Đề thi thử nghiệm môn Địa lí kỳ thi THPT 2017: Giáo viên nhận xét gì?

Giáo dụcThứ Ba, 24/01/2017 11:41:00 +07:00

Giáo viên dạy Địa lí có nhiều kinh nghiệm cho rằng học sinh được cung cấp nhiều kĩ năng ở dạng đề thi thử nghiệm môn Địa lí.

Cô Nguyễn Thị Yến, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An vừa có những nhận xét ban đầu về đề thi thử nghiệm môn Địa lí mới được Bộ GD&ĐT công bố. Đây là một bước hoàn thiện để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017 sắp tới.

Dia-ly-thpt-quoc-gia

 Giáo viên dạy Địa lí có nhiều kinh nghiệm cho rằng học sinh được cung cấp nhiều kĩ năng ở dạng đề thi thử nghiệm môn Địa lí

Phát triển kĩ năng người học

Theo đánh giá của cô Nguyễn Thị Yến, với số lượng câu hỏi (40 câu) đề thi thử nghiệm môn Địa lí trong thời gian làm bài 50 phút; Tỉ lệ kiến thức/kĩ năng: 30 câu kiến thức (75%); 10 câu kĩ năng (25%), đề thi đã bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông môn Địa lí 12.

Các câu hỏi kiến thức nhằm vào các phần trong chương trình môn Địa lí 12, phù hợp với khối lượng kiến thức của mỗi phần trong chương trình. Các câu hỏi kĩ năng nhằm vào 3 kĩ năng cơ bản của môn Địa lí 12: Đọc Atlat Địa lí Việt Nam: 5 câu; Nhận dạng cách vẽ và nhận xét biểu đồ: 3 câu; Phân tích bảng số liệu thống kê: 2 câu.

Đề thử nghiệm môn Địa lí được sắp xếp tăng dần theo 4 mức độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Mức độ biết và hiểu: 60% (24 câu), trong đó biết 35% (14 câu), hiểu 25% (10 câu). Mức độ vận dụng (thấp, cao): 40%; trong đó vận dụng thấp 30% (12 câu), vận dụng cao 10% (4 câu).

Cô Yến cho rằng, đề thi thử nghiệm này rất có trọng tâm, tập trung đánh giá kĩ năng và năng lực của học sinh. Ngoài ra, đề còn đánh giá được những kiến thức phổ thông, cơ bản, cần thiết về đặc điểm tự nhiên, dân cư và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; những vấn đề đặt ra đối với cả nước nói chung và các vùng, các địa phương nơi học sinh đang sinh sống nói riêng.

Với dạng ra đề như vậy, học sinh được đánh giá khá toàn diện cả kiến thức, kĩ năng và kĩ năng vận dụng tri thức địa lí để giải thích các hiện tượng, sự vật địa lí và bước đầu tham gia giải quyết những vấn đề của cuộc sống phù hợp với khả năng của học sinh.

Video: Công bố đề thi minh hoạ kỳ thi THPT quốc gia 2017

Đề thi vừa sức

Theo nhận định của cô giáo Nguyễn Thị Thủy Nguyên, Trường THPT Tiểu Cần, Trà Vinh đề thi thử nghiệm môn Địa lí vừa sức, được thể hiện ở các câu hỏi thi bám sát kiến thức và cách trình bày trong sách giáo khoa Địa lí 12. Nội dung bám sát nội dung bài sách giáo khoa. Ngôn ngữ của câu hỏi thi là ngôn ngữ của sách giáo khoa.

Sự vừa sức của đề thử nghiệm còn thể hiện ở: các câu hỏi về kĩ năng tập trung vào 3 kĩ năng cơ bản và quen thuộc trong dạy học hàng chục năm nay ở trường phổ thông, đồng thời cũng được thể hiện qua các câu hỏi kiến thức và mức độ của đề thi tương đồng với đề thi minh họa mà Bộ đã công bố trước đây.

Các câu hỏi của bài thi được bố trí tuần tự từ biết, hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao thuận tiện cho học sinh trong khi làm bài thi với mục tiêu khác nhau (chỉ thi tốt nghiệp, vừa thi tốt nghiệp vừa thi vào đại học, chỉ thi vào đại học - cô Nguyên đánh giá.

Hồng Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn