Giáo trình lọt 'đường lưỡi bò': Thông tin trái ngược về nguồn gốc sách giữa ban giám hiệu và khoa

Giáo dụcThứ Ba, 05/11/2019 12:01:00 +07:00

Trong khi chủ nhiệm khoa nói sách có "đường lưỡi bò" do giáo viên mua thì phó hiệu trưởng nói do đoàn công tác giảng viên được tặng tại Trung Quốc.

Trao đổi với phóng viên, bà Đào Thúy Hằng, Phó chủ nhiệm khoa Trung - Nhật khẳng định, sự việc giáo trình có "đường lưỡi bò" do nhà trường phát hiện ra trong quá trình thẩm định, sinh viên phát hiện sau.

Bộ giáo trình "Developing Chinese" gồm ba cuốn Elementary Comprehensive Course (Tổng quan), Elementary Listening Course (Nghe) và Elementary Reading and Writing Course (Đọc - Viết). Sách do sinh viên khóa trước thực tập ở Trung Quốc mang về tặng cách đây 3-4 năm.

Chúng được lưu lại ở khoa làm tài liệu tham khảo kể từ đây. Học kỳ này, sách bắt đầu được đưa vào sử dụng cho sinh viên, còn trước đó khoa sử dụng bộ giáo trình khác. Về nội dung chuyên môn, vị phó khoa đảm bảo các giảng viên và Hội đồng khoa học khoa xem xét kỹ lưỡng, không có vấn đề sai sót gì liên quan đến chính trị, hay đường biên giới, biển đảo, biển Đông. 

Bà Hằng nhận trách nhiệm sai sót khi quá tập trung vào nội dung từ vựng, ngữ pháp trong giảng dạy mà không để ý đến các hình ảnh minh họa. Đồng thời do chủ quan muốn đổi mới cải tiến nhanh hơn nên Khoa đưa cuốn sách này vào sử dụng thử nghiệm cho sinh viên trước khi được Hội đồng khoa học nhà trường kiểm duyệt.

duongluoibo

  Hai cuốn giáo trình tiếng Trung bị thu hồi do có in "đường lưỡi bò" phi pháp. (Ảnh: Anh Thư)

Thông tin trên mâu thuẫn với lời giải thích của thạc sĩ Bùi Văn Thanh - Chủ nhiệm khoa. Theo ông Thành, sách do khoa trực tiếp mua về từ Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc), thấy giáo trình hay, ngữ pháp và cách đặt câu logic hơn những cuốn cũ ở khoa. Sách mới được áp dụng từ năm học 2019-2020.

Những năm trước đây, do khoa thường sưu tầm, sử dụng tài liệu chắp vá và không được biên soạn hoàn chỉnh; nên chọn phương án sử dụng sách "Developing Chinese" do Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc) làm giáo trình chính.

Theo ông Thanh, nhân sự trong khoa từng rà soát nội dung của cuốn giáo trình trên trước khi đưa vào giảng dạy nhưng do trong phần bản đồ chỉ có "một hình nhỏ" nên không kịp thời phát hiện được. 

Trong khi đó, Phó hiệu trưởng Vũ Văn Hóa từng cung cấp với báo chí rằng, sách do đoàn công tác giảng viên được tặng tại Trung Quốc. Ông Hóa khẳng định “đây là giáo trình mới được mua về vào đầu năm học 2019-2020. Cho nên việc để xuất hiện hình ảnh đường lưỡi bò là lỗi của nhà xuất bản. Nhà trường chỉ là người mua về”.

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi: “Theo phản ánh của một số sinh viên khoa Trung- Nhật, cuốn giáo trình này được sử dụng liên tục trong 3 năm học gần đây”, thì ông Hóa lại thừa nhận, sách được giảng dạy từ lâu nhưng không thấy sinh viên phản ánh gì.

Vị này cũng biện hộ do không trực tiếp giảng dạy, nên lãnh đạo trường đang chỉ đạo cho khoa Trung- Nhật kiểm tra lại và hiện chưa rõ số lượng bán ra hay thu hồi là bao nhiêu cuốn.

Như vậy, sau 12 ngày (22/10) kể từ khi sinh viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phản ánh về “đường lưỡi bò” trang 36 cuốn Đọc và trang 32 cuốn Nghe sơ cấp 1 "Developing Chinese", Ban Giám hiệu và khoa Trung vẫn trả lời bất nhất trước câu hỏi về nguồn gốc xuất xứ của cuốn sách từ đâu và được đưa vào giảng dạy chính thức từ khi nào?

Hiện trường thu hồi sách có "đường lưỡi bò" lên đến gần 1.000 cuốn. Khoa tiếng Trung - Nhật phải hoàn thành việc thu hồi trước ngày 20/11/2019.

 "Đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc ngang nhiên vạch ra, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn