Đại học Tôn Đức Thắng không dừng bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư

Giáo dụcThứ Tư, 23/09/2015 02:18:00 +07:00

Lãnh đạo Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định không dừng việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư để phục vụ giảng dạy, nghiên cứu tại trường.

(VTC News) – Lãnh đạo Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định không dừng việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư để phục vụ giảng dạy, nghiên cứu tại trường.

Sáng 23/9, ông Nguyễn Hải Thập - Phó cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD-ĐT đã trả lời báo chí, cho biết, chiều 22/9, Bộ GD-ĐT chưa nhận được văn bản báo cáo của Đại học Tôn Đức Thắng.

Ông Thập cho biết thêm trao đổi với lãnh đạo nhà trường, Bộ GD-ĐT nắm được thông tin trường mới chỉ ban hành văn bản quy định, chứ chưa thực hiện các bước cụ thể của quy trình này. Khi Bộ yêu cầu báo cáo, trường đã tạm dừng triển khai việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư.
Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định không dừng việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư phục vụ giảng dạy, nghiên cứu của trường
Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định không dừng việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư phục vụ giảng dạy, nghiên cứu của trường 
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn VTC News ngày 23/9, TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định: “Thứ nhất, tôi chưa hề dùng chữ "dừng thực hiện". Trong một lần trao đổi với Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tôi trả lời: Quy định này vừa ban hành, nội dung và quy trình thì đã đủ, nhưng biểu mẫu chưa làm xong, thì Báo Pháp Luật đã biết và đưa lên, thế là cả xã hội quan tâm đến. Chứ thực ra chúng tôi "chưa thực hiện”.

TS Lê Vinh Danh cũng băn khoăn đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu từ đâu có thông tin là Đại học Tôn Đức Thắng dừng lại việc này? Tại sao dừng?”

Vị hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng lý giải việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn cho chuyên gia, nhà khoa học của trường (theo quy trình và tiêu chuẩn phù hợp) đã được Chính phủ cho phép thí điểm tại Khoản 2.b, Mục II, Điều 1 của Quyết định 158, ngày 29/01/2015.

“Chúng tôi làm việc có cơ sở pháp lý của mình. Không có lý do gì để dừng”, TS Lê Vinh Danh khẳng định.
Giáo sư – Tiến sĩ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh: Lao Động)
Giáo sư – Tiến sĩ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng
(Ảnh: Lao Động)
 
Bên cạnh đó, lãnh đạo của Đại học Tôn Đức Thắng cũng khẳng định không có chuyện hiểu nhầm quyết định của Chính phủ.

“Chính phủ có quy định về tiêu chuẩn xét phong học hàm giáo sư, phó giáo sư. Nhưng chúng tôi được thí điểm tự chủ toàn diện, trong đó có thí điểm việc bổ nhiệm nhân sự là chuyên gia, nhà khoa học vào các chức danh nghề nghiệp tại trường.

Vì thế, chúng tôi có quyền thí điểm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn riêng, phù hợp với yêu cầu của nhà trường để xét và bổ nhiệm. Bảo chúng tôi "hiểu nhầm quyết định của Chính phủ nên soạn thảo văn bản chưa chuẩn, chưa chặt chẽ (trong việc qui định tiêu chuẩn xét)" là rất chủ quan. Tuy nhiên, vấn đề chính đó không phải là phát biểu của chúng tôi”, vị hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng thông tin thêm.

Ngoài ra, điều đáng nói  là bộ tiêu chuẩn để xét xem ứng viên có đáp ứng đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp của Đại học Tôn Đức Thắng hiện nay cao hơn tiêu chuẩn xét học hàm có cùng tên của Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước về chất và về lượng.

“Bộ tiêu chuẩn đó có đầy đủ tiêu chuẩn cứng, tiêu chuẩn mềm; tham khảo kỹ từ nước ngoài và có các giáo sư nước ngoài cố vấn trong quá trình xây dựng chuẩn. Chúng tôi nghiên cứu cẩn thận, có Hội đồng khoa học và đào tạo thông qua chứ không phải bê nguyên của nước ngoài về”, TS Lê Vinh Danh khẳng định.

Lãnh đạo Đại học Tôn Đức thắng cũng khẳng định nhà trường không phong giáo sư, phó giáo sư. Việc "phong hàm" là của hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước.

“Chúng tôi xét nhà giáo đang công tác tại Đại học Tôn Đức Thắng và có nhu cầu so với Bộ tiêu chuẩn của chúng tôi xem đủ điều kiện không? Có vi phạm pháp luật không? Có vi phạm đạo đức nhà giáo không? Nếu Nhà giáo đạt chuẩn và không có bất kỳ vi phạm gì, chúng tôi bổ nhiệm họ vào chức vụ tương ứng với tiêu chuẩn”, TS Lê Vinh Danh nhấn mạnh.

Sau khi bổ nhiệm các chức danh, Đại học Tôn Đức Thắng sẽ  cung ứng đủ điều kiện làm việc (hỗ trợ xe, nhà, phòng làm việc riêng, lab, chuyên viên hỗ trợ, chế độ đi nước ngoài hợp tác nghiên cứu...), trả thu nhập thỏa đáng cũng như mô tả yêu cầu nhiệm vụ mà những người vừa được bổ nhiệm phải thực hiện.

“Khi những giảng viên được trường bổ nhiệm không làm việc hoặc vi phạm quy định, chúng tôi bãi miễn. Họ cũng có thể tự xin từ nhiệm nếu sau một thời gian tự nhận thấy là mình không thể đáp ứng nổi nhiệm vụ.

“Như vậy, việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư, trợ lý giáo sư tại Đại học Tôn Đức Thắng là chức vụ chuyên môn, nghề nghiệp; không là học hàm suốt đời”, hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng nhấn mạnh.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn