Giáo viên băng rừng lội suối đến từng nhà vận động, mời trẻ tới lớp

Giáo dụcThứ Bảy, 26/10/2019 17:57:00 +07:00

Vượt qua vất vả về đường đi, cơ sở dạy học, thầy cô giáo ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) vẫn miệt mài ngày đêm đưa con chữ đến với các em vùng cao.

Ở Tu Mơ Rông - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, đời sống của đồng bào Xơ Đăng còn nhiều khó khăn. Vì mưu sinh, người dân nơi đây vẫn chưa chú trọng đến học tập của con em.

Vì vậy, việc duy trì sĩ số luôn là “bài toán” đau đầu với ngành giáo dục Tu Mơ Rông. Thế nhưng những người thầy, người cô vùng sâu vẫn không quản ngại khó khăn, gian khổ đến từng ngôi nhà, lên tận khu rẫy để vận động học sinh đến lớp.

giao-vien

Điểm trường ở xã Tu Mơ Rông.

Để về xã Tu Mơ Rông - xã khó khăn nhất của huyện Tu Mơ Rông, phóng viên phải xuất phát từ thành phố Kon Tum từ tờ mờ sáng. Vượt đỉnh Măng Rơi trong làn mưa mù, mây giăng phủ kín đỉnh núi, chúng tôi đến huyện Tu Mơ Rông.

Từ trung tâm huyện, chúng tôi vượt thêm 10km nữa mới đến được trường Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tu Mơ Rông. 

Dù là vùng sâu nhưng trường lại có tỉ lệ học sinh đến lớp cao nhất - đạt 100% sĩ số. Để có được kết quả này, các thầy cô phải đến từng nhà vận động từng em.

Xã Tu Mơ Rông có 8 thôn, đường sá đi lại khó khăn. Thôn xa nhất là Đăk Neng, cách trường gần 10km. Các thôn khác như Đăk Chum II, Đăk Ka cũng 6 đến 7 km.

Vào mùa mưa để đến trường chỉ còn cách đi bộ. Vậy mà, gần 20 thầy cô giáo của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tu Mơ Rông hàng ngày vẫn lặn lội đến từng thôn, vào từng nhà vận động học sinh ra lớp.

giao-viên2 3

Lớp học tại xã Tu Mơ Rông. 

Cô giáo Hồ Thị Thùy Vân - Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Tu Mơ Rông cho biết, toàn trường có 162 học sinh, trong đó được hưởng chế độ bán trú chỉ có 124 em. Trong khi học sinh nhà cách trường xa từ 7 đến 10km, vì vậy, công tác vận động các em đến trường rất vất vả.

Ở đây, phụ huynh học sinh hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn nghèo nên chưa quan tâm đến con em. Vào mùa rẫy đến hầu hết các em theo cha mẹ.

Sau những giờ lên lớp vất vả, chiều chiều các thầy cô lại tất bật tìm đến nhà từng học sinh tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Có hôm trời mưa, đường xa, thầy cô vẫn cầm đèn pin đến từng nhà học sinh và ngủ lại là chuyện bình thường. Với thầy cô giáo ở đây, các em đến lớp chuyên cần là vui rồi.

Nghĩa tình thầy trò

Xác định được sự khó khăn, vất vả nơi mình công tác, các thầy cô giáo luôn nỗ lực, tự động viên nhau vì tương lai của các em học sinh người dân tộc thiểu số. 

Thầy giáo Nay Y Hoàng, người gắn bó với điểm trường Đak Ka thuộc Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tu Mơ Rông cho biết: “Để ngày ngày thấy 100% các em đến lớp thì trong các giờ học tôi thường tổ chức cho các em các trò chơi để tạo hứng thú cho các em đến trường.

Những buổi tối, chúng tôi thường đến thôn để sinh hoạt tuyên truyền cho bà con thấy được ý nghĩa của việc đưa con em đến trường. Bây giờ, người dân đã nhận thấy được việc học của con cái nên đã để cho con cái đi học dù nhà ở xa điểm trường”.

gieo-chu1 4

Lớp học buổi tối của học sinh và thầy Nay Y Hoàng.

Hiệu trưởng Hồ Thị Thùy Vân cho biết thêm, để duy trì sĩ số học sinh, nhà trường cũng tổ chức cho các em ăn ở tại trường từ thứ 2 đến thứ 6. Điều này giúp giảm tối đa tình trạng học sinh nghỉ học do nhà xa hoặc thời tiết xấu không thể đến trường.

"Dù 100% là học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng nhìn vào kết quả huy động trẻ đến lớp và thành tích học tập mới thấy những nỗ lực, đóng góp của các thầy, cô giáo nơi đây không hề nhỏ", cô Vân nói.

Ông An Văn Sáu - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông cho biết, con em người đồng bào thiểu số chưa có ý thức học tập nhiều. Giáo viên đối mặt với muôn vàn khó khăn, vất vả vì sự nghiệp cao cả “cõng chữ” lên non cao. Tất cả họ đều vì khát vọng được cống hiến để mang ánh sáng tri thức đến những bản làng xa xôi.

ĐẠI DƯƠNG- BÌNH ĐỊNH
Bình luận
vtcnews.vn