Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt: Giới trẻ phải học lại văn hoá ứng xử

Giáo dụcThứ Năm, 30/11/2017 15:58:00 +07:00

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng giới trẻ cần phải ứng xử văn hoá khi tranh luận về đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS Bùi Hiền.

Vừa qua, dư luận dậy sóng về sự việc PGS Bùi Hiền, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt. Bên cạnh vấn đề học thuật, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng "văn hóa ném đá" trên mạng cũng là vấn đề đáng phải bàn luận.

bui hien 6

PGS. TS Bùi Hiền - tác giả công trình nghiên cứu cải tiến chữ viết tiếng Việt gây tranh cãi.  

Chia sẻ về ý kiến của mình, thạc sỹ Ngô Thị Kim Chi cho rằng môi trường mạng internet giúp thông tin được truyền nhanh chóng, không qua bất cứ sự kiểm duyệt nào. Vì vậy, những kẻ xấu liên tiếp tung tin, đăng tải các bài viết với mục đích bôi nhọ, giễu cợt, làm cho người tiếp nhận có cái nhìn thiên lệch về nghiên cứu của PGS Bùi Hiền.

"Nếu người tiếp nhận thông tin không tỉnh táo kiểm chứng sẽ lập tức có những phản ứng không đúng, hướng dư luận đến cách hiểu sai lệch. Giới trẻ ngày nay cần phải học văn hoá ứng xử, chọn lọc và tiếp nhận thông tin", thạc sỹ Kim Chi chia sẻ.

Cuộc tranh luận dữ dội về ý tưởng cải tiến chữ quốc ngữ trên nhiều trang báo những ngày qua đang có những chuyển biến theo hướng tích cực. Nếu như ban đầu, hầu hết các ý kiến đều chê bai, dè bửu, thậm chí mạt sát, ném đá tác giả thì giờ đây, đã xuất hiện sự điềm tĩnh với nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà chuyên môn. Không ít người bênh vực ý tưởng của vị PGS.TS ngôn ngữ 83 tuổi này.

image2 (1) 3

 Thạc sỹ Ngô Thị Kim Chi.

"Chúng ta nên trân trọng những nghiên cứu của PGS Bùi HIền vì ông đã dành hết tâm huyết 20 năm không vì danh lợi mà chỉ vì muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Dù nghiên cứu của ông có được sử dụng hay không thì chúng ta cũng nên ủng hộ ông trên tinh thần khoa học và tôn trọng”, bà Kim Chi cho hay.

Trước đó, PGS Bùi Hiền cũng cho rằng: "Thực sự, tôi rất bất ngờ khi bị "ném đá" như vậy. Trước đây, nếu đồng ý hay không thì mọi người đều tranh luận trên cơ sở khoa học, chứ không ai phản ứng thái quá, mạt sát nhà khoa học như vậy… Dù có bị ném đá, chửi bới tôi sẽ không lùi bước, không bỏ cuộc. Năm nay tôi đã 83 tuổi, nếu sức khỏe cho phép, tôi sẽ trình bày phần còn lại của ý tưởng cải tiến chữ quốc ngữ tại Hội nghị ngôn ngữ học vào tháng 3/2018", PGS Bùi Hiền nói.

Ông Hiền cũng mong dư luận hãy coi trình bày này chỉ là ý kiến cá nhân để tham khảo giữa các nhà khoa học với nhau, chứ chưa phải là một công bố chính thức.

"Nếu đề án khả thi, giới khoa học sẽ tự đề xuất với cơ quan chức năng, để lắng nghe góp ý của mọi người”, ông Hiền bày tỏ.

luat giao duc 4

Đoạn văn bản sau khi tiếng Việt được cải cách theo nghiên cứu của PGS. TS Bùi Hiền. 

Không quá ồn ào, nhưng đưa ra quan điểm của mình, GS-TS Nguyễn Văn Dân (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho biết: "Việc PGS-TS Bùi Hiền giải thích là cải tiến tiếng Việt để tiết kiệm số chữ là chúng ta cần tôn trọng việc nghiên cứu này.

Tuy nhiên tôi thấy cái nguyên tắc "tiết kiệm chữ" không có tính thuyết phục vì nếu tiết kiệm chữ thì người ta đã thay tất cả các hệ thống chữ viết bằng chữ tốc ký từ lâu rồi"

"Nguyên tắc của chữ viết là biểu đạt được đầy đủ mọi sắc thái tiếng nói của mỗi dân tộc. Việc sử dụng nhiều phụ âm để biểu đạt một âm vị là chuyện bình thường của các ngôn ngữ. Thậm chí nhiều dân tộc còn sử dụng phụ âm và nguyên âm đúp cho một âm vị mà họ không hề thấy "lãng phí" (như aa, oo, ee, bb, cc, dd, ff, ll, mm, nn, pp, ss, rr, tt...). Cái đó làm thành một đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc. Việc cải tiến chữ viết chỉ được thực hiện đối với những trường hợp bất hợp lý chứ không có dân tộc nào đặt mục tiêu cải tiến chữ viết để tiết kiệm chữ”, GS Nguyễn Văn Dân phân tích thêm.

Theo các chuyên gia giáo dục, những đề xuất đó có thể chưa phù hợp, nhưng cách mà dư luận, đặc biệt trên mạng xã hội đang phản ứng là không đúng mực.

Video: Xôn xao cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS Bùi Hiền

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) lý giải giá trị thẩm mỹ của một đối tượng nhiều khi chịu sự chi phối của tâm thế, thói quen của người sử dụng.

"Đề xuất mới cùng đoạn văn bản minh họa gây phản ứng tiêu cực cho dư luận chính là chạm phải thói quen viết, đọc tiếng Việt hàng trăm năm nay.

Vấn đề đặt ra là phải tìm phương án tốt nhất cho sự thay đổi, phương án ấy vừa khoa học, hợp lý, vừa không thay đổi quá nhiều những yếu tố có sẵn, tránh gây sốc cho cộng đồng, nhưng không phải vì thế mà cộng đồng có quyền "ném đá" vị giáo sư đáng kính và dè bỉu việc nghiên cứu của ông", TS Tuyết bày tỏ.

Trong khi đó, PGS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng ông trân trọng công sức nghiên cứu của PGS Bùi Hiền.

Báo cáo của ông Hiền nằm trong số hơn 300 báo cáo gửi đến hội thảo hồi tháng 9 và ông Tình chính là người biên tập. Khi đọc, bản báo cáo không gây ấn tượng vì chuyện đó đã được mang ra bàn đi bàn lại quá nhiều rồi nên ông Tình không mời PGS Bùi Hiền đọc trong hội thảo.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn