Đại biểu Quốc hội: Xóa độc quyền để có thị trường SGK lành mạnh

Giáo dụcThứ Sáu, 31/08/2018 06:55:00 +07:00

Thị trường SGK từ năm sau sẽ lành mạnh, phong phú hơn so với thị trường hiện nay, đây cũng là điều mà cả xã hội đang mong chờ vào sự thay đổi “một chương trình nhiều bộ SGK” của Bộ GD-ÐT.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, khi thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK thì cạnh tranh bình đẳng có lẽ là điều kiện tiên quyết để có một thị trường SGK lành mạnh, chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của người học.

Về mặt cơ sở pháp lý, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông yêu cầu thực hiện quy định một chương trình nhiều SGK; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT ban hành, đồng thời cho phép các cơ sở giáo dục phổ thông hoàn toàn có quyền lựa chọn SGK đã được Hội đồng quốc gia thẩm định để sử dụng trong dạy học.

a6_ikth

Rất nhiều cuốn SGK các cấp đều có phần chừa sẵn yêu cầu HS làm bài tập, điền vào chỗ trống. Trong ảnh: SGK Tiếng Việt lớp 4, SGK Hóa lớp 8 và SGK Toán lớp 4 đều có bài tập để HS viết vào. (Ảnh: Nghiêm Huê)

Quan điểm trên sẽ được cụ thể hóa vào nội dung sửa đổi Luật Giáo dục lần này. “Theo tôi được biết, hiện nay, ngoài NXB GD VN, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép xuất bản SGK cho 3 NXB khác. Rõ ràng, đây là bước đi đúng đắn, nếu thực hiện nghiêm túc thì sẽ phá dần thế độc quyền” - bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Hoa cũng lưu ý: Quy định một chương trình nhiều SGK về cơ bản sẽ giải quyết được vấn đề độc quyền, tạo cơ hội cho giáo viên và học sinh được quyền lựa chọn, tiếp cận những cuốn SGK có chất lượng, phù hợp với đặc thù vùng miền...

Nhưng kèm theo đó sẽ là nguy cơ có thể xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ SGK hàng năm. Đây là vấn đề các nhà đầu tư làm SGK cần tính đến trong cuộc cạnh tranh trên lĩnh vực này.

e6_ekyf

 

Về phía Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục trưởng Chu Văn Hòa cho biết Bộ vừa cấp giấy phép bổ sung chức năng cho NXB Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Huế - những đơn vị đầu tiên được phép thực hiện xuất bản SGK.

Cục Xuất bản cũng mở “cấp tốc” lớp dành cho các biên tập viên bổ sung cho các NXB thuộc các trường ĐH. Xóa bỏ thế độc quyền SGK nhưng nhà quản lý cũng lường trước rủi ro.

“Thiếu hay thừa SGK đến mức độ nào đó buộc cơ quan quản lý nhà nước phải can thiệp, tuy nhiên thị trường cũng sẽ tự điều tiết theo cơ chế lành mạnh. Các đơn vị sản xuất buộc phải cân đối theo nhu cầu của xã hội, theo năng lực sản xuất của các NXB”, ông Hòa nói.

c6_xems 3

 

Băn khoăn về tính khách quan, công bằng trong thẩm định

GS Nguyễn Xuân Hãn, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH quốc gia Hà Nội cho rằng: “Xét về thực tiễn thì SGK mới là cái có thật, còn chương trình môn học chỉ là nội dung dự kiến vắn tắt? Việc  biên soạn SGK đã được coi là bài toán quốc gia, nên cũng đòi hỏi phải được giải quyết ở tầm quốc gia”. 

Cũng theo GS. Hãn, có rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải tổ chức một Hội đồng SGK quốc gia trực thuộc Chính phủ, mới tập trung được trí tuệ của cả nước và đủ khả năng giải quyết. Đứng đầu Hội đồng SGK quốc gia là người nhạc trưởng  có học vấn và đủ tầm, biết tổ chức, tổng hợp các nguyên tắc hình thành, kinh nghiệm làm SGK của các Hội đồng khoa học trong nước và quốc tế. Hội đồng này mang tính chất trí tuệ, sẽ là đầu mối tập hợp, sử dụng nguồn chất xám dồi dào vào việc biên soạn, thẩm định SGK.

b6_jbid 4

 

Còn bà Nguyễn Thị Mai Hoa thì cho rằng theo luật định, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và SGK. Do đó, được quyền quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình GDPT và SGK là hoàn toàn đúng. Vì trách nhiệm đương nhiên gắn với quyền hạn.

Vấn đề đang khiến nhiều người băn khoăn là làm sao để bảo đảm sự khách quan, công bằng trong thẩm định bộ SGK do Bộ chủ trì với các SGK do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn, tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi.

Mặt khác, theo  bà Hoa, chất lượng SGK, sự khách quan, công bằng trong quá trình thẩm định chắc chắn sẽ phụ thuộc nhiều vào năng lực, sự công tâm của Hội đồng thẩm định. Theo đó, cũng cần quy định rõ trách nhiệm của các thành viên Hội đồng đối với nội dung và chất lượng thẩm định SGK.

Video: Năm 2019-2020, học sinh lớp 1 có SGK mới

PV Tiền Phong đã nhiều lần liên hệ lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để được tiếp nhận thông tin của những người trong cuộc về các vấn đề liên quan SGK mà Tiền Phong đăng tải. Rất tiếc, lãnh đạo NXB này đã từ chối cung cấp thông tin với lý do đang “bận đi kiểm tra việc phát hành SGK ở các địa phương”, không tiếp các nhà báo.

Thứ trưởng Bộ GD-ÐT: “SGK là sách riêng, không có lời giải trên đó”

Ngày 30/8, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, liên quan đến vấn đề SGK phóng viên báo Tiền Phong đã đặt câu hỏi sau:

Mỗi năm phát hành cả trăm triệu bản SGK, tổng số tiền mà các phụ huynh trong cả nước phải bỏ ra để mua lên đến cả nghìn tỷ đồng. Theo phản ánh của dư luận, sở dĩ SGK cũ không được tái sử dụng là do có nhiều loại học sinh phải giải bài tập trên sách. Có ý kiến nói rằng đây là ‘tiểu xảo” để SGK cũ không được tái sử dụng. Đề nghị đại diện Bộ GD-ĐT cho biết quan điểm của Bộ về vấn đề trên? Có nên bỏ “phần làm bài tập trên sách” để có thể tái sử dụng SGK cũ không?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ: Chương trình SGK cũ vẫn thực hiện từ năm 2000 đến nay. Tinh thần SGK cũ là ổn định, chỉ tái bản, bổ sung sách. SGK cũ hiện vẫn được sử dụng. Chỉ khi nào có chương trình mới thì SGK cũ mới không sử dụng nữa, chứ còn hiện nay SGK cũ vẫn được luân chuyển cho các thế hệ sau sử dụng.

Với sách bài tập, sách tham khảo là viết bài lời giải trực tiếp trên sách, còn SGK là sách riêng, không có lời giải trên đó để có thể luân chuyển, sử dụng lâu dài. Còn sách tham khảo thì tùy từng điều kiện của gia đình, nhà trường lựa chọn. Tuy nhiên, về phía Bộ cũng đã ra các văn bản về việc sử dụng tài liệu tham khảo, quy định về quản lý sách tham khảo. Việc quyết định lựa chọn sách tham khảo là của nhà trường cho phù hợp với tình hình địa phương. Bộ cũng chỉ đạo các sách tham khảo mà viết lời giải trực tiếp là không nên.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn