Đại biểu Quốc hội: Nền giáo dục bây giờ tìm một học sinh yếu kém khó như 'mò kim đáy biển'

Giáo dụcThứ Năm, 30/05/2019 16:30:00 +07:00

Từ vụ một lớp học có tới 42/43 em đạt loại giỏi, một em loại khá, đại biểu đến từ Cà Mau nhận định, việc tìm được học sinh yếu kém khó như "mò kim đáy biển".

Tại phiên thảo luận về đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội, ngân sách năm 2018 và kế hoạch năm 2019, quyết toán ngân sách 2017 chiều 30/5, đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cho rằng những gì đang diễn ra trong thời gian gần đây khiến xã hội không khỏi lo lắng, đôi khi còn nghi ngờ vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục.

Điều đó được thể hiện ở chất lượng giáo dục không thực chất và bệnh thành tích không giảm mà có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân bởi những giải pháp của ngành giáo dục hiệu quả thấp; ngành không mạnh dạn đối diện với sự thật để làm cho kết quả học tập trở nên thực chất. 

Minh chứng rõ ràng nhất là lớp học có tới 43 học sinh nhưng lại có tới 42 học sinh giỏi, duy nhất một học sinh khá. "Còn bao nhiêu trường hợp tương tự như vậy, theo tôi là có rất nhiều nếu chúng ta khảo sát. Nền giáo dục bây giờ, tìm được học sinh yếu kém khó như mò kim đáy biển", ông Giang nói.

Bên cạnh đó, mối quan hệ thầy trò ngày càng lỏng lẻo, đạo đức suy giảm. 

Theo đại biểu Thái Trường Giang, dù những vụ xảy ra giữa thầy và trò chỉ là hạt sạn, nhưng nó là hồi chuông báo cho chúng ta cần phải suy nghĩ, hành động.

Trước kia thầy cô có thể phạt học sinh quỳ gối, áp mặt vào tường khi vi phạm nội quy hay phạm lỗi. Những hình phạt đó làm cho học sinh ngoan hơn, nên người hơn. Còn hiện nay các thầy cô không dám cư xử với học trò của mình theo đúng nghĩa. 

Ông Giang cho rằng để giải quyết vấn đề này, nhà trường và Chính phủ, xã hội cần phải phối kết hợp chặt chẽ nhằm củng cố mối quan hệ thầy trò. 

thai truong giang

Đại biểu Thái Trường Giang. (Ảnh: Quochoi.vn)

Liên quan tới vụ gian lận trong kỳ thi THPT năm 2018, ông Giang cho rằng hành động tiêu cực trong thi cử là giọt nước làm tràn ly, buộc ngành giáo dục phải xem xét và đánh giá hiệu quả thực chất của việc nhập 2 kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học vào làm một. Bộ cũng cần xem lại phương pháp coi thi, phương pháp chấm thi, hạn chế tối đa tiêu cực trong thi cử. 

Nếu như trước kia, tiêu cực trong thi cử diễn ra nhỏ lẻ, thì ngày nay hành vi gian lận có tổ chức, quy mô lớn, tinh vi hơn, diễn ra ở nhiều địa phương, do những người có chức có quyền, có tiền, có thế lực trong và ngoài ngành giáo dục thực hiện. 

"Tôi có thể gọi hành động gian lận thi cử năm 2018 là hành vi ăn cướp, vô liêm sỉ vì đã đánh mất cơ hội, cướp mất tương lai của các cháu học thật và thi thật. Hành động gian lận thi cử đang làm băng hoại nền tảng xã hội, nền giáo dục của nước nhà", ông Giang nói.

Từ những vấn đề nên trên, đại biểu Cà Mau đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng, trúng thực chất các tồn tại của ngành giáo dục, có các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để cứu vãn nền giáo dục nước nhà.

Trước đó, anh Hùng, chú của một học sinh tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hoài nghi về thành tích 42/43 học sinh giỏi trong một lớp. Đặc biệt, trường hợp của cháu anh "có nhiều vấn đề" nhưng vẫn được xếp loại giỏi.

 "Tôi mới đi họp phụ huynh cuối năm cho cháu trai lớp 6. Sĩ số lớp 43, thì 42 bạn đạt loại giỏi, duy nhất một em khá. Không biết nhà trường cho học và thi kiểu gì mà toàn nhân tài", anh Hùng cho biết.

Với kết quả này, nhiều giáo viên tỏ ra ngạc nhiên khi trường chuyên hàng đầu của TP.HCM vẫn có học sinh trung bình, nhưng một lớp bình thường lại có tỷ lệ học sinh giỏi cao ngất ngưởng.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn