'Cuộc đua' vào lớp 10 tại Hà Nội: Nỗi lo trước giờ G mang tên Lịch sử

Giáo dụcThứ Bảy, 01/06/2019 14:38:00 +07:00

2019 là năm đầu tiên các thí sinh thi tuyển vào lớp 10 phải thi 4 môn, trong đó Lịch sử là môn thi khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng.

Sáng 1/6, hàng ngàn thí sinh và phụ huynh học sinh có mặt ở 169 điểm thi tại Hà Nội để làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót thông tin đăng ký dự thi (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi tuyển vào lớp 10 THPT.

Ngày mai (2/6), các em sẽ bước vào kỳ thi gồm 4 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử.

Môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian 120 phút mỗi bài thi. Môn Ngoại ngữ thi theo hình thức kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận, làm bài trong 60 phút. Môn Lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, làm bài trong 60 phút.

Chia sẻ với PV VTC News, nhiều phụ huynh, học sinh bày tỏ sự lo lắng trước thời điểm bắt đầu "cuộc chiến" vào lớp 10.

Nỗi lo mang tên Lịch sử

"Lúc biết tin thi môn Sử, có rất nhiều lò luyện được mở ra. Em đăng ký một lớp Sử ở Trần Đại Nghĩa, học từ tháng 3 đến bây giờ. Bản thân em thấy ổn, cũng không đến mức quá nặng, mình chỉ cần chăm chỉ nghe cô giảng trên lớp sẽ được 8 - 9 điểm", Nguyễn Trà Giang, học sinh THCS Nguyễn Trường Tộ chia sẻ.

Giang cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, em không học thêm nhiều ở ngoài mà tập trung tự ôn ở nhà.

Còn Nguyễn Ngọc Anh, học sinh Trường THCS Nhật Tân lại chia sẻ rằng em cảm thấy khá lo lắng vì phải thi 4 môn thay vì thi 2 môn như các năm trước.

tuyen-sinh-vao-lop-10-pdp

 Rất đông thí sinh và phụ huynh có mặt tại điểm thi THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) sáng 1/6. (Ảnh: Anh Thư)

"Bọn em không nghĩ sẽ phải thi môn Sử. Thực sự có quá nhiều kiến thức để học thuộc trong thời gian rất ngắn như thế.

Để chuẩn bị cho kỳ thi, em luyện thi Toán, Văn, Anh, Sử ở ngoài lò luyện. Vì từ đầu năm kiến thức Lịch sử của em cũng không chắc lắm nên khá áp lực. Bước vào kỳ thi này, em tự tin 80%. Tuy nhiên, vẫn khá lo lắng với môn thi thứ 4", Ngọc Anh chia sẻ. 

"Em cảm thấy môn Sử khá khó khăn, vì phải học ôn hơn 30 bài. Thời gian 3 tháng cũng đủ để em học ôn những bài trong chương trình, tuy nhiên sợ nhất là vào những câu không có trong nội dung đã học", em Đinh Hoàng Mai Ly - Trường THCS Chu Văn An cho biết.

Phụ huynh củng cố niềm tin cho sĩ tử trước "giờ G"

Đồng hành với con trong kỳ thi có tính ganh đua khốc liệt này, chị Nguyễn Giang Ngân (Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) chia sẻ: "Kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới khiến gia đình và con tôi cảm thấy rất lo lắng. Đặc biệt, khi biết Lịch sử là môn thi thứ 4, gia đình cũng lo vì con học thiên về các môn Tự nhiên.

Nhiều bạn bè của cháu cũng ráo riết tìm lớp học vì lúc khi đó chỉ có 3 tháng để ôn tập những kiến thức cơ bản. Ngay lúc đó, tôi phải tìm giáo viên và tổ chức học nhóm cho cháu, đảm bảo cháu bước vào cuộc thi tự tin nhất".

Còn chị Nguyễn Thu Hương (Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) có con học THCS Chương Dương cho biết: "Cháu nhà mình thích học Hóa hơn, nên khá lo lắng khi biết thông tin năm nay thi Lịch sử.Về việc chọn trường, đầu năm lớp 9 các mẹ bắt đầu lo lắng hướng con chọn trường phù hợp với khả năng, đảm bảo con thi đỗ.

Nếu không nghiên cứu kỹ, rất dễ xảy ra những trường hợp như sức học của con tốt nhưng lại đăng ký thi vào trường thấp điểm, hay sức học của con chỉ được ít điểm nhưng bố mẹ lại kỳ vọng cho con vào trường cao...".

tuyen-sinh-vao-lop-10-ha-noi

Tại trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), đúng 9h, các thí sinh vào trường thi làm thủ tục. (Ảnh: Anh Thư)

Chị Nguyễn Bích Hạnh (Quận Long Biên - Hà Nội) cho biết, hiện tinh thần con chị rất thoải mái, cháu thể hiện quyết tâm và có trách nhiệm. Tuy nhiên, đề Ngữ văn khi kiểm tra thi thử khó hơn so với sức học của em nên gia đình vẫn lo lắng. Với nguyện vọng 1 là Trường THPT Phan Đình Phùng - một trong những trường có tỉ lệ chọi cao, chị Hạnh cũng động viên con cần rất cố gắng để không phải dùng đến nguyện vọng 2.

"Cháu nhà mình đánh giá môn Sử là môn dễ nhất trong số các môn thi thứ 4 như Lý, Hóa. Tuy nhiên, với đặc thù trả lời trắc nghiệm, cần phải học thuộc các mốc năm trong Lịch sử nên con phải rất cẩn thận để tránh nhầm lẫn. Việc luyện thi cũng vì thế khá căng thẳng, đến hôm qua, các con vẫn học ôn", chị Hạnh nói. 

Nhiều thí sinh cho biết, việc lựa chọn trường thi vào lớp 10 hoàn toàn là quyết định của các em, bố mẹ chỉ góp ý và củng cố tinh thần cho con.

Năm 2019, Hà Nội có 85.870 thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập (tính cả thí sinh được xét tuyển thẳng). Tổng chỉ tiêu vào các trường công lập và công lập tự chủ là 67.230, trường ngoài công lập là 21.820. Số còn lại phải học dân lập với mức học phí cao hơn hẳn, hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, học nghề. 

Do số lượng thí sinh dự thi giảm khoảng 9.000 em so với năm ngoái nên tỷ lệ chọi các trường cũng giảm. Trong đó, trường THPT Chu Văn An có tỷ lệ chọi cao nhất, chỉ tuyển 225 học sinh nhưng có đến hơn 530 em đăng ký nguyện vọng 1 vào trường (1/2,4).

Các trường theo sát về tỷ lệ chọi gồm THPT Sơn Tây (1/2,3), THPT Trung Văn (1/2,2), THPT Yên Hòa (1/2,2), THPT Nhân Chính (1/2,1).

Linh Nhi
Bình luận
vtcnews.vn