Đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, GS Nguyễn Minh Thuyết: 'Việc này trước sau cũng phải thực hiện'

Giáo dụcThứ Sáu, 30/11/2018 14:15:00 +07:00

Cho rằng việc phổ cập tiếng Anh tới toàn dân rất khó khăn, nhưng các chuyên gia giáo dục đồng tình trước đề xuất sớm công nhận đây là ngôn ngữ thứ hai của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Trong Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất Thủ tướng sớm công bố tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam.

Trả lời VTC News về đề xuất này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông cho rằng, hiện Việt Nam đã tham gia ASEAN và ngôn ngữ để giao tiếp trong khối là tiếng Anh. Vậy nên, việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam, theo ông "trước sau cũng phải thực hiện".

thuyet

 GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông. (Ảnh: Zing)

Sử dụng tiếng Anh góp phần nâng cao giá trị bản thân

Theo giáo sư Thuyết, công nhận tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai sẽ thúc đẩy việc lớp trẻ học tiếng Anh. Nếu không phải toàn dân học tiếng Anh thì ít nhất là lớp trẻ, để sau này Việt Nam có thế hệ công dân sử dụng ngôn ngữ này giao tiếp với bạn bè trong khối ASEAN.

Cùng quan điểm, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cũng nhận định tiếng Anh có vai trò quan trọng trong việc đào tạo công dân toàn cầu.

"Xã hội các quốc gia nói tiếng Anh của phương Tây khá phát triển và rất nhiều nguồn tài liệu về khoa học, công nghệ được công bố bằng tiếng Anh. Những người sử dụng tiếng Anh hiệu quả sẽ có cơ hội nâng cao giá trị của bản thân, làm giàu tri thức của mình bằng việc cập nhật tri thức của nhân loại”, tiến sĩ Vinh đánh giá.

Chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Vũ Thu Hương bổ sung thêm vai trò quan trọng của ngoại ngữ, đó là không chỉ tiếng Anh, trẻ có thể học nhiều  thứ tiếng khác nữa như Ý, Pháp, Tây Ban Nha… Càng biết nhiều, học được nhiều thứ tiếng thì các em sẽ càng có nhiều thuận lợi hơn trong giao dịch với thế giới.

"Cần phải sử dụng tiếng Anh như một công cụ và làm sao để nó trở thành công cụ thật sắc bén cho mình", tiến sĩ nói. 

Làm sao để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2?

Tuy nhiên để tiếng Anh có thể trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam, theo giáo sư Thuyết cần phải nhận thức rõ được những khó khăn trong hoàn cảnh nước ta. Ở Việt Nam, tiếng Anh chưa phải ngôn ngữ phổ biến, dù lớp trẻ rất nhiều bạn nói được nhưng chưa phải là số đông. Điều này khiến việc phổ cập tiếng Anh tới toàn dân khó khăn hơn.  

Giáo sư Thuyết cho rằng, đề xuất trên phải được đưa vào trong luật, được Quốc hội thông qua. "Cần phải xem nó có phù hợp với Hiến pháp không, bởi Hiến pháp quy định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, đồng thời cần phải xem thẩm quyền của Quốc hội đến đâu để công nhận ngôn ngữ thứ hai. Vấn đề này phải được nghiên cứu kỹ lưỡng", GS Thuyết nói.

Bên cạnh đó, nếu tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam thì cần phải có sự thay đổi trong chương trình giáo dục, số tiết học tiếng Anh phải nhiều hơn hiện nay.

Giáo sư Thuyết cũng đặc biệt nhấn mạnh đến động cơ học của trẻ, bởi việc học ngoại ngữ phải được các em học sinh, sinh viên chủ động tiếp cận, thầy cô giáo chỉ có vai trò hướng dẫn những bước cơ bản. 

"Khi có động cơ người ta sẽ tranh thủ học bằng mọi cách. Nhà trường chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản, còn mỗi cá nhân phải chủ động học thêm, như tự đọc sách, đọc báo, nghe đài bằng tiếng Anh", GS nói.

Ông ví dụ tại Hy Lạp, học sinh, sinh viên thường đến các trung tâm du lịch để xin làm bồi bàn, bồi phòng hay hướng dẫn viên du lịch để học tiếng Anh. Bởi nếu không có tiếng Anh thì sau khi ra trường một thanh niên sẽ không kiếm được việc làm có thu nhập cao.

Tại chương trình “Kiều bào góp ý về chương trình nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM” do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức chiều 29/11, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM  cho biết, mục tiêu phát triển mà ngành giáo dục thành phố đặt ra đối với học sinh là có nền tảng tiếng Anh, Tin học đạt chuẩn quốc tế để có thể tiếp tục học tập, làm việc trong môi trường quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT.

“Đến năm 2030, ít nhất 20% trường THPT giao tiếp bằng song ngữ Anh - Việt trong các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể, ngoại khoá và trải nghiệm sáng tạo. Khuyến khích các ngoại ngữ thông dụng khác trong hệ thống giáo dục của thành phố”, ông Nam nói.

Anh Thư - Nhật Tâm
Bình luận
vtcnews.vn