Đại học Tôn Đức Thắng: Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động cung cấp thông tin không chính xác

Giáo dụcThứ Hai, 10/06/2019 18:59:00 +07:00

Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng các cơ sở tại TP.HCM của trường nhờ sự hỗ trợ phần lớn từ UBND thành phố, chứ không dựa vào Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ngày 10/6, trả lời VTC News, Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, một số thông tin do ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động cung cấp trên báo chí là không chính xác. 

Hai cơ sở có trước khi trường về Liên đoàn Lao động

Ông Anh cho rằng, nếu Đại học Tôn Đức Thắng không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động thì chắc chắn không được cấp đất và “ngay từ ban đầu, nếu không thuộc, chắc chắn Trường sẽ không được UBND TP.HCM cấp đất tại 2 cơ sở ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) với diện tích 2.800 m2 và tại Quận 7 (TP.HCM) với diện tích 90.725m2”.

Tuy nhiên, theo Trường Tôn Đức Thắng, cơ sở Bình Thạnh được Nhà trường mua lại từ Công ty dệt may Gia Định vào cuối năm 1999 (thời điểm này còn là Đại học Dân lập Công nghệ Tôn Đức Thắng) bằng vốn vay.

dai-hoc-ton-duc-thang1

 Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng những thông tin Phó Chủ tịch LĐLĐ cung cấp là không chính xác.

Cơ sở quận 7 (là đất trống, không có tài sản gì trên đất) được UBND TP.HCM giao theo Quyết định số 1479/QĐ-UBND ngày 2/4/2008. Thời điểm này, Trường đang là Đại học bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc UBND TP.HCM.

Đến ngày 11/6/2008, trường mới chính thức đổi tên thành Đại học Tôn Đức Thắng và chuyển về trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam theo chủ trương xóa bỏ loại hình trường bán công.

“Việc xây dựng cơ sở trên đất là từ vốn tự có tích lũy được của trường và vốn vay ưu đãi, không có tài sản nào trên đất “theo nguyên giá là 81 tỷ đồng” như ông Anh trình bày.

Nói Tổng liên đoàn Lao động mà trường mới có các cơ sở trên là không đúng. Nói chính xác là các cơ sở tại TP.HCM của trường có được là nhờ sự hỗ trợ phần lớn từ UBND TP.HCM”, Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định.

Phát biểu về tài chính gây hiểu lầm

Ông Phan Văn Anh cho rằng, từ năm 2008 đến nay, Tổng liên đoàn Lao động mới chỉ kiểm tra tài chính, tài sản của trường đúng một lần. Còn đại diện Trường Tôn Đức Thắng cho rằng đây là một phát biểu dễ gây hiểu lầm dư luận.

Theo đó, hằng năm Trường đều thực hiện việc kiểm toán độc lập và năm 2015, 2018 là Kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra.

hieu-truong-dh-ton-duc-thang

 Giáo sư - Tiến sĩ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng (Ảnh: Lao Động) 

Bên cạnh đó, từ năm 2016 về trước, Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động đều về làm việc với Trường và nghe báo cáo đầy đủ tình hình hoạt động tài chính. Tại những buổi này, kiểm toán của trường và Đoàn Chủ tịch có đóng góp ý kiến vào phương hướng hoạt động năm tới của trường.

“Như vậy, việc Tổng Liên đoàn nói chỉ mới kiểm tra tài chính một lần không có nghĩa Nhà trường muốn làm gì thì làm”, đại diện Trường Tôn Đức Thắng nói và cho biết trước đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhiều lần đòi Trường phải nộp 30% ngân sách và đều được trường lưu trữ lại.

“Nếu chúng tôi không phản đối mạnh mẽ, không chấp nhận việc làm sai trái, viện dẫn đầy đủ văn bản luật thì có lẽ bây giờ Tổng liên đoàn không thể nói là họ chưa thu một đồng nào”, đại diện Trường Tôn Đức Thắng cho biết.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn