Dạy học trực tuyến, truyền hình: Đợi Bộ GD&ĐT chỉ đạo

Giáo dụcThứ Tư, 25/03/2020 10:16:00 +07:00
(VTC News) -

Cả nước hơn 14 tỉnh, thành phố, đơn vị đang phát sóng chương trình dạy học qua truyền hình, nhưng mỗi nơi dạy học một khác chưa thống nhất về nội dung.

"Mạnh ai, nấy làm"

Tính đến thời điểm này, 29/63 tỉnh, thành phố đang cho học sinh THPT tới trường học tập trực tiếp, 34 địa phương còn lại quyết định cho học sinh từ mầm non tới THPT nghỉ học, thậm chí một số nơi cho nghỉ đến giữa tháng 4/2020.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có hơn chục địa phương tổ chức dạy học qua truyền hình. Tại Hà Nội, từ ngày 9/3, Sở GD&ĐT phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố dạy ôn tập cho học sinh lớp 9, lớp 12. Đến nay Hà Nội là địa phương duy nhất tổ chức việc dạy học kiến thức mới, các bài học tiếp nối trước kỳ nghỉ cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12, trong khi các địa phương khác chỉ dạy học sinh cuối cấp gồm lớp 9, lớp 12.

Một số tỉnh, thành phố khác dạy học qua truyền hình khác là: Hoà Bình dạy học sinh lớp 9, lớp 12 (từ 14/3), Thừa Thiên - Huế học sinh lớp 9, lớp 12 (từ 16/3), Đà Nẵng dạy học sinh lớp 12 từ (16/3); Nam Định dạy học sinh THCS qua truyền hình, lớp 12 qua Youtube (từ 3/3); Nghệ An dạy học sinh lớp 9, lớp 12 (từ 15/3); Thái Bình dạy học sinh lớp 9, lớp 12 (từ 16/3); Vĩnh Long dạy học sinh lớp 12 từ ngày 21/2.

Quảng Nam chỉ dạy học sinh lớp 12 (từ 16/3); TP.HCM dạy học sinh lớp 9, lớp 12; Bắc Ninh dạy học cho học sinh lớp 9, lớp 12 bắt đầu từ 20/3. Mới đây có thêm Tuyên Quang xin tiếp sóng phát chương trình học của Đài Phát thành- Truyền hình Hà Nội…; hai đơn vị riêng biệt là Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Kỹ thuật số VTC.

Trong khi đó, có địa phương lại rất “đủng đỉnh”, không tổ chức dạy trên truyền hình mà chỉ dạy thí điểm qua internet cho một vài trường trong hàng nghìn trường phổ thông của địa phương, như Thanh Hóa. Còn việc dạy học qua internet (trực tuyến) mới được triển khai ở số ít trường. Chủ yếu các trường này chủ động thực hiện, không có sự chỉ đạo nhất quán, nên hiệu suất và chất lượng nhìn chung chưa cao.

Dạy học trực tuyến, truyền hình: Đợi Bộ GD&ĐT chỉ đạo - 1

Dạy học qua truyền hình cần thống nhất hơn giữa các tỉnh, thành phố.

 

Đa số các trường (cả đại học lẫn phổ thông) đều lúng túng với cách dạy học trực tuyến còn quá mới mẻ. Không ít trường có quan niệm rất đơn giản về dạy học trực tuyến. Ví dụ như thầy không cần giảng mà để học sinh tự học, thầy giao bài tập qua điện thoại thông minh và trò nộp bài cho thầy cũng qua điện thoại thông minh.

Có trường tuy gọi là học trực tuyến nhưng tỉ lệ tham gia chỉ 60- 70%. Có em do khó khăn về kinh tế, gia đình không có khả năng mua các dụng cụ học tập nên không tham gia.

Đợi Bộ GD&ĐT chỉ đạo

Ngày 23/3, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi thư đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần ban hành quy định rõ các nội dung dạy trên các kênh truyền hình quốc gia và địa phương; bám sát chương trình giáo dục phổ thông được Bộ ban hành, phải kế tiếp với những nội dung học trước mùa dịch và bắt buộc tất cả học sinh (trừ những trường được Bộ công nhận đủ điều kiện dạy học trực tuyến) phải học trong thời gian nghỉ đến trường trong mùa dịch.

Hiệp hội cho rằng, Bộ GD&ĐT cần trình Chính phủ sớm cho phép Bộ chủ trì và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng phương án dạy học trên truyền hình, cho học sinh phổ thông trong cả nước được đồng đều… Sớm thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới phương thức dạy và học trong mùa dịch Covid-19, thống nhất hoạt động này trong cả nước, chứ không chỉ dừng ở các hoạt động riêng biệt ở từng địa phương, từng trường như hiện nay.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, điều kiện kinh tế, địa lý giữa 63 tỉnh, thành phố còn nhiều chênh lệch khác nhau. Hà Nội có lợi thế là trước đây có kinh nghiệm tổ chức hoạt động dạy học trên truyền hình nên phần nào đi đầu trong cả nước.

Dạy học trực tuyến, truyền hình: Đợi Bộ GD&ĐT chỉ đạo - 2

Học sinh Hà Nội học qua truyền hình (Ảnh: Q.B)

Các địa phương khó khăn hoàn toàn có thể xin tiếp sóng phát lại các chương trình dạy học này. Không nhất thiết mỗi địa phương phải có một kênh riêng để dạy học, cái khó là phải đảm bảo được 100% học sinh tham gia.

Để đảm bảo việc học qua truyền hình, trực tuyến được thống nhất, Bộ GD&ĐT cần sớm có hướng dẫn và quy định hai việc: Dạy học qua truyền hình là dạy kiến thức mới hay ôn tập bài cũ; kết quả dạy học được đánh giá thế nào. Như vậy mới đảm bảo được tính thống nhất và nghiêm túc thực hiện của Sở GD&ĐT, giáo viên, học sinh, PGS Trần Xuân Nhĩ cho hay.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, để chủ động thực hiện chương trình giáo dục trong thời gian còn lại của năm học 2019-2020, Bộ GD&ĐT đang cho rà soát, tinh giản nội dung dạy học thuộc chương trình học kỳ 2 để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình khi học sinh trở lại trường.

Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể hóa nội dung tinh giản theo hướng phát triển năng lực và kiến thức cơ bản, đảm bảo thống nhất chung trong cả nước. Căn cứ vào đó, các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm thực hiện chương trình trong thời gian còn lại của năm học 2019-2020.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ đang xây dựng hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình áp dụng cho học kỳ 2 năm 2020, đảm bảo tinh gọn, tiện ích, đáp ứng yêu cầu chất lượng theo chuẩn đầu ra của chương trình.

Theo đó, các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học qua internet, trên truyền hình theo chương trình giáo dục đã được tinh giản.

Để thực hiện được thống nhất, Bộ đề nghị các Sở GD&ĐT tuyển chọn và gửi các bài giảng đã dạy trên truyền hình địa phương về Đài truyền hình Việt Nam để phát sóng trên toàn quốc, tạo điều kiện để học sinh cả nước cùng học qua truyền hình. Từ đó sẽ rút ngắn được thời gian hoàn thành chương trình theo khung thời gian năm học trước ngày 15/7 và lùi kỳ thi THPT quốc gia 2020 đến ngày 8-11/8. 

Video: Học sinh lớp 9 nói gì về việc học qua truyền hình?

 

 

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn