611 3

Phiếu khảo sát hỗ trợ học trực tuyến của doanh nghiệp tư nhân phần mềm Quốc Cường. 

Sau đó, người của trung tâm (thuộc Công ty phần mềm Quốc Cường) gọi điện cho từng phụ huynh chào mời và tư vấn rất thuyết phục như nội dung trong bản hợp đồng ký với phụ huynh. Hầu hết các phụ huynh đều tin tưởng vào nhà trường nên đã đăng ký cho con học.

Rất nhanh chóng, ngay hôm sau, nhân viên kỹ thuật đến tận nhà phụ huynh để cài đặt phần mềm cho các cháu học. Mọi điều khoản đều có trong hợp đồng. Như vậy, mỗi cháu tham gia học trung bình mất khoảng 1,5 triệu đồng/2 năm.

Khi mọi thủ tục đã xong, các cháu được xếp lớp vào học. Mấy buổi đầu, người của trung tâm rất nhiệt tình, tuy nhiên, học được 5-7 buổi là bị trung tâm cho rời khỏi nhóm không được học nữa với nhiều lý do (máy tính hỏng, mạng kém…)

Thậm chí, có những cháu không được học buổi nào. Phụ huynh gọi điện đến trung tâm thì đều khóa máy, không liên lạc được. Máy bàn có chuông nhưng không có người nghe, gọi nhiều thì cúp máy luôn.

IMG20180730105821 4

Ký hợp đồng, nộp tiền xong là phụ huynh bị mất liên lạc với đơn vị dạy trực tuyến.

Sau khi thấy dấu hiệu bất thường, các phụ huynh ở nhiều huyện của Hải Dương liên lạc với nhau và phát hiện đều trong tình trạng mất liên lạc với trung tâm và có dấu hiệu bị lừa đảo.

Đặc biệt, những nhân viên trước từng tư vấn, đến nhà cài đặt phần mềm đều bị mất liên lạc cả tháng nay nên phụ huynh không biết kêu ai. Cực chẳng đã, các phụ huynh liên kết với nhau, làm đơn trình báo cơ quan chức năng và nhờ báo chí vào cuộc xác minh, nhằm kịp thời cảnh báo cho các bậc phụ huynh khác có ý định cho con theo học trực tuyến với trung tâm nêu trên.

Ông Nguyễn Văn Việt (SN1 978, ở xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) cho biết: “Tôi thấy có vấn đề nên gọi cho doanh nghiệp Quốc Cường theo các số điện thoại trong hợp đồng mà không ai nghe máy. Gọi vào số ông Nguyễn Văn Sáu (nơi ở trên CMND là thôn Nghĩa Lập, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội), chủ doanh nghiệp cũng không được. Tôi gọi hơn 270 cuộc từ máy bàn và điện thoại di động đều không thể liên lạc”.

“Chúng tôi tìm hiểu thì một số địa chỉ chi nhánh của doanh nghiệp này không có thật. Trên mạng có một số người ở Hưng Yên cũng rơi vào tình trạng đăng ký mà không được học như chúng tôi” một phụ huynh cho biết.

IMG20180730103831 5

Thực chất đó là phần mềm Skype, một phần mềm chat trực tuyến miễn phí và thông dụng. 

Khi phóng viên đề nghị các phụ huynh cho xem phần mềm học trực tuyến mà Doanh nghiệp tư nhân phần mềm Quốc Cường cài đặt. Thực chất đó là phần mềm Skype, một phần mềm chat trực tuyến miễn phí và thông dụng.

Nhóm phóng viên liên hệ với chị Lý (Hà Nội), một giáo viên từng dạy trực tuyến cho doanh nghiệp tư nhân phần mềm Quốc Cường, được biết, chị Lý đang bị ông Sáu nợ 18 triệu đồng. Đó là số tiền chị Lý ứng ra trả cho các giáo viên dạy trực tuyến cho ông Sáu.

Chị Lý cho biết thêm, do ông Sáu không trả tiền nên chị cũng nghỉ dạy và các lớp trực tuyến cũng nghỉ hết. Theo danh sách đăng ký chị Lý nắm được, ở Hải Dương có khoảng 1.000 người đăng ký học.

Nhóm phóng viên cũng đã liên hệ với ông Sáu và các số của doanh nghiệp tư nhân phần mềm Quốc Cường đều không thể liên lạc được.

Theo các phụ huynh, hiện ở Hải Dương có học sinh thuộc các huyện như Ninh Giang, Thanh Miện, Thanh Hà, Kim Thành và Cẩm Giàng theo học các lớp này. Không chỉ vậy, một số tỉnh như Hà Nam, Hưng Yên cũng có nhiều phụ huynh bị lừa theo kiểu tương tự.

IMG20180730103757 6

Ước tính khoảng 1.000 học sinh bị lừa đảo học trực tuyến qua mạng tại Hải Dương. 

Cơ quan quản lý nói gì?

Chiều 30/7, trả lời PV VTC News, lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Ninh Giang cho biết, đơn vị không cấp phép và doanh nghiệp Quốc Cường cũng không thông qua Phòng để tổ chức lấy thông tin tại trường.

Sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh học sinh, Phòng Giáo dục huyện đã họp với các hiệu trưởng để quán triệt không cho người lạ vào phổ biến dạy, học mà chưa được phép của các cấp lãnh đạo.

Theo kết quả của thanh tra Phòng Giáo dục huyện Ninh Giang, sự việc đúng như lời các phụ huynh phản ánh. Tuy nhiên, giấy phép kinh doanh, hợp đồng của doanh nghiệp tư nhân phần mềm Quốc Cường có dấu hiệu giả mạo, việc thực hiện hợp đồng có dấu hiệu lừa đảo.

Việc để người lạ vào lấy thông tin của học sinh là do một số hiệu trưởng thiếu cảnh giác, thiếu trách nhiệm, công tác quản lý, bảo vệ yếu kém.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Ninh Giang cho biết, trong thời gian tới sẽ rà soát cụ thể để báo cáo với các cấp cao hơn và có biện pháp xử lý.

IMG20180730153959 7

Sở GD-ĐT Hải Dương sẽ yêu cầu các phòng giáo dục báo cáo về vụ việc (nếu có). 

Chiều cùng ngày, trả lời PV VTC News, ông Trần Văn Nghìn - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương cho biết, ông Nghìn chưa nhận được thông tin phản ánh cụ thể từ các phòng giáo dục trong tỉnh mà chỉ nghe thông tin dư luận có sự việc nêu trên.

Ông Nghìn cho biết thêm, 1-2 ngày tới, sẽ báo cáo với lãnh đạo Sở để tìm hiểu và thông tin với báo chí sau. Về phía các phụ huynh, một số người đang làm đơn đề nghị làm rõ việc Công ty tư nhân phần mềm Quốc Cường đang có dấu hiệu lừa đảo gửi đến Công an tỉnh Hải Dương.

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn