Giáo trình có 'đường lưỡi bò' đưa vào giảng dạy trước khi hội đồng thẩm định phê duyệt

Giáo dụcThứ Hai, 04/11/2019 19:53:00 +07:00

Đại diện khoa tiếng Trung - Nhật (ĐH Kinh doanh và Công nghệ) nhận sai sót khi sách đang trong quá trình thẩm định nhưng tự đưa vào giảng dạy thử cho sinh viên.

Video: ThS. Đào Thị Thúy Hằng, Phó chủ nhiệm Khoa tiếng Trung - Nhật nhận sai sót

Ngày 4/11, bà Đào Thị Thúy Hằng - Phó chủ nhiệm khoa tiếng Trung - Nhật trả lời báo chí về việc Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sử dụng giáo trình Đọc sơ cấp 1 "Developing Chinese" có in hình bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp cho giảng viên, sinh viên khoa làm tài liệu học tập, giảng dạy.

Theo bà Hằng (công tác ở khoa từ năm 2009), cuốn giáo trình này nhà trường có được do sinh viên khóa trước đi thực tập ở Trung Quốc đem về tặng. Bà không nhớ rõ được là sinh viên nào. Giáo trình này trở thành sách tham khảo trong 3, 4 năm nay.

Khoa Trung Nhật có rất nhiều giáo trình, 3-4 năm trước khoa sử dụng bộ giáo trình khác để dạy sinh viên. Với bộ giáo trình mới này sau khi hội đồng khoa học của khoa xem xét nội dung, học kỳ này mới bắt đầu đưa vào sử dụng cho sinh viên. Thông tin này trái ngược với lời Phó hiệu trưởng Vũ Văn Hóa từng cung cấp, đó là sách do đoàn công tác giảng viên được tặng tại Trung Quốc.

75392730_1458039404352988_4429936596032159744_n 5

 Hàng nghìn cuốn giáo trình tiếng Trung có in hình "đường lưỡi bò" phi pháp bị thu hồi tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ. (Ảnh: Anh Thư)

Liên quan đến việc thẩm định chất lượng sách, bà Hằng cho biết, Tổ khoa học và tổ bộ môn xem xét rất kỹ nội dung. Nội dung không có thông tin sai lệch gì về chính trị, hay đường biên giới, biển đảo, biển Đông.

"Sau khi sự việc xảy ra, khoa Trung - Nhật chịu trách nhiệm vì trong quá trình tìm hiểu giáo trình có sai sót. Khoa quá tập trung vào nội dung giảng dạy từ vựng, ngữ pháp, kết cấu bài học mà không chú ý về hình ảnh trong sách. Sau khi thu hồi, khoa cho tất cả sinh viên chấm dứt không dùng. Chúng tôi đang sử dụng biên soạn và sử dụng bài giảng khác cho sinh viên trong thời gian gần đây", bà Hằng nói.

Băn khoăn về chất lượng giảng dạy không đồng đều khi thay đổi giáo trình, bà Hằng cho biết, bộ giáo trình nào của Trung Quốc cũng có kết cấu chung, dạy theo chủ điểm và cấu trúc ngữ pháp. Dựa vào đặc điểm như vậy, khoa sẽ tìm bài học khác để sắp xếp bố cục cho phù hợp với nội dung sinh viên đang học.

Chưa thẩm định xong, sách được đưa vào dạy thử

Liên quan đến quy trình thẩm định giáo trình trước khi đưa vào học tập và giảng dạy, vị phó chủ nhiệm khoa tiếng Trung - Nhật cho biết phải thông qua sự phê duyệt của hội đồng thẩm định do nhà trường thành lập nên.

Bà Hằng thừa nhận, các giáo trình từ trước đến nay nếu muốn đưa vào sử dụng đều phải thông qua sự phê duyệt này. 

"Khoa Trung - Nhật sai sót là đưa vào sử dụng thử trước khi Hội đồng thẩm định của nhà trường hoàn thành quá trình phê duyệt. 

Sau mấy tuần đưa giáo trình vào sử dụng thử, khi sinh viên học đến bài thứ 4, hội đồng thẩm định nhà trường và khoa lại phát hiện ra bản đồ (có in "đường lưỡi bò" phi pháp-PV) xuất hiện trong bài số 7. Chúng tôi cố gắng xử lý nhanh để tránh các em tiếp xúc với những thông tin này", bà Hằng phân trần.

74471166_2333849843409303_5038581050112999424_n

Hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp trong giáo trình giảng dạy của khoa tiếng Trung - Nhật (Đại học Kinh doanh và Công nghệ). (Ảnh: Anh Thư)

Trước câu hỏi tại sao giáo trình lần này không đúng quy trình mà khoa lại đưa vào sử dụng, bà Hằng cho rằng, lý do vì bộ giáo trình trước bị cũ. Năm học này, khoa chủ trương đưa ra ý kiến đổi mới, đột phá. Đồng thời, lượng sinh viên vào đông, khoa muốn nhân cơ hội này cải tiến và nâng cao.

Sách dạy thử nhưng bà Hằng cho biết, không thực hiện trên nhóm nhỏ mà với sinh viên toàn khóa. Lý do là "không thể nào áp dụng thử một lớp được vì khai giảng cùng 1 ngày, dạy như nhau".

Theo bà Hằng, nhà trường không đủ kinh phí để mua bản quyền giáo án của nhà xuất bản ở Trung Quốc nên hầu hết sẽ sử dụng để photo và in ra cho sinh viên sử dụng. Theo sinh viên khoa tiếng Trung - Nhật, các em đều phải mua sách học tại trung tâm phát hành sách của trường, giá bán là 30.000 đồng/cuốn.

Nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao hình ảnh "đường lưỡi bò" chiếm nửa trang giấy mà không được hội đồng thẩm định, giảng viên phát hiện ra trong quá trình thẩm định và dạy thử, bà Hằng phân trần: "Tất cả các giáo viên đều nhận thức được hình ảnh "đường lưỡi bò".

Tuy nhiên, khoa chỉ tập trung xem bố cục bài viết thiết kế thế nào, cách sắp xếp, giải thích ngữ pháp chứ không để ý hình vẽ. Khi xem sách cũng không mở từng trang một, chỉ mở mục lục, rồi mở 1,2 bài bên trong xem phân thích ngữ pháp, có dễ đọc hay không, bài tập có đọc tốt hay không".

74267591_1454073171410143_1112292651584978944_n 3

Chiều 4/11, sinh viên tiếp tục mang nộp giáo trình có in "đường lưỡi bò" lên văn phòng của khoa tiếng Trung - Nhật  (Đại học Kinh doanh và Công nghệ). (Ảnh: Anh Thư)

Liên quan đến biện pháp xử lý, bà Hằng cho biết, khoa sẽ chờ quyết định của ban giám hiệu. Khoa có nhiều bộ giáo trình khác, biên soạn giáo án bài học cho sinh viên, để đảm bảo chất lượng không có vấn đề gì.

Theo thông tin từ lãnh đạo nhà trường, trung tâm phát hành sách chỉ in 716 cuốn, còn lại là sách photocopy. Quá trình thu hồi các giáo trình có in hình "đường lưỡi bò" phi pháp này được thực hiện từ tuần trước. Cho đến nay số lượng sách thu hồi lên đến gần 1.000 cuốn. Khoa tiếng Trung - Nhật phải hoàn thành việc thu hồi này trước ngày 20/11/2019.

"Đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc ngang nhiên vạch ra, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn