ĐH Kinh doanh, Công nghệ HN tuyển Y, Dược: Thông tin mới nhất

Giáo dụcThứ Bảy, 28/11/2015 08:18:00 +07:00

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết hiện tại chưa có quy định mới nên trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ được tuyển sinh theo quy định cũ

(VTC News) -  Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết hiện tại chưa có quy định mới nên trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ được phép tuyển sinh Y đa khoa, Dược học theo quy định cũ.

Việc ngày 19/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học với trình độ đại học, hệ chính quy đang khiến dư luận xôn xao bởi đây là một trường chuyên đào tào kinh doanh, không chuyên về y, dược.
Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành Y đa khoa, Dược học đang khiến dư luận xôn xao
Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành Y đa khoa, Dược học đang khiến dư luận xôn xao 

Hơn nữa, ngành y là một ngành đặc thù, ngoài cơ sở vật chất cho các môn khoa học cơ bản, còn phải có cơ sở thực nghiệm và thực tập; đội ngũ giảng viên ngoài việc có năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học, năng lực quản lý...


Trước đó, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đã cho rằng Bộ Y tế đã cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đi thẩm định tại Bắc Ninh và cũng đưa ra ý kiến về giảng viên cơ hữu chưa đầy đủ  cũng như cơ sở vật chất của trường chưa hoàn thiện.

Trong khi đó, Bộ Y tế chưa tái thẩm định nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấp phép mở mã ngành này.

“Liệu việc cấp phép có quá vội vàng hay không? Quan điểm của Thứ trưởng như thế nào khi có ý kiến cho rằng ngành y liên quan đến sinh mạng của con người nếu đầu vào không tốt mà chạy theo thương mại thì sẽ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng?”, phóng viên đặt câu hỏi cho Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết việc thẩm định điều kiện mở mã ngành của trường Đại học Kinh doanh và công nghệ do đoàn thẩm định của hai bộ là Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Kết quả thẩm định đã khẳng định trường đã đủ điều kiện mở mã ngành theo Thông tư số 8 năm 2011.

“Nhưng có một số con số, một số trường hợp tôi cho là do hiểu nhầm. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đang có thảo luận để nâng yêu cầu đó lên cao hơn so với Thông tư 8/2011 nhưng chưa thống nhất nên phải căn cứ vào thông tư đã quy định thì trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đủ điều kiện”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lý giải.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng nhiều giảng viên chưa cam kết dạy tại trường. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thông tin khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định này thì giảng viên có những cam kết dạy ở trường.

“Khi họ đủ điều kiện thì mình cho mở thôi nếu mình kéo dài nữa thì thành ra mình lại “cửa quyền”, thành ra việc “xin-cho” là khác”, Thứ trưởng Hiển phân trần.

Bên cạnh đó, đối với một số điều kiện nữa do đoàn thẩm định có khuyến cáo khi thì trong quá trình đào tạo phải tiếp tục bổ sung thêm điều kiện.

“Việc này Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế sẽ tiếp tục giám sát quá trình thực hiện khi trường mở ngành này.

Về chất lượng đầu vào còn phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó có việc cơ sở đào tạo có đủ điều kiện hay không, điều kiện tuyển sinh như thế nào, trong quá trình tuyển sinh như thế nào nữa”, Thứ trưởng Hiển thông tin.
 
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Lợi - phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo Bộ Y tế cho biết ngày 5/10 đã tham gia đoàn thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại cơ sở Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội.


Ông Lợi cho biết để được đào tạo y khoa thì đội ngũ giảng viên chuyên ngành cần tối thiểu 50 giảng viên cơ hữu có trình độ từ thạc sỹ trở lên.

“Theo hồ sơ thì trường có 47 người. Trong 47 người này thì họ cũng mời được cả tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Tuy nhiên, ngày 5/10/2015, tại thời điểm kiểm tra thì 30 người chưa có cam kết có tham gia làm giảng viên cơ hữu hay không? Chúng tôi cũng đề nghị phải bổ sung”, ông Lợi thông tin.

Tại thời đim kiểm tra chỉ có 17 người cam kết làm giảng viên cơ hữu.
Văn bản đề xuất của Bộ Y tế ủng hộ cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo Y đa khoa và Dược học
Văn bản đề xuất của Bộ Y tế ủng hộ cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo Y đa khoa và Dược học  

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng đề nghị nhà trường cần khắc phục một số yêu cầu theo đúng quy định.

“Một số phòng thực hành tại trường phải sắp xếp lại cho hợp lý, đảm bảo có thể liên thông giữa hai ngành.

Đề nghị làm rõ giảng viên cơ hữu phải tham gia giảng dạy tại cơ sở thực hành thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu đảm bảo chất lượng”, ông Lợi thông tin.

Ngày 17/11 Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu “trường hoàn thiện theo biên bản mới ủng hộ việc mở ngành”, nhưng hai ngày sau Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định cho phép trường mở mã ngành đào tạo bác sĩ đa khoa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cũng chưa thông báo tới Bộ Y tế việc trường đã hoàn thiện theo yêu cầu của đoàn thẩm định hay chưa.

“Hai ngày để hoàn thiện thì cũng rất khó khăn”, ông Lợi nói.

Ông Lợi cho biết về nguyên tắc nhà trường phải khắc phục những hạn chế sau khi thẩm định.

Sau khi Bộ Y tế có ý kiến thì Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo sẽ có trách nhiệm xem xét xem đã đủ chưa và căn cứ vào việc hoàn thiện hồ sơ của nhà trường thì Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có thể ra quyết định được phép hay không trên cơ sở quan điểm của Bộ Y tế.
Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội 

Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết nhà trường có tới 47 giáo sư, phó giáo sư, thạc sỹ đã nhận về làm việc trong ngành y của trường.  Bên canh đó, 31 cán bộ, trong đó 8 người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đồng ý về làm việc trong ngành dược.

“Chúng tôi đầu tư trên 80 tỷ đồng cơ sở vật chất mua máy móc thiết bị trang bị đào tạo. Ký hợp đồng 3 bệnh viện lớn, 2 bệnh viện nhỏ cho sinh viên thực tập”, ông Hóa thông tin.

Tuy nhiên trước thông tin phản hồi từ ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ông Lợi nhấn mạnh: “Trường cần phải bổ sung đạt tiêu chí tối thiểu”.

Ông Lợi cũng chia sẻ việc dư luận đặt ra băn khoăn là có cơ sở. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra xem các trường có duy trì, đảm bảo điều kiện đào tạo theo yêu cầu đặt ra hay không.

Tháng 12/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn tạm dừng mở ngành đào tạo y đa khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt trình độ ĐH và ngành dược học trình độ CĐ, ĐH.

Trước thông tin Bộ Y tế cho rằng đã từng khuyến cáo việc mở ngành y đa khoa, dược học tại Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội.
Xôn xao việc ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội được phép đào tạo Y đa khoa và Dược học (Nguồn: VTV)

Tuy nhiên, trả lời VTC News, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga khẳng định việc cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo ngành Y đa khoa, Dược học không trái với chủ trương.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga lý giải trước đó 2 năm, ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã có văn bản kiến nghị được mở 2 ngành này. Năm 2014, nhà trường vẫn tiếp tục đề nghị hai Bộ xem xét và kiểm tra tất cả các điều kiện mà trường đã được đầu tư, nếu đủ điều kiện thì cho trường mở ngành.

Bộ cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên Bộ, trong đó có hai thành viên của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế.

Trường đã xây dựng cơ ngơi khang trang và tuyển dụng đội ngũ giảng viên nên tiếp tục đề nghị cả hai Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo.

Sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ Y tế, đoàn kiểm tra của 2 bộ đã tiến hành kiểm tra và thấy ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và chương trình nên đồng ý cho phép trường được đào tạo Y đa khoa và Dược học.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn